Quốc hội thảo luận về Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế giá trị gia tăng:
Sôi nổi chuyện bia hơi và xe máy
08:21' 22/05/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chưa có diễn đàn nào mà bia hơi và xe máy lại được đề cập nhiều như phiên thảo luận chiều qua (21/5) của các đại biểu Quốc hội tại Hội trường Ba Đình về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. 30 ý kiến phát biểu trên nghị trường đều băn khoăn: đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với  xe  máy là “đánh” vào quyền lợi tiêu dùng bình thường  của người dân lao động. Và đồng nhất  mức thuế của cốc bia hơi dân dã với  bia chai, bia lon “xịn” - theo các đại biểu - là không hợp lý. Với tư cách của một đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khẳng định: “Xe máy chỉ là sự nâng cấp của xe đạp. Không nên xếp vào diện “đặc biệt”.

Đại biểu Võ Quốc Thắng - Long An. Ảnh: NGUYÊN VŨ

“Nước lọc đắt hơn bia hơi sao không xếp “đặc biệt”?

Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) đã “kêu” cho bia hơi một cách rất cụ thể và dân dã: Chẳng lẽ bia hơi lại phải  cùng chịu chung sàn thuế với bia chai, bia lon. Không cần phân tích cũng thấy rõ, quy mô sản xuất bia hơi rất nhỏ  và thị trường tiêu thụ lại  hẹp hơn nhiều so với bia chai, bia lon. Và chẳng lẽ người Thái Bình uống một cốc bia hơi cũng lại  chịu sự điều tiết thuế như người ở Hà Nội. Với các cơ sở sản xuất bia hơi ở địa phương, quy mô nh, nên đánh thuế 30% chứ không phải 50%.

Còn  đại biểu Lê  Thị Nga (Thanh Hoá) “kêu” ở mức vĩ mô hơn: “Nếu thuế suất của bia quá cao, các doanh nghiệp sẽ trốn thuế”. Và bà kiến nghị: thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia chai, bia hộp nên giữ ở mức 65%, bia hơi 20%. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như vậy,  các cơ sở sản xuất  bia hơi sẽ khó khăn, người lao động không có công ăn việc làm và sẽ không đạt được mục tiêu đề ra là  tăng tổng thu cho nền kinh tế. Thuế phải để người sản xuất, người tiêu dùng chấp nhận. Tăng thu ngân sách là chủ trương đúng đắn nhưng tăng thuế không phải là giải pháp duy nhất”.

Đại biểu Trần Công Kích (Ninh Bình) cũng chung nỗi bức xúc này: “Xã hội đang có nhu cầu bia hơi rất lớn. Nhưng  các doanh nghiệp sản xuất bia hơi vẫn lỗ to. Nên giảm thuế suất xuống 30% là vừa”. 

Và cả Hội trưởng ồ lên đồng tình khi đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định)  “ý kiến” một cách nồng nhiệt: Chiều chiều, trên khắp các phố Hà Nội có gần 3000 người đổ ra đường uống bia hơi. Ở nông thôn cũng đã phổ biến chuyện uống bia hơi rồi. Đi gặt hái về mà uống một cốc bia hơi thì đã lắm. Nên đánh thuế 30%. Có cái bất hợp lý là nước lọc còn đắt hơn bia hơi  thì lại không bị đánh thuế đặc biệt. Nên đánh thuế theo nồng độ cồn thì  hợp lý hơn.

Còn bà Nguyễn Thị Anh Nhân (đại biểu Hà Nội) đề nghị mức thuế thấp hơn: “Bia hơi nên giảm xuống 25% là hợp lý”. Bà nói thêm: “Các nước đánh thuế loại hàng này theo độ cồn. Bia chỉ là loại nước giải khát bình thường. Hiện đa số các nhà máy bia đều không có mức tăng trưởng khá. Các nhà máy đã kêu là họ chưa có tich luỹ. Và nếu tăng thuế thì phải tăng giá, e rằng người tiêu dùng không chịu. Còn tăng thuế không tăng giá thì các nhà máy không thể tồn tại, nhất là 3000 xí nghiệp sản xuất bia hơi”. (Bà Nhân là người đã từng lãnh đạo một doanh nghiệp lớn sản xuất bia).

Riêng đại biểu Võ Quốc Thắng (Long An) lại có sự quan tâm đặc biệt đối với rượu. Ông phân tích: Việc chia rượu chia ra làm 5 loại với 5 mức thuế khác nhau như vậy rất dễ tạo  ra kẽ hở để gian thương lợi dụng Người kinh doanh rượu chỉ cần lấy tem loại rượu rẻ tiền nhập chính ngạch dán cho loại rượu đắt tiền nhập không chính nghạch. Chính tôi  cũng đã từng bóc tem  thử rất nhiều  lần mà tem không suy xuyển  vì tem chai rượu 80.000 đ – không khác gì mấy so với loại rượu trên 2 triệu. Tôi đề nghị loại rượu dưới 20 độ  nên dán loại tem màu xanh, trên 20độ dán tem màu đỏ, và chỉ có 2 mức thuế khác nhau” 

Xe máy  chỉ là sự nâng cấp của xe đạp”

Riêng về  mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe máy, các ĐB lại có ý kiến khác nhau.

Đại biểu Hồ Thị Tuyết Vân (Quảng Nam) cho rằng nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe máy trên 30 triệu trở lên(chứ không phải 25 triệu).
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) thì lại không muốn đưa xe máy vào loại thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông nói: “Hiện cả nước chỉ có 5% đi xe máy xịn. Ví dụ xe trị giá 30 triệu, người bán sẽ bóc ít phụ tùng tốt, để bán 29 triệu thì ta lại thất thu thuế. Tôi đề nghị đánh thuế tất cả các loại xe 10%“.

Ông Trần Việt Hùng (đại biểu Hải Phòng) phân tích: Nếu không phát triển công nghiệp xe máy thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ của  các nước khác, chứ Việt Nam không thể quay lại đi xe đạp được. Chúng ta nên phân loại xe để đánh máy theo phân khối, chứ không nên phân thuế theo giá tiền.  Đánh thuế theo phân khối là  ưu tiên xe máy rẻ. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xe máy rẻ. Hàng ngày đi qua ngã tư mới thấy mùi xăng của các xe máy rẻ toả ra nó khủng khiếp như thế nào. Xe máy rẻ tiền Trung Quốc là loại gây tai nạn nhiều. Đánh thuế như thế này dễ gây gian lận thương mại. Nên nghiên cứu kỹ, nếu chỉ có người giàu đi phân khối lớn  thì nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe máy.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cũng đồng tình với phương án đánh thuế đối với xe máy xét  theo phân khối.  Tuy nhiên, đại biểu HƠ LUOC NO TOR (ĐăkLăk) phản đối cách đánh thuế này, vì “Các tỉnh miền núi đường quanh co, khó đi nên phải mua xe máy đắt tiền. Người dân  nghèo tích góp mãi mới mua được cái xe máy thì phải mua loại tốt. Chẳng lẽ lại động viên người dân mua xe rẻ tiền, kém chất lượng?”.

Ông Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) bức xúc: Tôi đề nghị tăng thuế và lên 100%, tăng thuế thuốc lá lên, tăng thuế  rượu, còn rượu thuốc thì... để nguyên. Tất cả xe máy không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.  

Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) quyết liệt hơn: “Đưa vào tiêu thụ đặc biệt đối với xe máy trên 30 triệu trở lên vẫn sẽ không khuyến khích được sản xuất trong nước. Nên thôi đánh thuế đặc biệt đối với xe máy đi. 

Bà Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lại có ý kiến khác: ''Đánh thuế đặc biệt xe máy sẽ ảnh hưởng, thiệt hại đến các doanh nghiệp. Tay nọ chặt tay kia. Tăng cường biện pháp hành chính vừa qua rõ ràng đã giảm thiểu ùn tắc giao thông, chứ không phải tăng thuế xe máy là biện pháp mạnh. Tôi đề nghị tăng thuế thuốc lá và rượu”.

Gần cuối cùng, cách nói hài hước của nhà khoa học, đại biểu Vũ Tuyên Hoàng (Quảng Nam) về cả bia hơi và xe máy đã tạo được sự đồng thuận của nghị trường. ''Không uống bia thì uống nước lọc cũng không sao nên đánh thuế cũng được. Nhưng bia hơi thì nên đánh thuế nhẹ thôi vì đây là sản phẩm bình dân. Tôi không đi xe máy nhưng tôi thấy đi xe máy mà lại bị đánh thuế đặc biệt thì không thể hiểu nổi. Điều này đưa ra là không được lòng dân đâu. Bớt thất thoát trong xây dựng thì còn lớn hơn  tăng thuế xe máy. Tôi nghĩ nên cho qua việc này đi, xe máy là quyền lợi của người dân lao động. Chúng ta có thể nghĩ ra bao nhiêu loại thuế, sao lại nghĩ ra chuyện đánh thuế xe máy?”.

Và cả hội trường vỗ tay tán thưởng rào rào khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An phát biểu với tư cách một đại biểu Quốc hội: “Đi lại, ăn ở, học hành, chữa bệnh là nhu cầu thiết yếu của người dân. Không thể đánh thuế đặc biệt được

Quốc hội cũng phải làm đúng Hiến pháp!

Riêng thẩm quyền phê chuẩn về thuế,  ĐB đều thống nhất là  Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể quyết thay Quốc hội.  Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khẳng định: “Hiến pháp đã ghi rất rõ: Quốc hội làm luật và sửa đổi luật, chứ không phải giao cho Uỷ ban thường vụ quốc hội. Bản thân Quốc hội phải chấp hành Hiến pháp. Không được giao cho thường vụ quốc hội quyết mà Quốc hội không phê chuẩn. Như vậy mới đúng hiến pháp. Tôi tha thiết không giao cho thường vụ Quốc hội những việc mà Hiến pháp đã quy định là Quốc hội phải làm. Tôi cũng xin giải thích thêm Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay Quốc hội, thay các cơ quan Chính phủ. Và riêng ba luật thuế này, Bộ chính trị không bàn. Quốc hội phải bàn cho kỹ và chịu trách nhiệm. Đảng chỉ lãnh đạo đường lối, chứ không làm thay cơ quan lập pháp, hành pháp. Tôi nói như vậy để các ĐB thấy rõ là nên làm tròn trách nhiệm của mình trước dân.

  •  Lương Bích Ngọc
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hải quan sẽ tham vấn trước khi ấn định giá tính thuế  (22/05/2003)
Cơ hội tiếp cận kênh tài trợ mới của OPEC (22/05/2003)
Tốc độ giải ngân ODA tại TP.HCM quá chậm (22/05/2003)
Israel giúp Việt Nam phát triển tôm thuần đực (21/05/2003)
''Tiền thuế như một miếng mỡ để trước mặt mèo mà không đậy...'' (21/05/2003)
Khởi công dự án mở rộng cảng Đình Vũ (21/05/2003)
Sẽ xuất khẩu 1,5 triệu USD cá basa sang Bỉ (21/05/2003)
Rút giấy phép cửa hàng kinh doanh gỗ trái phép (21/05/2003)
DN đối thoại trực tiếp với Nhà nước qua mạng (21/05/2003)
Phát hiện gần 2 tấn bột giặt và 157 thùng nước rửa chén "nhái" (21/05/2003)
Giá phân urê có thể xuống 2.200 đồng/kg (21/05/2003)
Gần 400 tỷ đồng cho Trung tâm điều hành viễn thông quốc gia (21/05/2003)
Xây trạm nghiền xi măng Thị Vải (21/05/2003)
Vàng tăng 100.000 đồng/cây trong vòng 24 giờ (21/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang