(VietNamNet) - Rất nhiều đại biểu đều đồng tình với ý kiến trên của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh, Thứ thưởng Bộ Thuỷ sản, trong buổi thảo luận sáng nay (22/5) vì cho rằng ''các DN của chúng ta hiện nay rất cần coi đầu tư cho bán hàng quan trọng như đầu tư phát triển sản xuất. Các DN Việt Nam mới biết sản xuất chứ chưa biết bán hàng và rất cần có chính sách khuyến khích DN trong việc này''.
Làm việc tại Hội trường về Luật thuế thu nhập DN, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh của An Giang đề nghị không nên khống chế chi phí quảng cáo tiếp thị, khuyến mại liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khoản chi phí khác ở mức tối đa không quá 10% tổng số chi phí. Về chi phí tính thuế, cần tính đến việc DN của ta biết về thị trường nước ngoài rất ít trong khi nếu DN nước ngoài đã sang Việt Nam thì họ lại rất am hiểu thị trường Việt Nam. Chúng ta có rất ít DN có đủ khả năng hiểu biết về thị trường nước ngoài và có thể mở văn phòng đại diện tại thị trường này.
Bà Minh dẫn chứng, nếu muốn lập văn phòng đại diện tại Mỹ thì phải tốn ít nhất 100.000 USD cho một cán bộ trong 1 năm. Vụ kiện tôm cũng vậy, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng phải đóng góp 50.000 USD để cùng các nhà thuỷ sản Thái Lan, Trung Quốc tiến hành công việc ngăn chặn vụ kiện. Ngoài ra, chi phí cho quảng cáo, hội chợ, quỹ bảo hiểm xuất khẩu cũng chiếm rất nhiều tiền của DN, nếu khống chế tức là chúng ta kìm hãm DN.
Bà Minh đề nghị nên bổ sung cả chi phí cho xác lập và bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá vào danh sách phí quảng bá tiếp thị; Nhiều DN do thực hiện quy hoạch chung phải di chuyển cũng nên có chế độ khuyến khích ưu đãi cho họ; Đặc biệt, đối với DN sử dụng nhiều lao động nữ cũng rất cần khuyến khích bằng chính sách cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa của TP.HCM cũng cho rằng, DN của chúng ta rất hạn chế ở việc đầu tư cho thương hiệu trong khi có những DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hàng chục năm không có lợi mà chỉ tính đến việc quảng bá thương hiệu. Mức khống chế 10% tổng số phí cho quảng cáo tiếp thị là quá bất hợp lý. Có những DN dù nhỏ cũng không thể chịu nổi mức tính này. (Kỳ họp trước bà Nghĩa cũng đã rất bức xúc về điều này - TS).
Ông Huỳnh Văn Chính ở Đà Nẵng cho rằng điểm g điều 9 của dự luật (Khoản chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế khi DN chi trả tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của ngân hàng, của các tổ chức tín dụng theo lãi suất thực tế; chi trả lãi tiền vay của các đối tượng khác theo lãi suất thực tế khi ký hợp đồng vay, nhưng tối đa không quá mức lãi suất vay của NH thương mại tại thời điểm cho vay) còn hạn chế quyền chủ động của DN. Ông cho rằng trong sản xuất kinh doanh có những thời điểm DN rất cần tiền nhưng hạn mức vay ngân hàng không còn và không dễ vay quá mức quy định, cũng không theo mức lãi suất NH quy định được. Đến thời điểm trả nợ, DN chưa xuất được hàng và chưa có tiền trả thì sẽ bị quy thành nợ quá hạn. Như vậy bất lợi đối với DN và nên sửa lại điểm này.
Về thuế suất thuế Thu nhập DN, ông Chính cho rằng một số nước áp dụng thuế suất luỹ tiến như Hàn Quốc, với mức từ 16 đến 28%. Chúng ta nên áp dụng mức thuế suất luỹ tiến là 10-20-30-40% thay cho một mức cố định như hiện nay để linh hoạt với nhiều loại DN. ''Tôi chia sẻ với các nhà quản lý rằng cái bánh ngân sách thì hữu hạn và nhu cầu thì vô hạn, làm bánh to lên rất khó chính vì thế mà chúng ta phải cùng nhau cân nhắc kỹ lưỡng''.
Bà Đỗ Phương Thảo, đại biểu Hải Phòng phản ứng mạnh với việc Dự luật bỏ đi chính sách ưu đãi đối với DN sử dụng nhiều lao động nữ vì làm thế là mâu thuẫn với Bộ luật Lao động. ''Nếu bỏ đi khoản này thì thử hỏi chúng ta thu thêm được bao nhiêu cho ngân sách so với những thiệt hại về mặt kinh tế xã hội?'', bà Thảo nói.
Còn đại biểu Hà Thị Hải Yến - Lạng Sơn và một số vị ''hoàn toàn nhất trí'' với mức thuế suất phổ thông 28%.
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng cái nhìn thể hiện trong Luật vẫn chưa coi DN là những người chung vai chèo lái với đất nước và với nhân dân, có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Ông đề nghị QH xem xét ''nới'' việc cho phép DN chi trả cho các hoạt động tài trợ mang tính chất xã hội và đưa vào chi phí hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa của TP.HCM cũng nhất trí rằng, ''Ngay cả chi phí tham gia hoạt động xã hội và đóng góp cho xã hội hoá cũng nên khuyến khích DN bằng giảm thuế chứ không nên khống chế DN''. Bà Nghĩa cũng đề nghị xem lại về thuế suất luỹ tiến, cho giữ việc miễn thuế đối với các HTX có lợi tức dưới 100 triệu/năm, nên đưa việc đầu tư siêu thị vào ưu đãi đầu tư vì việc đầu tư siêu thị hiện nay là tích cực. Theo bà, các DN càng sử dụng nhiều lao động càng nên miễn giảm thuế cho họ vì họ đã giải quyết được việc làm cho xã hội.
Đại biểu Trương Văn Hiền ở Nghệ An cho rằng chi phí đối với quảng cáo trên mạng không nên để một mức mà nên để 3 mức để phù hợp hơn với các đơn vị có doanh số lớn đến nhỏ.
|