Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế nhận định, nếu 7 tháng còn lại của năm nay cả nước vẫn giữ được mức tăng kim ngạch xuất khẩu như thời gian qua thì năm 2003, Việt Nam thể đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD, chứ không phải 17,8 tỷ USD như kế họach đề ra.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, Bộ Thương mại và Bộ KH-ĐT, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 1,62 tỷ USD - cao nhất trong vòng 1 tháng (kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm 2002 vào tháng 12 cũng chỉ đạt 1,45 tỷ USD). Tuy bị ảnh hưởng từ cuộc chiến tại Iraq và dịch SARS nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục tăng: tháng 5 cao hơn tháng 4 là 10 triệu USD; tháng 4 cao hơn tháng 3 là 10 triệu USD và tháng 3 cao hơn tháng 2 là 310 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 sở dĩ đạt mức khả quan bởi phần lớn những mặt hàng xuất khẩu có giá trị, như dầu thô, vẫn đạt 1,5 triệu tấn; kim ngạch hàng dệt may đạt 280 triệu USD, giày dép 170 triệu USD, thủy sản 160 triệu USD, gạo 86 triệu USD, cà phê 38 triệu USD; hàng điện tử, máy tính, linh kiện điện tử đạt 60 triệu USD; hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ đạt 82 triệu USD.
Do đó, kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 5 tháng đầu năm đạt gần 7,9 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2002 và 44,4% kế hoạch. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 2,42 tỷ USD (không kể dầu thô) tăng 49,5% và bằng 50,3% chỉ tiêu cả năm.
5/2003 cũng là tháng đầu tiên kim ngạch nhập khẩu giảm (6,7%) so với tháng trước. Chỉ có 3 mặt hàng thiết yếu có mức nhập khẩu tăng là xăng dầu (2%), tân dược (3,4%) và vải (0,7%), còn lại tất cả các mặt hàng nhập khẩu đều giảm đáng kể. Tuy nhiên, tính cả 5 tháng thì kim ngạch nhập khẩu đã lên đến 10 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ và bằng 48,8% kế hoạch. Mức nhập siêu trong 5 tháng qua là 2,1 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa và giảm nhập siêu đến mức thấp nhất là việc cực kỳ quan trọng đối với kinh tế đất nước. Muốn vậy, các bộ, ngành, địa phương và DN cả nước cần nhanh chóng thực hiện chương trình tiết kiệm trong sản xuất, giảm chi phí đầu vào đối với các sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt, đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu thay thế cho nhập khẩu, nhất là tìm mọi biện pháp để tăng nhanh khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thương trường thế giới.
(Theo TTXVN)
|