Từ ngày 28 - 30/5, Hội thảo quốc tế về hợp tác Việt Nam - Châu Phi sẽ diễn ra ở Hà Nội. Đây là một cuộc "gặp mặt" lớn giữa Chính phủ và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam với các đối tác đến từ Châu Phi. Trước thềm hội thảo, ông Abdallah Omar Alarnosy - Đại sứ Ai Cập, nước Châu Phi có quan hệ thương mại hàng đầu với Việt Nam, đã có cuộc trả lời phỏng vấn.
- Đây là hội thảo đầu tiên giữa Việt Nam và các nước Châu Phi được tổ chức, theo sáng kiến của Việt Nam. Tôi cho rằng, hội thảo là một sự kiện và là bước đệm hết sức quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước Châu Phi. Có thể nói rằng, đến nay, các DN Việt Nam mới chỉ "gõ cửa" thị trường Châu Phi - một thị trường đầy tiềm năng, rộng lớn với sức tiêu thụ hàng hoá mạnh mẽ... Tuy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước Châu Phi trong giai đoạn 1991- 2002 tăng hơn 10 lần, đạt mức gần 200 triệu USD, nhưng đó vẫn là con số ở mức thấp, chưa xứng tầm với các quan hệ ngoại giao. Có thể lấy ví dụ trong quan hệ giữa Việt Nam - Ai Cập. Quan hệ ngoại giao hai nước đã được thiết lập tròn 40 năm ( 1963 - 2003), nhưng kim ngạch thương mại hai chiều mới đạt 22 triệu USD vào năm 2002. Đây chắc chắn là con số không lớn.
Là một người con Châu Phi, tôi muốn nói hầu hết người dân các nước Châu Phi đều cảm phục trước sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Việt Nam và dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp. Đây có thể xem là một lợi thế của các bạn trong mối quan hệ hợp tác với Châu Phi. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đạt được những bước tiến vững chắc kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Điều này có thể được đánh giá qua sự trọng thị mà các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản và các nước Châu Âu dành cho Việt Nam. Chính vì vậy, hội thảo cũng là cơ hội tốt để các nước Châu Phi, trong đó có Ai Cập, tìm hiểu và mở rộng quan hệ kinh tế với Việt Nam. Chính phủ Ai Cập nói riêng luôn mong muốn đẩy mạnh và cải thiện hơn nữa quan hệ ngoại giao cũng như kinh tế với Việt Nam.
- Người dân Ai Cập có ấn tượng như thế nào về hàng hoá Việt Nam, thưa ông?
- Rất tốt. Hiện Ai Cập chủ yếu nhập các mặt hàng nông sản như hạt tiêu, chè, càphê... và một số mặt hàng linh kiện điện tử từ phía Việt Nam. Hầu hết các đánh giá đều cho rằng hàng hoá Việt Nam rẻ và có chất lượng tốt. Theo tôi, đây không chỉ là ấn tượng của riêng người Ai Cập, mà còn của nhiều nước Châu Phi khác.
- Theo ông, ngoài mặt hàng nông sản, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng đến những mặt hàng nào khác khi xuất sang Châu Phi?
- Việt Nam vẫn có những thế mạnh về nông sản, hàng thủ công, may mặc, điện tử hay công nghiệp nhẹ. Đây đều là những mặt hàng cần thiết đối với nhiều nước Châu Phi. Nhưng theo ý kiến của riêng tôi, Việt Nam có thể mở rộng quan hệ kinh tế với Châu Phi trong nhiều lĩnh vực khác ngoài thương mại, như nông nghiệp, ngư nghiệp...
Việt Nam đã đạt được thành công rất lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ hải sản. Như tôi nhớ, Việt Nam đã đạt hơn 2 tỷ USD trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ hải sản trong năm 2002. Đây chẳng phải là mặt hàng kiến thức có giá trị sao? Các bạn có thể "xuất khẩu" kinh nghiệm trên sang các nước Châu Phi, như Ai Cập... Tôi cho rằng, Ai Cập nói riêng và các nước Châu Phi nói chung rất sẵn lòng học hỏi cũng như chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các lĩnh vực trên.
- Với cương vị là đại diện cho chính phủ một nước Châu Phi tại Việt Nam, theo ông đâu là khó khăn cần tháo gỡ để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước Châu Phi?
- Bất kỳ mối quan hệ hợp tác kinh tế nào cũng đều có những khó khăn nhất định, chính vì vậy chúng ta rất cần những hội thảo như sắp tới để tháo gỡ. Nhưng, như trên đã nói, các bạn có một thuận lợi rất lớn từ phía tình cảm của người dân Châu Phi. Điều này sẽ giúp Việt Nam và các nước Châu Phi dễ dàng hơn trong việc vượt những "rào cản" hiện nay trong quan hệ kinh tế. Tôi tin rằng, Việt Nam là một đối tác đáng giá và các bạn sẽ sớm trở thành con hổ Châu Á.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Lao Động)
|