Kinh tế tư nhân đang phát triển mất cân đối
16:43' 29/05/2003 (GMT+7)
(VietNamNet) - Một nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương về phát triển khu vực kinh tế tư nhân vừa cho biết, kết quả đạt được của các DN tư nhân rất mất đồng đều trên cả nước vì phần lớn các doanh nghiệp mới đều tập trung tại Hà Nội và TP.HCM.
Khu vực tư nhân hiện chỉ chiếm 4% tổng GDP.

Báo cáo này do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trong khuôn khổ dự án ''Cải cách thể chế phục vụ phát triển doanh nghiệp'' do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) hỗ trợ. 

Khu vực tư nhân trong nước của Việt Nam đã phát triển rầm rộ kể từ khi ban hành Luật Doanh nghiệp vào đầu năm 2000. Luật này đã góp phần tạo ra khoảng 62.300 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư khoảng 7,4 tỷ USD. Năm 2001, khu vực này chiếm khoảng 25% tổng số vốn đầu tư ở Việt Nam so với 20% của khu vực đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khu vực tư nhân vẫn còn nhỏ bé, chỉ chiếm 4% tổng GDP. Hơn nữa, sân chơi vẫn chưa được bình đẳng. Các nhóm doanh nghiệp, được phân loại chủ yếu theo hình thức sở hữu, vẫn bị điều chỉnh bởi các luật lệ và quy định riêng.

Theo báo cáo, nhìn chung các tỉnh đều đạt được tiến bộ rõ rệt trong việc cải thiện tình hình đăng ký doanh nghiệp, giảm thời gian và chi phí thiết lập doanh nghiệp. Thời gian đăng ký đã giảm từ 15 xuống còn 7 hoặc thậm chí 3 ngày. Hà Giang, một tỉnh phía Bắc, thậm chí còn cho phép trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Có được kết quả như vậy là do phần lớn các tỉnh đã thực hiện chính sách ''một cửa, một dấu'' nhằm đơn giản hoá các thủ tục hành chính. Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang dẫn đầu trong việc áp dụng cơ chế đăng ký trên mạng, đi đôi với hệ thống thông tin doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. 

Việc đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chính quyền địa phương và các doanh nhân đã diễn ra thường xuyên hơn. Hầu hết các tỉnh tổ chức hội nghị thường niên để tìm hiểu nhu cầu và những vấn đề quan tâm của các doanh nghiệp và giải đáp những thắc mắc của họ. Bình Dương, một tỉnh phía Nam, đã thiết lập hội đồng tư vấn đầu tư do Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh phụ trách. Hội đồng này họp vào thứ Năm hàng tuần để giúp các nhà đầu tư và các doanh nghiệp khắc phục khó khăn. 

Thách thức tìm một sân chơi bình đẳng 

Tuy nhiên, một thách thức mà nhiều tỉnh vẫn phải đối mặt là tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt về khả năng tiếp cận với đất đai và tín dụng. Đây là những lĩnh vực có mức chênh lệch lớn nhất. Một lần nữa Bình Dương, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư bằng cách cấp phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời gian trung bình ngắn hơn 5 ngày so với quy định hiện hành. Thành phố Hồ Chí Minh thậm chí còn phối hợp với các tỉnh lân cận để tìm đất cho các nhà đầu tư.

Chính phủ hỗ trợ tài chính cho các nhà đầu tư thông qua Quỹ Phát triển với lãi suất ưu đãi. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều dự án đã được vay vốn với lãi suất 3%/năm. Cho đến nay, 42 dự án - trong đó hầu hết là doanh nghiệp tư nhân - đã được vay vốn ưu đãi, với tổng số vốn khoảng 9 tỷ đồng. Năm 2002, tỉnh Long An cung cấp 90% số vốn trong Quỹ Phát triển của mình cho khu vực tư nhân.

Các tỉnh khác đã có biện pháp giải quyết vấn đề tín dụng một cách sáng tạo. Ví dụ, Ngân hàng Đầu tư Phát triển tỉnh Tuyên Quang đã cho doanh nghiệp tư nhân vay với lượng vốn đáng kể dưới hình thức tín chấp. Tỉnh Hà Giang cũng áp dụng phương thức này nhưng còn tiến xa hơn, đó là cho các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả vay vốn với lãi suất bằng 0.

Song những ví dụ như vậy còn quá ít và Quỹ Phát triển chỉ phục vụ cho một số loại hình dự án nhất định tập trung vào một số lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích hay ở các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Các nhà đầu tư thường rất khó vay vốn vì thủ tục cho vay phức tạp. Nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa có đủ năng lực xây dựng kế hoạch kinh doanh để làm cơ sở vay vốn.

Báo cáo chỉ ra rằng nói chung tốc độ cải thiện các thủ tục cho vay và các biện pháp khuyến khích đầu tư còn chậm so với yêu cầu. Ví dụ như Quỹ Tín dụng có đảm bảo phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ tồn tại trên giấy tờ do các tỉnh thiếu kinh phí. Các ngân hàng thương mại thường không muốn đóng góp vào Quỹ này vì họ cho là không an toàn.

Tình trạng các tỉnh áp dụng các phương thức khác nhau và đạt được kết quả không đồng đều là do không có hướng dẫn và tính không nhất quán của khuôn khổ pháp lý. Luật Đất đai, hiện đang được sửa đổi, là một ví dụ. Do việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bị đánh thuế cao, thậm chí còn cao hơn giá thuê đất, nên một số doanh nghiệp chọn phương án thuê đất. 

  • Hồng Phúc



  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
5 tỷ đồng cho 2 tháng trên CNN (29/05/2003)
Cần khai thác tối đa điểm tương đồng (29/05/2003)
Mở đường bay thẳng Hà Nội - Siem Riep (29/05/2003)
Lương cán bộ quản lý trong công ty nước ngoài đạt 490-510 USD (29/05/2003)
Bộ Tài chính ''từ chối'' khiếu nại của Hiệp hội Xe đạp Xe máy (29/05/2003)
Australia viện trợ 72,1 triệu đôla Úc cho Việt Nam (29/05/2003)
Sữa nội chỉ đủ 11% nhu cầu (29/05/2003)
Sản lượng điều tăng 50.000 tấn (29/05/2003)
Xe Zace ''cháy chợ'' (29/05/2003)
70% hạn ngạch dệt may vào Mỹ dành cho DN có thành tích (29/05/2003)
Đối thoại thẳng thắn, hợp tác đa dạng (28/05/2003)
Việt Nam dùng 5,5 triệu USD để tiết kiệm điện (28/05/2003)
Có đòi lại được tiền tạm ứng cổ tức khi Bibica thua lỗ? (28/05/2003)
5 tháng, vốn FDI đạt 194 triệu USD (28/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang