Kinh tế 5 tháng đầu năm: Đã có thể lạc quan
08:40' 03/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - "Từ đầu năm, mặc dầu phải đương đầu với một số khó khăn lớn như hạn hán ở Tây Nguyên và miền Trung, cuộc chiến tranh Iraq đã có những tác động xấu đến nền kinh tế, nạn dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, khách sạn nhưng kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm vẫn tiếp tục duy trì khả năng tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, thu ngân sách nhà nước có nhiều tiến bộ...".

Đó là lời ông Trần Quốc Toản, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong cuộc gặp mặt báo chí thường kỳ chiều nay (2/6) tại Hà Nội.
 

Sản xuất tăng trưởng khá toàn diện
 

Nổi bật nhất của bức tranh kinh tế năm tháng vẫn là tình hình công nghiệp. Ngành kinh tế chủ lực này tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với nhiều năm trước đây. Giá trị sản xuất 5 tháng tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2002, cao hơn so với mức tăng năm trước 1,5%. Trong đó khu vực ngoài quốc doanh 18,6%, khu vực có vốn đầu tư tăng 17,4%. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như thép cán, sứ vệ sinh, thuỷ sản chế biến quần áo dệt kim đều đạt mức trên 20%. Ngoài các địa phương vùng trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có tốc độ tăng trưởng cao, một số địa phương khác đã có dấu hiệu tăng tốc. Trong đó đáng chú ý có Vĩnh Phúc tăng 21%, Thanh Hoá tăng 18,8%. Đà Nẵng tăng 17,9%, Khánh Hoà tăng 22%, Cần Thơ tăng 21,1%.
 

Nông nghiệp là lĩnh vực phải đương đầu với nhiều khó khăn do thiên tai nhưng vẫn được duy trì. Sản lượng lương thực vụ Đông Xuân ước đạt 16,5 triệu tấn, giảm 194.000 tấn so cùng kỳ. Nguyên nhân giảm một phần là do giảm năng suất ở các vùng lúa gặp khô hạn và phần khá do giảm diện tích do chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
 

Ngành thuỷ sản tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng khá, sản lượng thuỷ sản 5 tháng ước đạt 990.000 tấn, tăng 7,7% so cùng kỳ, trong đó khai thác hải sản ước đạt 601.000 tấn, tăng 2,4%; nuôi trồng thuỷ sản và khai thác nội địa đạt 389.000 tấn, tăng 17,3%. Nuôi trồng thuỷ sản đang là một hướng để chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
 

Dịch vụ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn
 

Từ cuối tháng 3, nạn dịch SARS đã làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Cuối tháng 4, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Việt Nam là nước đầu tiên đã khống chế thành công dịch SARS thì du lịch tăng trở lại, tuy nhiên chưa đạt được như cùng kỳ năm ngoái. Trả lời câu hỏi của VietnamNet: Ảnh hưởng của dịch SARS đối với nền kinh tế thế nào, mức thiệt hại ước tính là bao nhiêu? Ông Trần Quốc Toản cho biết: Hiện nay Việt Nam chưa tính được mức thiệt hại bằng tiền mà SARS gây ra. Tuy nhiên riêng về chi phí cho việc khống chế SARS, ngân sách Trung ương đã phải chi ra hơn 100 tỷ, đó là chưa kể đến những khoản chi của các doanh nghiệp và các địa phương cho việc mua sắm trang thiết bị, phòng ngừa SARS, con số có thể tính đến hàng chục tỷ đồng. Về hậu quả của SARS, ông Toản cho biết: Không chỉ lượng khách nước ngoài vào Việt Nam giảm mà lượng khách Việt Nam ra nước ngoài cũng giảm. Những chuyến đi công cán ra nước ngoài chưa thực sự cần kíp đều bị hoãn lại, ngoài ra dòng chảy lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc cũng bị giảm mạnh. Đây là những thiệt hại chưa tính được bằng tiền.
 

Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dòng khách di chuyển nhưng khối lượng vận tải hành khách tăng 4,6% về khách và tăng 2,6% về khách. Riêng vận tải hàng không giảm mạnh. Khối lượng vận tải hàng hoá vẫn tăng 4,7% về tấn và tăng 1,1% về tấn.km.
 

Kinh tế đối ngoại sáng sủa
 

Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 13% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng tăng 31,3% so cùng kỳ năm 2002. Nhìn chung các mặt hàng trong số 20 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng cả về kim ngạch và khối lượng xuất khẩu. Giầy dép tăng 21%; hàng điện tử tăng 24,6%; dây điện và cáp điện tăng 61,7%; sản phẩm nhựa tăng 14%, sản phẩm gỗ tăng 66%; sản phẩm thuỷ sản tăng 7,8%... Riêng hàng dệt may có mức tăng khá cao, 5 tháng đầu năm tăng 69,5% so với cùng kỳ.
 

Về đầu tư nước ngoài, trong tháng 5 có 24 dự án được cấp giấy phép đầu tư với số vốn đăng ký đạt trên 167 triệu USD. Tính chung 5 tháng có 235 dự án được cấp giấy phép đầu tư với số vốn đăng ký đạt 633 triệu USD, tăng 30% về vốn đầu tư so cùng kỳ năm 2002. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua đầu tư nước ngoài tăng trở lại. Về vốn ODA, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn được hợp thức hoá bằng việc ký kết các hiệp định với các nhà tài trợ đạt trị giá trên 1 tỷ USD, trong đó vốn vay đạt 906 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại đạt 103 triệu USD. Trong 5 tháng giải ngân ODA đạt 509 triệu USD đạt 30% kế hoạch.
 

Vấn còn những khó khăn tiềm ẩn
 

Nhận định về tình hình những tháng còn lại, báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho rằng, điểm đáng lưu ý nhất là khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam chưa cao trong khi lộ trình hội nhập đang tiến sát. Đặc biệt là giá thành chưa có khả năng cạnh tranh trong khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục gia tăng. Theo lộ trình giảm thuế AFTA, kể từ 01/07/2003, Việt Nam bắt đầu giảm trên 700 dòng thuế của các loại sản phẩm nhập khẩu. Hàng dệt may xuất sang Hoa Kỳ cũng bắt đầu bị ràng buộc bởi hạn ngạch. Tồn kho về giấy đã bắt đầu tăng do giấy nhập khẩu rẻ hơn 5-7% so với giá giấy sản xuất trong nước.
 

Dịch SARS tuy đã được chặn đứng nhưng diễn biến của căn bệnh này vẫn còn hết sức phức tạp và sẽ tiếp tục còn những tác động xuấu đối với nền kinh tế.
 

Những thành tựu kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm đạt được bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các tầng lớp dân cư, một yếu tố rất quan trọng là sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Trong những tháng còn lại của năm 2003, Chính phủ tập trung chủ yếu vào việc chỉ đạo các ngành sản xuất tối ưu hoá quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí hạ giá thành để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá. Bên cạnh đó việc ổn định thị trường tiền tệ, chống nhập siêu cũng là một nhiệm vụ không thể buông lỏng trong những tháng còn lại trong năm.

  • P.T.H. 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ký kết dự án phục hồi thuỷ điện Đa Nhim (03/06/2003)
Áp dụng hoá đơn ghi sẵn mệnh giá: Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa (03/06/2003)
Ngừng nhập gia súc gia cầm qua đường tiểu ngạch (03/06/2003)
LHQ chính thức để Việt Nam nối lại chương trình nhân đạo với Iraq (03/06/2003)
ASEAN xây dựng khung pháp lý về PCCC rừng (02/06/2003)
Đà Nẵng ban hành mức thu phí thẩm định giá (02/06/2003)
Các nhà máy đường ngưng bán, người tiêu dùng có bị thiệt? (02/06/2003)
25 tỷ đồng cho xúc tiến thương mại da giày (02/06/2003)
Hơn 800 DN nợ quá hạn gần 900 tỷ đồng thuế XNK (02/06/2003)
Giá tôm sú và tôm hùm giảm mạnh ở ĐBSCL (02/06/2003)
100 triệu USD nâng cấp tỉnh lộ 18 tỉnh phía Bắc (02/06/2003)
Lập đường dây nóng xử lý bơm tạp chất vào thủy sản (02/06/2003)
Xuất hiện tình trạng đầu cơ, tích trữ gạo (02/06/2003)
Theo dõi đăng ký nhà đất qua Internet (02/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang