|
Trồng tôm-lúa tại Cần Thơ |
(VietNamNet) - So với độc canh con tôm, luân canh tôm-lúa có tính bền vững sinh thái cao hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng môi trường lớn nhất đang là vấn đề lắng đọng bùn gắn liền với hình thức nuôi tôm tự nhiên dựa vào trao đổi nước. Mô hình nuôi thả tôm giống cho thấy tính bền vững về môi trường nhưng còn gặp rủi ro với dịch bệnh và nguồn giống. Đây là những kết quả nghiên cứu mới được công bố của trường đại học Sydney, Australia.
Việc trao đổi nước sông vào ruộng trong mùa khô để nuôi tôm dẫn đến lắng bùn, thu hẹp diện tích trồng lúa và nuôi tôm. Nhiều nông dân đã tăng lượng nước trao đổi vào ruộng để thu được nhiều tôm tự nhiên, nhưng điều này cũng dẫn đến lượng bùn lắng đọng nhiều hơn, và làm giảm năng suất trong những năm sau. Phương pháp thả tôm giống được đánh giá là bền vững hơn, do không cần phải trao đổi nước nhiều lần, đồng thời giúp ổn định môi trường nước hồ, giảm tỷ lệ tôm chết.
Ở các tỉnh ven biển, hiện tượng nước mặn xâm nhập khiến nông dân chỉ có thể trồng một vụ lúa trong năm. Đối với mô hình tôm-lúa, do phải đợi mưa làm sạch muối trên đồng ruộng nên thời gian trồng lúa sẽ càng bị rút ngắn. Giải pháp là sử dụng các giống lúa ngắn ngày (115 đến 120 ngày) như MTL119. Tuy nhiên, có ít bằng chứng cho thấy mô hình tôm-lúa có thể làm giảm sản lượng lúa trong mùa mưa.
Mang lại thu nhập cao nhưng mô hình tôm-lúa cũng chứa đựng những rủi ro tài chính không nhỏ. Với chi phí để thả nuôi một hồ tôm ở Mỹ Xuyên vào năm 1997 là 3,6 triệu đồng, gấp 3 lần thu nhập từ vụ lúa, một đợt dịch bệnh có thể khiến người nông dân điêu đứng. Phần lớn tôm giống đang phải vận chuyển nhiều giờ trên đường từ các tỉnh miền Trung, trong khi việc sản xuất giống phù hợp với độ mặn thấp trong các hồ nuôi còn gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật. Tuy nhiên thu nhập từ trồng lúa và các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp đã giúp cho các gia đình đa dạng thu nhập, và giảm tác động của các rủi ro.
|