(VietNamNet) - Tỉnh Lào Cai đã quyết định tổ chức Lễ hội 100 năm du lịch Sa Pa vào đầu tháng 10. Đêm khai mạc bắt đầu vào lúc 19h30 ngày 4. Chương trình lễ hội tập trung vào việc khai thác nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hoá cổ truyền các dân tộc Mông, Giáy, Dao như: đêm chợ tình Sa Pa, triển lãm ảnh Sa Pa xưa và nay, hội chợ văn hoá ẩm thực và hàng lưu niệm Sa Pa, tổ chức cuộc thi chinh phục đỉnh Phanxipang, thi đấu thể thao truyền thống dân tộc; chương trình đi tìm dấu vết nền văn hoá cổ...
|
Sa Pa mù sương |
UBND tỉnh Lào Cai đã thành lập ban chỉ đạo kỷ niệm 100 năm du lịch Sa Pa và xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể cho các sở, ngành liên quan những phần việc liên quan tới lễ hội. Việc nâng cấp đường từ thị xã Lào Cai tới Sa Pa sắp hoàn thành (dự kiến tháng 7 đưa vào sử dụng); Riêng về công tác quảng bá, Lào Cai đã phối hợp với một số báo xây dựng trang chuyên đề và ra sách ảnh du lịch Sa Pa. Website của tỉnh có mục riêng giới thiệu 100 năm du lịch Sa Pa.
Ngoài ra, những hoạt động văn hóa, văn nghệ đang được dàn dựng và luyện tập để chuẩn bị phục vụ lễ hội. Cơ quan du lịch Sa pa chịu trách nhiệm tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cho chủ hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn..., tập huấn cho 100 thanh niên tình nguyện kiến thức về hướng dẫn viên, hướng dẫn các hộ trong thị trấn chuẩn bị nâng cấp nhà ở đón khách du lịch tự do.
Sở Thương mại và Du lịch được giao làm trưởng tiểu ban lễ tân của lễ hội, có trách nhiệm phân công, tổ chức đón tiếp khách, bố trí nơi ăn, nghỉ, phương tiện vận chuyển phục vụ khách, đồng thời chịu trách nhiệm về chương trình Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ và văn hoá ẩm thực trong thời điểm diễn ra lễ hội.
|
Xuống chợ buổi sớm |
Chương trình lễ hội
19h30 ngày 4/10: khai mạc lễ hội. Chương trình chợ đêm giao duyên từ 22h-24h.
Ngày 5/10: Khai mạc phòng trưng bày ảnh "Sa Pa xưa và nay" và "Du lịch vùng cao" của các tỉnh tham dự. Thi đấu thể thao truyền thống. Chương trình ngày hội văn hoá ở các bản làng. Chương trình "Đi tìm dấu vết nền văn hoá cổ". "Khám phá sinh hoạt văn hoá cổ truyền của người Mông" tại Cát Cát, người Giáy tại Tả Van, người Dao tại Tả Phìn, người Tày tại bản Dền.
19h30 cùng ngày: Trao giải thưởng các cuộc thi. Bế mạc lễ hội. Chương trình văn nghệ giã bạn.
Tên gọi Sa Pa bắt nguồn từ tiếng Quan thoại, gọi là Sa - Pả, "Sa" là cát, "Pả" là bãi. Địa danh của bãi cát này nằm ở bên phải cầu 31 từ Lào Cai vào Sa Pa ngày nay. Khi người Pháp đến đây do cách phát âm không dấu nên họ phát âm hai chữ Sa Pả thành Sa Pa. Cái tên Sa Pa bắt nguồn từ đó.
Còn huyện Sa Pa ngày nay trước đây gọi là Hồng Hồ. Vùng Hồng Hồ là nơi cư trú của người địa phương, chủ yếu là người Mông, sống bằng nghề nương rẫy, săn bắn. Trong những năm đầu của TK 20 khi đặt chân đến Hồng Hồ, bị hấp dẫn bởi cảnh sắc và khí hậu, ngay lập tức, người Pháp mở chiến dịch dồn dân từ vùng Hồng Hồ xuống chân núi Hoàng Liên Sơn và bắt tay vào quy hoạch, xây dựng vùng này làm nơi nghỉ dưỡng. Đồng thời, họ chuyển chợ Sa Pa lên đây và giữ nguyên tên gọi. Trải qua thăng trầm của dòng lịch sử cái tên Hồng Hồ dần bị mất đi người ta chỉ còn nhớ và nhắc đến cái tên Sa Pa.
Sa Pa đã được Tổng cục Du lịch chọn là một trong 16 khu du lịch chuyên đề của cả nước với những thắng cảnh nổi tiếng như: Vườn treo Sa Pa, núi Hàm Rồng, Thung lũng Mường Hoa, bãi đá cổ, hang động Tả Phìn, Đỉnh Phanxipang... |
|