|
Chế biến hạt điều xuất khẩu. | (VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải cho rằng, mặc dù Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này, song, "riêng Bộ Công nghiệp thì không thể làm được", nếu không có sự nỗ lực của 23 bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ NN-PTNT và Bộ Thuỷ sản. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Tại Hội nghị Công nghiệp chế biến (CNCB) toàn quốc diễn ra hôm nay (12/6), tại Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải cho biết, trên cơ sở hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị về phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản trong tháng 7. Theo đó, sẽ phân cấp trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành, UBND các tỉnh và các địa phương. Cụ thể, Bộ Công nghiệp "lo" về quy hoạch phát triển ngành đến 2010, cung cấp thông tin kịp thời cho các địa phương về hoạt động của ngành CNCB... ; Bộ NN-PTNT chú ý bổ sung, hoàn thiện quy hoạch vùng nguyên liệu nông lâm sản; Bộ Thuỷ sản hoàn thành quy hoạch NTTS đến 2010. Các bộ KH-ĐT, Tài chính, Thương mại, KHCN, Y tế... cần thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan, đảm bảo cho ngành CNCB vận hành trơn tru. Đặc biệt, dự thảo chỉ thị này cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp; các DN, hiệp hội ngành hàng.
Song, ông Hải nhấn mạnh: "Sẽ không bộ nào có thể quản lý được ngành công nghiệp lớn thế này, nếu không có nỗ lực chung. Cần có sự đồng thuận giữa các bộ, vì mục tiêu phát triển CNCB, vì mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của DN".
Chưa đủ tầm
Ông Trần Phương, Giám đốc Sở Công nghiệp Đăk Lăk, cho VietNamNet biết, có hai loại công nghệ chế biến, gồm chế biến khô và chế biến ướt, đang được tỉnh áp dụng cho cà phê. Điều đặc biệt là giá cà phê chế biến theo công nghệ ướt thường cao hơn 100-150 USD/tấn, tuỳ thời điểm. Hiện nay, cà phê chế biến theo công nghệ ướt chiếm 10% trong tổng số 400.000 tấn cà phê xuất khẩu/năm của Đăk Lăk. Tuy nhiên, do cà phê được thu mua lẻ tẻ trong dân nên chất lượng không đều, gây khó khăn cho việc kiểm soát đầu vào nguyên liệu của các nhà máy chế biến. Trên thực tế, hầu hết người dân sản xuất nhỏ lẻ áp dụng công nghệ chế biến khô; thậm chí, do hái nhanh, không phơi kịp, làm hạt cà phê lên men, khi xuất khẩu bị trả lại.
Do vậy, theo ông Phương, Đăk Lăk đã sản xuất được dây chuyền công nghệ ướt quy mô gia đình, công suất 4 tấn tươi, giá 40 triệu đồng; xây các nhà máy quy mô vài trăm đến vài nghìn tấn, nằm xen trong dân, để có thể kiểm soát được nguyên liệu đầu vào.
Theo ông Hoàng Trung Hải, những năm qua, tốc độ tăng trưởng CNCB luôn đạt khá, 13% (năm 2001) và gần 16% (2002), trong đó, tỷ trọng nông lâm thuỷ sản chế biến trong ngành CNCB là 34,9% (2002). Đó là nhờ nhiều nhà máy chế biến đã có vùng nguyên liệu riêng, một số ngành tích cực hiện đại hoá thiết bị công nghệ, như 20 nhà máy cao su; thêm 3 máy xay xát gạo hiện đại; nâng cấp và xây dựng mới 30 nhà máy đường... Song, tỷ trọng công nghiệp chế biến một số nông, lâm sản còn thấp so với nguyên liệu hiện có, như mía đường 30%, chè 55%, rau quả 5%, thuỷ sản thịt xuất khẩu 1%...
PTT Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, CNCB phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, như thuỷ sản, chăn nuôi. Tác động của công nghiệp chế biến, nhất là chế biến đồ uống từ hoa quả để tiêu thụ nông sản, đến việc thay đổi cơ cấu và phát triển cây trồng, vật nuôi chưa mạnh. "Chúng ta mới chỉ loay hoay với các DN chế biến quốc doanh, thiếu chính sách hỗ trợ cho DN ngoài quốc doanh", ông Dũng nói. Nhiều DN còn có tâm lý ỷ vào Nhà nước, cho rằng việc thay đổi công nghệ là do Nhà nước phải làm. Trong khi đó, chúng ta quên mất tiềm năng rất lớn từ các thành phần kinh tế khác.
Bên cạnh đó, thiết bị công nghệ cho CNCB lạc hậu, chậm đổi mới. Hệ số đổi mới những năm qua của CNCB mới đạt mức 7%/năm, chỉ bằng 1/2 đến 1/3 mức tối thiếu của các nước. Tỷ lệ thất thoát ở các khâu thu hoạch và sau thu hoạch lớn, như lương thực là 8-10% (riêng ĐBSCL 15%), rau quả 7-8%. Do vậy, chất lượng sản phẩm chế biến kém, mặt hàng đơn điệu, mẫu mã chưa hấp dẫn, khả năng cạnh tranh thấp. Giá xuất khẩu sản phẩm chế biến của Việt Nam vì thế thường thấp hơn các nước trong khu vực (10-15%), chưa nói đến các nước phát triển.
Lưu ý 3 nhóm mặt hàng
Một nguyên nhân quan trọng làm CNCB chưa phát triển đủ tầm là do công tác quy hoạch. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, quy hoạch của chúng ta hiện rất kém, làm giảm hiệu quả và làm chậm tốc độ phát triển của CNCB. Đặc biệt, sự quản lý lỏng trong phát triển vùng nguyên liệu dẫn tới tự phát.
"Tôi cho rằng, đây cũng là trách nhiệm của các nhà đầu tư trong việc xây dựng nhà máy chế biến. Trước tiên, phải phát triển nguyên liệu cho chính nhà máy của mình, chứ không thể đổ lỗi cho nông dân. Anh muốn nhà máy của anh hoạt động có hiệu quả thì phải quy hoạch, có cơ chế có vùng nguyên liệu, và nó phải phù hợp với vùng nguyên liệu chung của ngành NN-PTNT", Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đồng tình.
Do vậy, ngoài những giải pháp mà Bộ Công nghiệp đề ra để phát triển CNCB, PTT Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch vùng nguyên liệu có định hướng cho CNCB.
Ông cũng lưu ý 3 nhóm mặt hàng mà ngành CNCB cần tập trung phát triển trong thời gian tới. 1/ Phát triển về sản lượng, giảm sản lượng, như gạo, cà phê. Diện tích trồng lúa nên giữ vững ở 4 triệu ha, giảm 200.000ha, trong đó, chú ý đến chương trình 1 triệu ha lúa lai. 2/ Giữ nguyên hoặc phát triển ở mức vừa phải đối với một số mặt hàng, như hồ tiêu, chè, điều, mía đường... Ví như năm ngoái, Việt Nam xuất 300.000 tấn hồ tiêu, đứng đầu thế giới, trong khi nhu cầu tiêu dùng tiêu trên thế giới đang ở mức bão hòa. 3/ Ưu tiên phát triển các ngành CNCB có tốc độ phát triển cao, như ngô, rau quả, nước giải khát, chăn nuôi, thuỷ sản.
|