(VietNamNet) - Làm thế nào để tránh được tác động của WTO tới con người trong lĩnh vực nông, ngư nghiệp ở châu Á và các thông tin địa lý là chủ đề chính của cuộc hội thảo do UNDP tổ chức sáng nay (16/6), tại Hà Nội. Theo bà Kanni Wignaraja, Phó Đại diện thường trú UNDP, khi hội nhập, Việt Nam và các nước đang phát triển khác cần đặt con người ở vị trí trung tâm trong chiến lược ngoại thương.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện lãnh đạo 8 nước ASEAN đã thảo luận về kết quả của những nghiên cứu được tiến hành gần đây ở bốn nước châu Á là Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ và Malaysia, về những vấn đề liên quan đến thương mại. Nghiên cứu này nhằm khuyến khích thảo luận về các vấn đề thương mại và phát triển con người trong khu vực và đề xuất các quan điểm đàm phán, trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 5 tại Cancun (Mexico) vào tháng 9.
Nông nghiệp là chủ đề được thảo luận đầu tiên, vì nó cung cấp công ăn việc làm cho 70% dân số tại các quốc gia đang phát triển. Hiện nay, nông nghiệp vẫn là trụ cột của nền kinh tế châu Á, cả về thu nhập và vấn đề an ninh lương thực. Mặc dù Hiệp định Nông nghiệp đã bỏ nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng nông sản, mức thuế suất nhập khẩu nông sản vẫn cao hơn so với các hàng hoá công nghiệp. Ví như, một số mặt hàng đường, gạo, sữa... các cường quốc lớn vẫn duy trì thuế nhập khẩu ở mức 350-900%. Ngược lại, nhiều quốc gia đang phát triển lại bị buộc phải cắt giảm thuế suất và hàng rào phi thuế quan như là một điều kiện để có thể được vay vốn của Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Việc cải cách chế độ thương mại đa phương trong nông nghiệp, có thể là một trong những vấn đề chính được thảo luận tại Cancun, sẽ tác động lớn, tiêu cực hoặc tích cực, tới phát triển con người ở châu Á.
Lĩnh vực thuỷ sản cũng là vấn đề quan trọng được châu Á quan tâm tại Hội nghị Cancun tới. Châu Á hiện cung cấp hơn 1/2 sản lượng cá trên thế giới. Với mức gia tăng nhanh chóng về nhu cầu làm thực phẩm, cá đang chiếm hơn 25% lượng hàng hoá xuất khẩu của thế giới, bất chấp rào cản thương mại lớn ở một số thị trường.
Ông Sebastian Matthew (Tổ chức ICSF - Ấn Độ), cho biết, hiện hàng triệu người dân Ấn Độ đang làm trong lĩnh vực thuỷ sản, và con số này ở Thái Lan là 250.000, Việt Nam trên 2 triệu. Theo ông Sebastian Matthew, phát triển thuỷ sản đang bị đe dọa do mức thuế cao, tiêu chuẩn về VSATTP, dư lượng kháng sinh, nhãn hiệu hàng hóa, tranh chấp thương mại (điển hình là vụ kiện cá tra, basa)... Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển lại ở vào vị thế yếu nên lời đe doạ trả đũa vì thế cũng kém sức nặng.
Theo ông Lâm Quốc Tuấn, chuyên gia của UNDP tại TP.HCM, đối với Việt Nam, cần tăng cường năng lực đánh bắt thuỷ sản, gắn với việc quản lý nguồn lợi tự nhiên; có chính sách để ngư dân nhỏ có thể tiếp cận được nguồn lợi từ xuất khẩu thuỷ sản. Ông đề xuất, các nước đang phát triển nên kiến nghị WTO coi thuỷ sản là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân, chứ không chỉ là lĩnh vực thuộc công nghiệp chế biến.
Ông Vũ Quốc Huy (Trung tâm KHXN-VN quốc gia), cho rằng, Việt Nam cần có cơ chế phòng chống rủi ro bất ổn khi gia nhập WTO, bất kể là trong lĩnh vực gì - điều này phụ thuộc vào năng lực xử lý của chính các quốc gia. Bên cạnh đó, ngay khi chưa gia nhập WTO, dù đã thành công bước đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, dấu hiệu về bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo đã xuất hiện ở Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách đồng bộ khi hội nhập. Gia nhập WTO, theo ông Huy, đây không chỉ là phương tiện nhằm phát triển kinh tế, mà còn tác động mạnh đến thể chế, và điều quan trọng là chúng ta cần có một thể chế đa dạng, đa chiều, từ cấp quốc gia đến cộng đồng và từng con người.
|