Hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ cho Việt Nam:
Điểm lại tình hình cải cách kinh tế và thể chế
08:06' 18/06/2003 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả sử dụng ODA tại các tỉnh miền núi là mục tiêu quan trọng tại Hội nghị CG giữa kỳ lần này.

(VietNamNet) - Đó sẽ là một trong những mục tiêu chính tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), tổ chức từ 19 - 21/6 tại Sapa. Bên cạnh đó, chiến lược tăng trưởng và giảm đói nghèo của Việt Nam cũng sẽ được thảo luận kỹ lưỡng để điều chỉnh những dự án hỗ trợ phát triển cho phù hợp với từng địa phương của Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn miền núi.

Ông Klaus Rohland - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - cho biết, hội nghị CG lần này sẽ điểm lại tình hình cải cách kinh tế và thể chế, các tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Chiến lược toàn diện về giảm nghèo và tăng trưởng (CPRGS) của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, đại diện Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng các nhà tài trợ cũng sẽ đánh giá các bước tiến trong việc hài hoà hoá các thủ tục của các nhà tài trợ khác nhau và của Chính phủ Việt Nam nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của các chương trình ODA.

Ông Rohland đánh giá: ''Các nhà tài trợ đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các dự án phát triển. Chúng tôi đã thấy những tiến bộ khả quan trong 6 tháng vừa qua nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm nếu Việt Nam muốn tận dụng được hết khả năng tiếp cận các nguồn lực ODA của mình''. Ông giải thích, hiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng trên 400 USD/người/năm, nên được xếp vào diện nước nghèo và được hưởng các nguồn vay rất ưu đãi. Với tốc độ tăng trưởng 7% năm, khoảng 10 năm nữa Việt Nam sẽ đạt trên 900 USD/người/năm, vượt ''tiêu chuẩn'' một nước nghèo, khi đó sẽ phải vay thương mại, không còn ưu đãi. 

Giải ngân chậm không hoàn toàn là lỗi của Việt Nam

Về việc giải ngân chậm chạp khoản ODA cam kết 2,5 tỷ USD từ Hội nghị CG chính thức cuối năm 2002, ông cho đó không hẳn là lỗi của Chính phủ Việt Nam. Ông cho biết, hiện có đến 15 mẫu giải ngân khác nhau của cả Việt Nam lẫn các nhà tài trợ. Để tăng tốc độ giải ngân ODA cần hài hoà các quy trình này làm một. Song, ông cũng lưu ý phía Chính phủ Việt Nam đơn giản hoá thủ tục giải ngân bằng cách phân theo ngành dọc, chuyển một số chức năng quản lý và sử dụng ODA sang một số Bộ, ngành thay vì Chính phủ làm hết như hiện nay.

Các chuyên gia của WB đề cập nhiều đến Chiến lược CPRGS của Việt Nam. Ông Martin Rama - Chuyên viên kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam - phân tích: ''Chính sách này giúp cho các tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vì người nghèo, với các mục tiêu và chiến lược phù hợp được dựa trên việc phân tích tình hình đúng đắn và quản lý, phân bổ ngân sách phù hợp''. Ông nhấn mạnh, tốc độ cải cách ở Việt Nam trên các lĩnh vực cơ cấu kinh tế, ngân hàng, quản trị nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc hội nhập kinh tế mà trước mắt là mục tiêu gia nhập WTO năm 2005. Ông đánh giá quá trình tự do hoá thương mại đang tiến rất nhanh và DN Việt Nam có thể tự tin bước vào các lộ trình AFTA hay ATC/WTO.

Về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, ông Rohland cho biết, nhiều nhà tài trợ quốc tế chia sẻ sự lạc quan trước tốc độ tăng trưởng gần 7% trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dịch SARS cũng ảnh hưởng đến Việt Nam không ''nặng'' như dự tính. Trong 5 tháng đầu năm 2003 lượng khách giảm 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với tốc độ hồi phục như hiện nay thì ước tỉnh ảnh hưởng của SARS tới ngành công nghiệp du lịch chỉ làm giảm GDP năm nay xuống 0,2 hoặc 0,4 điểm phần trăm.

  • Q.D
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tham tán thương mại phải đáp ứng nhanh yêu cầu của DN (18/06/2003)
Mua trái phiếu đô thị lãi hơn gửi tiền vào ngân hàng (18/06/2003)
Việt Nam - Indonesia sẽ hợp tác cắt giảm cà phê (18/06/2003)
Giữ nguyên mức thuế nhập khẩu ôtô (17/06/2003)
Doanh nghiệp da giày Tây Ban Nha đến Việt Nam (17/06/2003)
Bộ Thương mại giao bổ sung hạn ngạch dệt may đợt I (17/06/2003)
Hướng dẫn hoàn thuế GTGT năm 2002 (17/06/2003)
Không phải chờ quyết toán thuế mới cổ phần hoá (16/06/2003)
Hội nhập cần lấy con người làm trọng (16/06/2003)
Dệt may sẽ ra sao sau khi bỏ hạn ngạch? (16/06/2003)
Petrovietnam sẽ khai thác dầu khí tại thềm lục địa Malaysia (16/06/2003)
Sẽ phạt doanh nghiệp nhà nước chậm nộp báo cáo tài chính (16/06/2003)
Tài trợ phim chiếu rạp: Xu hướng tiếp thị mới (16/06/2003)
Sắp khởi công nhiều công trình giao thông lớn (16/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang