Để hàng vào Mỹ được thông quan
09:29' 22/06/2003 (GMT+7)
DN cần tìm hiểu kỹ để làm thủ tục hải quan nhanh chóng
Thủ tục hải quan để đưa hàng vào Mỹ được xem là vô cùng khó khăn. Các chuyên gia của Mỹ và những công ty làm ăn ở Mỹ đã chia sẻ kinh nghiệm của họ về điều này trong một cuộc gặp hồi tuần qua ở TP.HCM.

Ông Walter Block, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (Amcham) cho biết, hải quan Mỹ có một danh sách các quốc gia mà hàng hóa cần phải được kiểm tra chặt chẽ thủ tục xuất nhập khẩu. Hiện Việt Nam đang nằm trong danh sách này. Ông khuyên các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nên nghiên cứu và thực hiện đầy đủ, chi tiết các thủ tục cần thiết để tránh tình trạng tạm quản mà hải quan Mỹ có thể áp dụng đối với hàng hóa.

Theo quy định, hải quan Mỹ có 5 ngày để xem xét thủ tục nhập khẩu hàng hóa của DN. Sau thời gian này, họ sẽ trả lời cho DN lô hàng đó có được phép nhập vào Mỹ hay phải áp dụng hình thức tạm quản. Trong thời gian tạm quản 30 ngày, nếu DN không giải thích hoặc bổ sung thêm chứng từ, hải quan Mỹ từ chối cấp phép nhập khẩu cho lô hàng.

Để tránh tạm quản

Ông Richard Wong, Giám đốc phụ trách giám sát quốc gia của công ty IPS, cho biết tạm quản là hình thức mà hải quan Mỹ thường sử dụng đối với những lô hàng mà thủ tục hải quan không rõ ràng, không đầy đủ. Và tất nhiên, lô hàng không được phép thông quan.

Một ví dụ cho trường hợp tạm quản: Xin nhập vào Mỹ 100.000 sản phẩm nhưng trong thủ tục nhập khẩu không kê khai rõ ràng 100.000 sản phẩm này có được từ đâu? DN tự sản xuất, gia công bên ngoài hay mua từ DN khác?

Ông Wong cho biết, hải quan Mỹ rất quan tâm đến xuất xứ của hàng hóa và các chứng từ chứng minh cho những hàng hóa này. Hải quan Mỹ sẽ áp dụng hình thức tạm quản đối với những lô hàng mà mô tả về kiểu dáng, màu sắc hay số lượng không khớp với đơn hàng hoặc ngày tháng không khớp giữa các chứng từ.

Hải quan Mỹ cũng rất xem trọng sự hợp lý giữa số lượng hàng hóa xin nhập khẩu thể hiện trên thủ tục và năng lực sản xuất của DN. Ông Wong ví dụ: chứng từ cho thấy để sản xuất được một lượng sản phẩm phải cần đến 10 máy chuyên dụng, trong khi xí nghiệp chỉ có năm máy. Trường hợp này, hải quan Mỹ sẽ không cho làm thủ tục.

Theo ông, để tránh bị tạm quản, DN phải giải trình rõ, đồng thời chứng minh bằng văn bản rằng một nửa sản lượng được gia công bên ngoài hoặc mượn thêm năm máy của DN khác để sản xuất. Trong trường hợp mượn máy, bộ thủ tục phải kèm chứng từ mượn máy, trong đó phải ghi rõ ngày giờ mượn, nơi đặt máy, và cả thời gian trả máy.

Ông Wong còn nhấn mạnh đến việc DN thường tự tạo chứng từ để tránh trường hợp tạm quản. Một số chứng từ trong quá trình lưu trữ có thể bị thất lạc và để đối phó với tình trạng tạm quản, DN làm lại. Theo ông, đây là điều không nên làm vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ thủ tục nhập khẩu của DN nếu bị phát hiện. Ông Khuyên các DN nên nói rõ tình trạng mất chứng từ đồng thời giải thích lý do mất. Như thế sẽ không tạo ra rắc rối cho lô hàng và tránh được tình trạng tạm quản.

Tạm quản cũng áp dụng đối với những trường hợp mà DN không cung cấp đầy đủ chứng từ về nhà thầu phụ, tài liệu chứng từ không đọc được hoặc biên dịch không chính xác và đầy đủ, chứng từ không đề ngày tháng và chữ ký của người có liên quan.

Chuẩn bị bộ chứng từ như thế nào?

Bộ chứng từ là tất cả những bằng chứng chứng minh cho lô hàng nhập khẩu của mình với hải quan. Đối với hải quan Mỹ, bộ chứng từ cần phải được thể hiện và sắp xếp trình tự và logic theo thời gian.

Thường bộ chứng từ được thể hiện theo ba phần. Phần giới thiệu chung, giới thiệu tổng quát về lô hàng như đơn hàng, nhà máy, nguyên phụ liệu sử dụng, lao động thực hiện đơn hàng với các hình thức trả lương cho người lao động.... Phần lưu đồ sản xuất thể hiện tổng quan các công việc dưới hình thức lược đồ theo thời gian. Lược đồ này giúp cho hải quan Mỹ dễ dàng hiểu từng công việc đã được thực hiện lúc nào, thời gian là bao lâu. Phần cuối cùng là tường minh chứng từ thông số thể hiện chi tiết các công đoạn có kèm theo chứng từ giải thích.

Theo các chuyên gia, việc thực hiện một bộ chứng từ và được hải quan Mỹ chấp thuận là công việc không đơn giản. Vì vậy, lời khuyên cho các DN Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hoá đi Mỹ là phải chuẩn bị hồ sơ chứng từ ngay từ đầu. Khi có một đơn hàng từ Mỹ, DN phải chuẩn bị và lưu lại tất cả các chứng từ liên quan đến lô hàng này để trình cho hải quan Mỹ khi làm thủ tục nhập khẩu. Và điều DN cần chú ý là bộ chứng từ cần phải được thể hiện bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh.

(Theo TBKTSG)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ có thể cao hơn nhiều
CÁC TIN KHÁC:
Còn khoảng cách giữa kích thước cái bánh ODA và những gì Việt Nam có thể nhận (21/06/2003)
Đã bán hết 81 lô đất ở Texas (21/06/2003)
Tạm giao Cục Sở hữu Công nghiệp cấp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa (21/06/2003)
Dự án Dung Quất lại trục trặc (21/06/2003)
Năm nay sẽ có 300.000 du khách Nhật đến Việt Nam (21/06/2003)
Ùn tắc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá (21/06/2003)
Sẽ xuất khẩu dược phẩm sang Bắc Mỹ, châu Âu và châu Phi (21/06/2003)
Thị trường xe máy TP.HCM: đã ế càng thêm ế (21/06/2003)
Khai mạc Hội chợ CNTT và Viễn thông 2003 tại Đà Nẵng (21/06/2003)
Indonesia tìm kiếm giao dịch thương mại với Việt Nam (21/06/2003)
Honda không giảm giá Wave Alpha (20/06/2003)
Gian hàng tham gia vượt quá dự kiến (20/06/2003)
Từ 15/7, dán 2 loại tem mới khác nhau cho ruợu nhập khẩu (20/06/2003)
Lượng hạn ngạch đã giao không khớp với khả năng bổ sung (20/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang