(VietNamNet) - Ngày càng có nhiều tỉnh đến Hà Nội và TP.HCM thuê khách sạn 5 sao để tổ chức thu hút đầu tư nhưng dường như chỉ chạy theo ''phong trào'' mà không tính đến hiệu quả. Tham dự một hội nghị kêu gọi đầu tư, Phó Thủ tướng Vũ Khoan bộc bạch: ''Tôi rất lo ngại tình trạng biến việc tổ chức kêu gọi đầu tư ở các khách sạn lớn thành những hội hè, quà cáp, văn nghệ, vừa mất thời gian, công sức và đặc biệt là tiền của, trong khi tỉnh thì nghèo...''.
|
Một góc Khu chế xuất Tân Thuận. |
Từ cuối năm trước và đầu năm trở lại đây, liên tiếp các tỉnh Phú Yên, Hà Tĩnh, An Giang, Đà Nẵng, Sơn La, Gia Lai, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Khu kinh tế Chu Lai tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM các hội nghị thu hút vốn đầu tư. Còn những ngày sắp tới sẽ là Bình Định, Quảng Bình. Riêng Bình Dương thì trong 2 năm đã trải thảm đỏ thu hút đầu tư đến 2 lần. Phong trào thu hút vốn đầu tư bùng phát khiến người ta có cảm giác ''thảm đỏ'' đã được trải trên mọi nẻo đường từ cửa khẩu về tận huyện, xã.
Ngày càng có nhiều tỉnh đến Hà Nội và TP.HCM thuê khách sạn 5 sao để tổ chức thu hút đầu tư, rất tốn kém nhưng các dự án ký kết được lại rất ít hoặc phần nhiều vẫn ở dạng ''hứa hẹn'' và ''mục tiêu''. Gần đây nhất (26/6), tại Hội thảo xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hoá tổ chức tại Hà Nội, có 10 doanh nghiệp đăng ký đầu tư 28 dự án với tổng vốn 21.000 tỷ đồng. Một con số đáng nể. Cửa đã mở rộng và thảm đã trải ở nhiều địa phương khác nhưng không phải tỉnh nào cũng thu lại được những tín hiệu đáng mừng như Thanh Hoá. Bên cạnh đó, còn không ít trở ngại nằm ngoài ý muốn của chính quyền các địa phương...
Việc các tỉnh đi tìm kiếm các cơ hội đầu tư là việc làm chính đáng, nhất là đối với các tỉnh nghèo. Các nhà đầu tư trong nước và quốc tế thường tập trung ở những thành phố lớn, điều kiện thuận lợi trong khi các tỉnh nghèo càng có nhu cầu phát triển và việc họ phải đi tìm cơ hội đầu tư là hợp lý. Những hội nghị dẫu còn những lúng túng, những khiếm khuyết đương nhiên của những bước đi ban đầu, song nó đã thể hiện quyết tâm, là thông điệp của chính quyền các địa phương, là những cơ hội kinh doanh thực sự đã và đang được hình thành.
Tuy nhiên, cái đáng nói ở đây là cách làm và hiệu quả. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm nay, cả nước có thêm 271 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép với tổng số vốn đăng ký 720 triệu USD. Mặc dù so cùng kỳ năm trước, số lượng dự án được cấp phép giảm gần 20% nhưng vốn đầu tư đăng ký lại tăng gần 14%. Điều này cho thấy quy mô dự án cấp mới vào Việt Nam lớn hơn so năm ngoái. Các dự án tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng và không phải tại các tỉnh vừa tổ chức kêu gọi đầu tư trên.
Nguy cơ ''gà nhà đá nhau''
Trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm vừa rồi, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã cảnh báo việc các địa phương đang đua nhau đưa ra các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, thậm chí có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhất là về giá thuê đất.
Sau khi chia tỉnh, Bình Dương trở thành một ''đối thủ'' cạnh tranh thu hút đầu tư với TP.HCM. Dựa vào lợi thế đất rộng, giá rẻ, người thưa nhưng nằm kế cận TP.HCM nên Bình Dương đã chủ trương ''trải thảm đỏ'' để đón nhân tài và thu hút đầu tư. Đến nay, Bình Dương đã xây dựng 9/13 KCN quy hoạch, thu hút được 260 dự án ĐTNN, trở thành địa phương có vốn ĐTNN bình quân đầu người cao nhất cả nước. Đồng Nai có cách làm riêng, nêu chính sách cải tiến quy trình cấp phép đầu tư và giảm giá cho thuê đất để thu hút đầu tư. Đến nay toàn tỉnh đưa 10/17 KCN đi vào hoạt động, hình thành những trung tâm công nghiệp lớn như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nêu phương châm đổi đất lấy hạ tầng để thu hút đầu tư. Sau một thời gian ngắn đã đưa 8/9 KCN vào hoạt động, với nhiều dự án đầu tư lớn, như: khu khí điện đạm Phú Mỹ, Nhà máy Thép Phú Mỹ...
Trong khi các ''đối thủ'' ra sức cạnh tranh thu hút đầu tư, thì TP.HCM cũng làm hết sức giành đầu tư về cho mình. Thành phố đã xây dựng 13 khu chế xuất (KCX) và KCN. Năm 2002 đã thu hút 227 dự án ĐTNN, với vốn đăng ký 506 triệu USD, tuy giảm 35% giá trị so với năm 2001, nhưng vẫn đứng đầu cả nước về thu hút ĐTNN. Tại các KCN còn có 94 dự án đầu tư mới và tăng vốn của doanh nghiệp trong nước, với tổng vốn đăng ký lên đến 4.286 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2001.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, hiện nay, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đang tập trung khá chênh lệch vào các vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, miền Đông Nam Bộ, tới 80%. Trong khi đó, vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ hiện chỉ có 81 dự án còn hiện lực với tổng vốn đăng ký trên 300 triệu USD, chiếm 2,2% số dự án và 0,8% vốn đầu tư của cả nước; vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ thu hút được 3,2% số vốn còn hiệu lực của cả nước.
Theo ông, hiện nay tỉnh nào cũng kêu gọi đầu tư nhưng không tính toán kỹ chi phí đầu tư, thị trường và lợi nhuận nên hiệu quả thấp. Thu hút đầu tư là tốt, nhưng phải có ích, phù hợp với điều kiện tỉnh nhà.
Cách thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách như vậy rất dễ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương với nhau, không những không có lợi mà thậm chí còn có hại cho tình hình đầu tư nói chung. Điều quan trọng hơn là cần phải tạo ra được một môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng, một sân chơi với những luật chơi bình đẳng cho tất cả các đối tác đầu tư dù thuộc thành phần kinh tế nào (quốc doanh, tập thể, tư nhân, trong nước hay ngoài nước), sự ổn định của môi trường đầu tư (ít thay đổi chính sách - không chỉ là luật đầu tư mà còn tất cả những chính sách có liên quan, ảnh hưởng đến nhà đầu tư), giảm thiểu những thủ tục hành chính và tránh phiền hà mới là cách thu hút đầu tư hiệu quả và bền vững.
Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng cảnh báo về một nguy cơ khác: ''Tôi đã nói nhiều lần là ưu đãi gì cũng phải trong khung luật của Nhà nước. Nếu mỗi tỉnh lại đưa ra một chính sách ngoài luật thì nguy hiểm lắm. Nó sẽ phá hệ thống khung luật của Nhà nước''.
Theo Phó Thủ tướng, "phải kêu gọi đầu tư bằng các dự án cụ thể, không thể kêu gọi chung chung là tiềm năng về đất đai, con người, giao thông... Từ các dự án cụ thể về lĩnh vực gì, công suất bao nhiêu, tiêu thụ ở đâu, đầu tư bao nhiêu, cần kỹ thuật gì... để tìm các đối tác thích hợp, cụ thể. Việc kêu gọi chung chung chỉ có tác dụng động viên phong trào.
Thứ hai, cách tổ chức phải làm sao cho đừng tốn kém. Tôi rất lo ngại tình trạng biến việc tổ chức kêu gọi đầu tư ở các khách sạn lớn thành những hội hè, quà cáp, văn nghệ, vừa mất thời gian, công sức và đặc biệt là tiền của, trong khi tỉnh thì nghèo...''
Thời kỳ huy hoàng của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những năm 1996-1997 với số vốn đăng ký đầu tư mỗi năm lên đến 8 tỷ USD, trong đó riêng TP.HCM thu hút trên 2 tỷ USD mỗi năm, đã trở thành quá khứ. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, 5 năm qua, luồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục giảm. Làn sóng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam suy giảm rõ rệt trong khi các dòng vốn đầu tư trên toàn cầu chảy về khu vực Đông Nam Á vẫn không ngừng tăng, nhất là Trung Quốc. Chính vì thế mà Chính phủ Việt Nam đã có hẳn một chiến dịch thu hút đầu tư và các hội thảo thu hút đầu tư của địa phương cũng là một trong những hệ quả đó.
Thông tin từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: Năm 2001, trong tổng số 52 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào châu Á thì Trung Quốc thu hút hết 42 tỷ USD, phần còn lại chảy vào Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt Nam... Năm 2002 Trung Quốc dự kiến thu hút 50 tỷ USD, còn Việt Nam phấn đấu lắm mà cũng không đạt được 1,5 tỷ USD... |
Thiếu một cơ chế điều phối toàn vùng
Theo PGS - TS. Đặng Văn Phan, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (Bộ Kế hoạch - Đầu tư): ''Vấn đề nổi cộm nhất trong thời gian qua là thiếu một cơ chế quản lý để điều phối sự phát triển của vùng, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương''.
Việc thiếu chiến lược phối hợp toàn vùng dẫn đến đầu tư chồng chéo. Có những mặt hàng nơi này công suất thừa, nhưng nơi khác lại tiếp tục đầu tư. Các địa phương chỉ tập trung xây dựng nhà máy mà quên phối hợp phát triển hạ tầng, do vậy đã ảnh hưởng xấu tới sự phát triển kinh tế toàn vùng.
Đơn cử, do đầu tư thiếu quy hoạch, ít quan tâm phát triển công nghiệp phụ trợ, nên tuy thừa xí nghiệp may nhưng lại thiếu nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu, do vậy ngành may xuất khẩu vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu.
Các nhà đầu tư nói gì?
Cửa đã mở rộng và thảm đã trải. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích kinh tế, còn không ít trở ngại không phải do ý muốn của chính quyền các địa phương. Đó là tình trạng những ngành nghề đáng lẽ ra trong nước có thể tự đầu tư được thì bị các công ty lớn nước ngoài chiếm thị phần hết như bia, nước ngọt, hoá phẩm, giấy vệ sinh.
Chuyện ''bỏ của chạy người'' trong bối cảnh đầu tư ở Việt Nam cũng không hiếm. Một doanh nhân gửi ý kiến về VietNamNet: ''Với một số vốn không lớn, sinh sống tại Mỹ bạn có thể kiếm lợi nhuận hơn đầu tư ở Việt Nam, dẫu rằng nhân công tại Việt Nam rẻ và mức sống thấp hơn rất nhiều. Tôi thực sự ái ngại khi cải cách hành chính chỉ tăng theo cấp số cộng trong khi nhu cầu phát triển tăng theo cấp số nhân''.
Một ý kiến khác thì cho rằng, Việt Nam đã mở cửa, nhưng chỉ là những cánh bên ngoài, còn càng đi vào trong càng vướng. Về phương diện thủ tục hành chính, Việt Nam chưa hội nhập được với thế giới bên ngoài bởi còn quá nhiều quy định bất thành văn. Phải có chính sách thu hút tiềm năng còn có sẵn trong dân để đầu tư vào những dự án lớn, có ích, nếu không ai ai cũng chỉ nghĩ đến chuyện đầu cơ vào nhà đất, chôn vốn, không sinh lãi được. Phải có chính sách khuyến khích tiêu dùng hàng nội. Các phương tiện thông tin đại chúng, phim ảnh phải vào cuộc như tuyên truyền đeo khẩu trang chống SARS, và người Việt phải thích dùng hàng hoá sản xuất tại Việt Nam giống như các ông tổng giám đốc trong phim Nhật vẫn uống rược sake và dùng đồ Sony chứ không xài XO như các ông Việt Nam. ''Tôi rất muốn đầu tư ở Việt Nam nhưng không ai muốn thả gà ra mà đuổi. Tôi nghĩ rằng, cải cách nhỏ giọt như hiện nay chưa thể làm tăng đầu tư được''.
Còn một Việt kiều đang về Việt Nam tìm cơ hội đầu tư nhận xét: ''Thường thì Việt Nam trải thảm đỏ để các nhà đầu tư vào, khi họ vào rồi thì lại để họ lạc vào rừng sâu muốn đi đâu thì đi. Các chính sách nghe ra có vẻ dễ dàng nhưng còn lắm nhiêu khê. Nhiều khi tôi thấy cán bộ tỉnh đi tiếp thị mà nói không đúng vấn đề nhà đầu tư cần. Nhà đầu tư cần thu lợi nhuận, trong khi tôi thấy các tỉnh cứ nói về vấn đề người tốt, cần cù, tài nguyên, chính trị... nhưng lại không phân tích là với những thế mạnh đó thì nhà đầu tư sẽ thu lợi nhuận thế nào, cao hay thấp, có đáng để đầu tư không".
Người Việt Nam thường tự hào về nhân công đông và giá rẻ nhưng trình độ nhân công quá thấp nếu chỉ cần so với Trung Quốc. Thêm vào đó kỷ luật lao động quá kém. Tôi nghĩ đó là do chúng ta mới chỉ khai thác những lĩnh vực thô chế và gia công là chính. Còn những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao thì gần như không thu hút được đầu tư''.
Xin kết thúc bằng một câu chuyện: Thừa Thiên - Huế hiện có 40 dự án đã được bố trí nguồn vốn 34,2 tỷ đồng nhưng vẫn trong tình trạng ''vốn chờ công trình'' do chưa đầy đủ thủ tục. Trong đó có 8 dự án của ngành thủy lợi, 3 dự án ngành giao thông, 7 dự án công trình công cộng và 7 dự án văn hóa - thông tin. Vậy cứ cho là khi các địa phương đã huy động được vốn rồi thì có tránh được tình trạng ''chờ công trình'' không?
|