|
Sản phẩm ống nhựa được dùng khá phổ biến. |
Xung quanh chuyện tổ chức Hội nghị thường niên Liên đoàn Nhựa các nước ASEAN (AFPI) dự kiến vào ngày 22/8 tới tại Hà Nội, chỉ trong vòng hơn một tháng Văn phòng Chính phủ đã ra đến hai thông báo với nội dung ''đá nhau'' về đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị.
Ai đã cung cấp thông tin sai lệch cho Văn phòng Chính phủ để dẫn đến một quyết định sai rồi phải có một quyết định khác để sửa sai?
Theo Hiệp hội (HH) Nhựa Việt nam, HH này là thành viên chính thức của AFPI (bao gồm 6 nước là Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore và Việt Nam). Theo quy định của AFPI, hội nghị thường niên sẽ diễn ra hai năm một lần, các thành viên sẽ lần lượt đăng cai tổ chức. Năm nay đến lượt Việt Nam, và HH nhựa Việt Nam là đơn vị có trách nhiêm đăng cai tổ chức hội nghị. Tuy nhiên, việc đăng cai này đã bị ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Chủ tịch HH Nhựa TP.HCM giành phần. Để thực hiện việc giành phần này, ông Trang đã thực hiện một ''lộ trình'' hẳn hoi, kéo dài nhiều năm nay. Ngay khi còn là Phó chủ tịch HH Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ 1997-2002, ông Trang đã tự ý thực hiện một số nhiệm vụ vượt quá chức trách của mình như đề nghị Hội đồng AFPI xem xét việc chuyển tư cách thành viên AFPI từ HH Nhựa Việt Nam sang HH Nhựa TP.HCM, tự ý lấy tư cách của đại diện HH Nhựa Việt Nam để tham gia các hoạt động của AFPI.
Vào tháng 12/2002, HH Nhựa Việt Nam đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ III và trong danh sách ban chấp hành mới không có tên ông Trang. Tuy nhiên, ông Trang vẫn tự nhận mình và Phó chủ tịch HH Nhựa Việt Nam và là Phó chủ tịch AFPI, từ đó cung cấp thông tin sai lệch về HH Nhựa VN để đề nghị AFPI giao cho HH Nhựa TP.HCM đăng cai tổ chức hội nghị thường niên, sau đó xin phép Chính phủ cho HH Nhựa TP.HCM tổ chức hội nghị này.
Chuyện sai trái của ông Trang đã rõ, nhưng theo một số DN thành viên của HH Nhựa Việt Nam thì sở dĩ ông Trang làm được việc ''lấy tay che trời'' (cung cấp thông tin sai lệch cho phó thủ tướng) cũng có phần trách nhiệm của ban chấp hành HH Nhựa Việt Nam là đã quá tắc trách trong nhiệm vụ của mình. Mặc dù đã phát hiện việc ông Trang tự ý lấy tư cách đại diện HH Nhựa Việt Nam để tham gia các hoạt động của AFPI từ năm 2000, nhưng ban chấp hành vẫn không có những hành động cương quyết để chấm dứt việc làm sai trái này. Thêm vào đó, HH Nhựa Việt Nam cũng đã để mất liên lạc với AFPI từ năm 2001 đến nay, nên đã cơ hội cho ông Trang liên tục cung cấp các thông tin sai lệch về HH cho AFPI, dẫn đến chuyện AFPI cứ ngỡ HH Nhựa TP.HCM - với ông Trang là chủ tịch mới là thành viên của AFPI và mới có khả năng đăng cai tổ chức hội nghị thường niên.
Hiện nay, HH Nhựa Việt Nam đang phải vất vả giải quyết hậu quả từ việc làm sai trái của ông Trang. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, cuối tháng sáu này ban chấp hành của HH phải tiến hành những chuyến đi gặp gỡ các thành viên của AFPI để giải thích những trục trặc trong nội bộ phía Việt Nam, đồng thời mời chào việc tham gia hội nghị. Hy vọng bài học mà HH Nhựa Việt Nam đang phải trả giá sẽ là một lời cảnh tỉnh đối với các HH ngành nghề đang hoạt động theo kiểu ''làm cho có'' - vốn là một hiện tượng phổ biến hiện nay.
(Theo Tuổi Trẻ) |