VNPT sẽ phóng vệ tinh Vinasat vào năm 2005
10:24' 01/07/2003 (GMT+7)

Vinasat là vệ tinh cỡ trung bình.

Trong tháng 7 tới, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) dự kiến mở các gói thầu tham gia dự án chế tạo và phóng vệ tinh Vinasat, vệ tinh đầu tiên của Việt Nam. Vinasat sẽ giúp hệ thống mạng truyền thông của Việt Nam không còn phụ thuộc vào địa hình phức tạp và 100% thôn, xã trong cả nước sẽ có điện thoại cũng như được phủ kín sóng phát thanh, truyền hình.

Nhân sự kiện này phóng viên báo chí có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Lưu Văn Lượng, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Bưu chính Viễn thông), hiện là chuyên viên cao cấp của Bộ trưởng về dự án Vinasat.

- Thưa ông, chi phí cho dự án chế tạo và phóng vệ tinh dự kiến là bao nhiêu?

- Rất khó nói về giá cả, vì sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ giá bảo hiểm vệ tinh lên rất cao. Giá thành chế tạo và phóng một vệ tinh sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi thọ vệ tinh, độ bền, nhiên liệu... Theo quy định hiện hành, khi chọn được các nhà thầu đáp ứng đủ tiêu chí kỹ thuật, chúng ta sẽ xét đến giá cả. Ngoài ra, các nhà thầu cũng sẽ phải hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, giải pháp tài chính...

Tiến sĩ Lưu Văn Lượng: ''Hiện chúng ta đã mời các nhà thầu của Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Nga tham gia. Đó là những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm chế tạo vệ tinh. Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện đấu thầu trong lĩnh vực công nghệ rất cao như vậy nên việc xét thầu cũng sẽ rất phức tạp''.

- Thưa ông, Vinasat sẽ là vệ tinh cỡ nào?

- Trước hết, Vinasat phải đảm bảo việc phủ sóng đáp ứng nhu cầu các ngành truyền hình, hành không, dầu khí... Dự kiến Vinasat sẽ có quỹ đạo địa tĩnh với dung lượng khoảng 20-28 bộ phát đáp (mỗ bộ phát đáp có thể phát được 4-6 kênh truyền hình) và có tuổi thọ 12-15 năm. Như vậy, Vinasat không phải là vệ tinh lớn, chỉ cỡ trung bình. Vệ tinh lớn có thể có 90 bộ phát đáp. Nhưng việc lớn hay nhỏ không quan trọng, mà cái chính là đáp ứng đủ nhu cầu của mình, tức số lượng bộ phát đáp trên vệ tinh. Lý do chúng ta chỉ phóng vệ tinh cỡ trung bình cũng xuất phát từ nhu cầu và việc hạn chế rủi ro. Ước tính có khoảng 5-6% khả năng bị rơi, nổ đối với mỗi vệ tinh.

- Chúng ta đã xác định xong nhu cầu khai thác từ vệ tinh hay chưa? Có dự kiến cho các nước khác thuê hay không?

- VNPT đã làm việc với các bộ, ngành để xác định nhu cầu khai thác. Nói riêng về truyền hình, nếu muốn cung cấp dịch vụ phát thẳng từ vệ tinh tới từng máy thu hình thì phát nhiều kênh, và nếu tính cả các dịch vụ truyền hình khác thì cần 6 bộ phát đáp. Về khả năng cho thuê, mặc dù thị trường vệ tinh quốc tế đang rất sôi động nhưng chúng ta sẽ phục vụ nhu cầu trong nước là chính. Vinasat sẽ phủ toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, các nước trong khu vực Đông Nam Á và một phần lãnh thổ Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.

- Thưa ông, luật quốc tế quy định như thế nào đối với các vệ tinh nước này phủ sóng sang nước khác?

- Theo quy định, một nước có vệ tinh phủ sóng sang nước khác phải xem xem vệ tinh đó có gây nhiễu, ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh và hệ thống thông tin mặt đất của họ hay không. Nếu có sẽ phải thoả thuận và thay đổi tham số để không ảnh hưởng. Hiện chúng ta đang xúc tiến công tác này, đồng thời đàm phán để có vị trí kinh độ 132 độ - nơi dự kiến sẽ phóng Vinasat lên.

- Kế hoạch phóng vệ tinh vào năm 2005, liệu tiến độ công việc như hiện nay có bảo đảm?

- Có thể nói so với lịch phóng thì tiến độ thực hiện sẽ phải rất khẩn trương. Trung bình một vệ tinh cần 18-24 tháng để chế tạo. Do đó chúng ta đang xúc tiến nhanh quá trình đấu thầu, chọn đối tác, đồng thời tiến hành đàm phán quỹ đạo. Tuy nhiên, dù sao vẫn phải phụ thuộc vào nhà sản xuất. Nếu họ có sẵn khung vệ tinh thích hợp thì cần 8 tháng, nếu phải chế tạo khung riêng cho Vinasat thì phải mất 24 tháng. Trong khi đó thời gian chuẩn bị phóng phải mất vài tháng kể từ khi chế tạo xong vệ tinh.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Các đại gia truyền thông quảng bá du lịch châu Á - Thái Bình Dương (30/06/2003)
Vay USD có lợi hơn (30/06/2003)
Giá tôm sú xuất khẩu tăng bất thường (30/06/2003)
Từ tháng 7/2003, đường bay đi Nga tăng lên 2 chuyến/tuần (30/06/2003)
Vận chuyển động vật hoang dã nuôi phải có giấy phép (30/06/2003)
Du lịch VN đã đón hơn 1 triệu khách quốc tế (30/06/2003)
Giá vàng giảm nhẹ (30/06/2003)
Đóng cửa 3 nhà máy đường (30/06/2003)
Một căn nhà ở Hà Nội bán với giá 45 cây vàng/m2 (30/06/2003)
TP.HCM triển khai chương trình kinh doanh phục vụ Sea Games 22 (30/06/2003)
Làm gì để ngăn chặn gian lận nhập khẩu xe máy? (30/06/2003)
Cảng biển Việt Nam - vừa thừa vừa thiếu (30/06/2003)
Dứa Vĩnh Phúc chỉ còn 100 đồng/quả (30/06/2003)
80% nhà máy chế biến điều sẽ bị lỗ? (30/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang