Chưa kiểm soát được nhiều thủ thuật ''phá rào'' của DN
16:11' 03/07/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sử dụng chưa hợp pháp trụ sở của mình; không chấp hành kê khai vốn đăng ký và thực hiện các ngành nghề đã đăng ký; lập sổ đăng ký thành viên, tình hình nộp báo cáo tài chính và thực hiện các chế độ kế toán thống kê rất kém... Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, ông Nghiêm Xuân Đạt, chiều qua (1/7) vừa đưa ra những kết luận trên để chứng minh rằng: ''Các cơ quan quản lý hiện chưa thể kiểm soát được tình hình chấp hành các quy định đăng ký kinh doanh và quy định của Luật Doanh nghiệp''.

Rất ít DN nhỏ hoạt động tại trụ sở đã đăng ký.

Theo ông Đạt, các thủ thuật ''phá rào'' này không chỉ của riêng các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp tự cam kết và tự chịu trách nhiệm về quyền sử dụng hợp pháp trụ sở của mình (không phải xuất trình các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng trụ sở hợp pháp).

Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng quy định này, đăng ký trụ sở một nơi, hoạt động một nơi hoặc thay đổi trụ sở liên tục, không thông báo và làm thủ lục tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định hoặc đăng ký hoạt động nhằm buôn bán hóa đơn, trốn thuế, và sau đó bỏ trốn... Có trường hợp cùng một địa điểm, diện tích nhỏ nhưng có nhiều doanh nghiệp đăng ký làm trụ sở.

Thứ hai, về kê khai vốn đăng ký, vốn đăng ký do doanh nghiệp tự khai và chịu trách nhiệm nên rất khó xác định được số vốn đầu tư thực tế và việc thực hiện của các doanh nghiệp. Nhiều trường hợp doanh nghiệp đăng ký vốn rất lớn (nhiều chục tỷ cho đến hàng trăm tỷ đồng), hoặc có doanh nghiệp đăng ký vốn một vài chục triệu đồng nhưng lại đăng ký kinh doanh rất nhiều ngành nghề.

Do đó, các cơ quan nhà nước không thể kiểm soát được khả năng tài chính thực tế của doanh nghiệp. Hiện chỉ có một số ít các doanh nghiệp lập báo cáo tài chính thông qua kiểm toán, còn lại phần lớn do các doanh nghiệp tự lập, nên tính xác thực của những báo cáo tài chính này cũng là một trong những vấn đề chưa kiểm soát được.

Thứ ba là việc thực hiện các ngành nghề đã đăng ký. Hầu hết các doanh nghiệp khi thành lập mới đều đăng ký rất nhiều ngành nghề, song không phải doanh nghiệp nào cũng tiến hành hoạt động được tất cả những ngành nghề đó hoặc khi tiến hành kinh doanh đều chấp hành đầy đủ những điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, lập sổ đăng ký thành viên: Theo quy định tại Điều 28 và Điều 60 Luật doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải lập sổ đăng ký thành viên (đối với công ty TNHH) và lập sổ đăng ký cổ đông (đối với công ty cổ phần) khi các thành viên (cổ đông) góp đủ vốn theo cam kết và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh, nhưng có rất ít các doanh nghiệp thực hiện quy định này. Các doanh nghiệp chỉ thực hiện nghĩa vụ này khi làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo yêu cầu của Phòng Đăng ký kinh doanh.

Thứ năm, tình hình nộp báo cáo tài chính và thực hiện các chế độ kế toán thống kê rất kém. Theo thống kê của Cục thuế Hà Nội, hiện có trên 400 doanh nghiệp có hiện tượng bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Riêng năm 2002, Cục thuế thành phố Hà Nội đã phát hiện 124 doanh nghiệp bỏ trốn mang theo 31.735 hóa đơn.

Số các doanh nghiệp tự giác nộp báo cáo tài chính rất ít. Phần lớn các doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính là do Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu khi làm các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Năm 2001 có 2023/4500 doanh nghiệp nộp báo cáo; Năm 2002 có 2108/10.142 doanh nghiệp nộp báo cáo; Năm 2003 có 2.240/14.404 doanh nghiệp nộp báo cáo. Trên 50% số doanh nghiệp nộp báo cáo sau thời hạn luật định.

Lý giải về nguyên nhân của sai sót trong báo cáo tài chính, ông Đạt cho rằng: "Thực tế cho thấy chưa có cơ sở kiểm tra về tính chính xác của báo cáo tài chính doanh nghiệp, để làm cơ sở xác định tình trạng hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy việc nộp báo cáo tài chính đối với nhiều DN chỉ mang tính ước lệ, đối phó''.

Các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh đang phân bố không đồng đều giữa các quận, huyện nội và ngoại thành Hà Nội. Có đến 86% tổng số các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đặt trụ sở ở các quận nội thành, đặc biệt là các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình là những địa bàn có mật độ doanh nghiệp tập trung rất đông. Quận Hai Bà Trưng hiện có 3.744 doanh nghiệp; Hoàn Kiếm có 2.599 doanh nghiệp; Đống Đa có 4.017 doanh nghiệp và Ba Đình là 2.210 doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc thực hiện nghĩa vụ đăng báo về những thay đổi trong hoạt động của doanh nghiệp (theo điều 24 của Luật Doanh nghiệp) cũng chưa được các doanh nghiệp quan tâm chấp hành.

Bộ mặt kinh tế Hà Nội đang có xu hướng gia tăng loại hình công ty TNHH có hai thành viên trở lên và công ty cổ phần, giảm doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, xu hướng liên kết giữa các doanh nghiệp cùng loại hình, hoạt động trong cùng một lĩnh vực... ngày càng phổ biến. Trên địa bàn thành phố bước đầu đã có những tập đoàn doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội; Hội gốm sứ Bát Tràng, Hiệp hội taxi...

  • Hồng Phúc

 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Quy hoạch ngành nghề kinh doanh ''nhạy cảm'' ở TP.HCM (03/07/2003)
Philippines không nhập thêm gạo trong 3 tháng tới (03/07/2003)
Sửa đổi Hiệp định hàng không Việt Nam - Philippines (03/07/2003)
Cung cấp miễn phí phần mềm quản lý kết nối Internet (03/07/2003)
Thêm nhiều người đổ nợ vì bán hàng đa cấp (03/07/2003)
Thu nhập bình quân đầu người tăng 10%/năm (03/07/2003)
Tiếp tục thông quan lô hàng có giấy chứng nhận kiểm dịch (03/07/2003)
Cơ hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào Mỹ (03/07/2003)
Việt Nam đang trên đà tăng trưởng vững (03/07/2003)
Chưa sẵn sàng cắt giảm thuế tham gia AFTA từ 1/7? (03/07/2003)
TP.HCM xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực đợt 2 (03/07/2003)
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm  (02/07/2003)
DN được hỗ trợ 50% kinh phí (02/07/2003)
Sư Tử Đen cho thùng dầu đầu tiên vào tháng 11 (02/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang