|
Hiểu biết về TMĐT của các DN còn rất hạn chế. |
(VietnamNet) - Ông Vũ Ngọc Liên, Phó Giám đốc Sở Thương mại Đà Nẵng đã đưa ra con số trên tại Hội thảo ''Định hướng chiến lược phát triển thương mại điện tử (TMĐT) thành phố Đà Nẵng đến năm 2010'' tổ chức ngày 1/7.
Đà Nẵng đã được Bộ Thương mại chọn xây dựng thí điểm sàn giao dịch thương mại điện tử quốc gia, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN ở khu vực miền Trung.
Sau khi khảo sát ở 29 DN xuất nhập khẩu trên địa bàn, có 52% DN hiểu biết và mong muốn tham gia TMĐT nhưng số DN đang sử dụng dịch vụ TMĐT vào sản xuất, kinh doanh còn thấp, chỉ đạt khoảng 3%. Trong khi đó, 24% DN chưa hiểu biết về thương mại điện tử và cũng không muốn tham gia; 24% DN cần phải được tư vấn nhiều hơn về TMĐT.
Mặt khác, trong 3.021 DN đang hoạt động chỉ mới có 73 DN xây dựng trang web. Thực trạng trên cho thấy hiểu biết về TMĐT của các DN còn rất hạn chế, ít quan tâm và chưa sẵn sàng tham gia; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh chưa được coi trọng. Tuy nhiên, TMĐT còn bị hạn chế do khung pháp lý chưa rõ ràng; các nhà cung ứng dịch vụ về mạng, đường truyền chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở hạ tầng về thông tin còn bất cập...
Sau khi nêu bật lợi ích của thương mại điện tử trong quản lý, điều hành nền kinh tế “số hoá” hiện nay, Hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển, ứng dụng dịch vụ này vào thực tiễn sản xuất như: xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử; cung cấp công cụ và môi trường kinh doanh, sàn giao dịch và siêu thị điện tử; tiến tới lập ngân hàng điện tử để hỗ trợ DN thanh toán giao dịch, tỷ giá thông qua trang web...
Theo ông Vũ Ngọc Liên, cùng với tập trung nâng cao nhận thức cho DN về lợi ích to lớn của ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, cần xây dựng cơ chế thanh toán trên mạng và hỗ trợ kinh phí ban đầu cho DN xây dựng trang web; phát triển các hình thức dịch vụ qua mạng...
|