|
Cá chim trắng nước ngọt được "minh oan". |
(VietNamNet) - Trước những thông tin nhầm lẫn về cá chim trắng và cá Piranhas (cá hổ) thời gian qua, trong văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ hôm nay (8/7), Bộ Thuỷ sản một lần nữa khẳng định, cá chim trắng không phải là cá Piranhas. Bộ cũng yêu cầu, sẽ không phát tán cá chim trắng ở vùng khó kiểm soát, nhất là những vùng hay ngập lụt, vùng hệ sinh thái hở; không xây dựng mô hình nuôi ở các vùng đệm của vườn quốc gia, khu vực vườn quốc gia.
Theo Bộ Thuỷ sản, cá chim trắng nước ngọt được nuôi hiện nay thuộc giống Colossoma, họ cá chép mỡ (Characidae). Trong khi đó, Piranhas (tên tiếng Anh để gọi chung cho 12 loài thuộc giống Pygocentrus và Serrasalmus, họ cá chép mỡ (Characidae). Như vậy, mặc dù cùng thuộc một họ, nhưng cá chim trắng và cá hổ là những loài thuộc các giống khác nhau, vì vậy, nhiều đặc điểm hình thái, sinh học khác nhau. Chẳng hạn, cá hổ Piranhas là loài cá dữ, chuyên ăn thịt, ưa thích săn mồi sống thì cá chim trắng nước ngọt lại là loài ăn tạp, phổ thức ăn rộng.
Cá Piranhas được nuôi làm cảnh, rất nguy hiểm, đã bị nhiều quốc gia cấm du nhập, nuôi và phát tán. Trước đây, loài cá này đã từng có mặt trên thị trường cá cảnh ở phía Nam nước ta. Xác định mức độ nguy hiểm của Piranhas, ngày 17/7/1998, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản đã có Chỉ thị số 12 nghiêm cấm nhập và nuôi loại cá này. Kể từ đó, chưa phát hiện thấy cá hổ ở Việt Nam.
Trong báo cáo gửi lên Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Bộ Thuỷ sản cho biết, việc xác định cá chim trắng nước ngọt ở khu đệm Vườn quốc gia Nam Cát Tiên là cá hổ là sự nhầm lẫn đáng tiếc về mặt chuyên môn, cần được khẳng định và làm rõ. Lẽ ra, trước khi công luận lên tiếng về việc này, cần có sự xác định của cơ quan quản lý chuyên môn là Bộ Thủy sản. Một số tờ báo đã có cái nhìn khách quan về vấn đề cá chim trắng, trong khi đó một số tờ báo khác lại vội vàng đưa ra những kết luận chủ quan, đưa tiêu đề giật gân, dựa vào các căn cứ thiếu thuyết phục và không chính thống, không đúng sự thật, gây dư luận không tốt trong một bộ phận nhân dân, nhất là những người đang nuôi cá chim trắng. |
Cá chim trắng được du nhập vào Việt Nam năm 1998, được Công ty Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản trung ương nuôi khảo nghiệm tại tại Sông Cầu (Bắc Ninh) và Trung tâm Giống thuỷ sản Thanh Liệt (Hà Nội).
Sau một năm, ngày 12/12/1998, Bộ Thuỷ sản đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả khảo nghiệm loài cá này và kết luận: cá ăn tạp, dễ nuôi, mau lớn, không mang mầm bệnh mới, không là địch hại của các đối tượng nuôi khác. Trên cơ sở đánh giá kết quả bước đầu, Bộ Thuỷ sản đã cho phép tiếp tục nuôi thử nghiệm ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Ninh Bình.
Đến 2/5/2001, Bộ Thuỷ sản chính thức đưa cá chim trắng nước ngọt vào danh mục giống thuỷ sản nước ngọt được phép nhập thông thường, dựa trên kết quả các cuộc hội thảo và biên bản cuộc họp kiểm tra kết quả khảo nghiệm.
Trao đổi với báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Nguyễn Việt Thắng cho rằng, khi cho nhập cá chim trắng, Bộ không đặt nó ra thành đối tượng chính quy để xuất khẩu. Đây chỉ là đối tượng nhằm thay thế một số thành phần cơ cấu trong đàn cá nuôi của Việt Nam.
Tính đến nay, Trung tâm Khuyến ngư trung ương đã xây dựng mô hình nuôi cá chim trắng nước ngọt ở 18 tỉnh, thành. Kết quả bước đầu cho thấy, cá chim trắng nước ngọt có thể đem lại hiệu quả kinh tế nhất định, đa dạng hoá cơ cấu đối tượng nuôi và góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông ngư dân. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I đã kết luận, cá chim trắng không có bệnh đặc thù riêng của con cá nước ngoài vào Việt Nam, chỉ có những bệnh "phổ thông" đã có thuốc phòng chống, đặc trị.
3 biện pháp chỉ đạo thời gian tới
Việc phát triển nuôi cá chim trắng nước ngọt bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi nên phong trào nuôi cá đã phát triển mạnh. Trong khi đó, việc nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của cá chim trắng nước ngọt đối với môi trường sinh thái tự nhiên chưa thật đầy đủ. Như vậy, rõ ràng là, cơ sở khoa học để nuôi cá chim trắng đại trà vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh.
Song, trên thực tế, vùng nuôi cá chim trắng đã mở rộng ra rất nhiều. Theo Thứ trưởng Thắng, sau đợt này, ở những khu vực "nhạy cảm" có sự xuất hiện của cá chim trắng, trước mắt, Bộ sẽ khoanh lại và khắc phục dần, tiến tới không cho thả nuôi nữa. "Theo tôi, với những đặc điểm sinh thái ĐBSCL, cá chim trắng rất khó tồn tại qua mùa khô - nước cạn do nồng độ PH thấp. Sông ngòi ĐBSCL có lượng phù sa rất lớn, không phù hợp với tập tính sinh sản của cá. Còn ở phía bắc, mùa đông có những thời gian lạnh (15-20 độ hoặc thấp hơn nữa), cá rất khó tồn tại. Tuy nhiên, vẫn phải có những nghiên cứu để đảm bảo an toàn tối đa cho môi trường sinh thái'', ông nói.
Bộ Thuỷ sản cũng đang gấp rút triển khai công tác nghiên cứu bổ sung một số nội dung quan trọng về cá chim trắng nước ngọt. Thời gian tới, Bộ giao cho các đơn vị chức năng khẩn trương tiến hành 3 biện pháp cụ thể:
1/ Vụ KHCN chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu tiến hành nghiên cứu và tổ chức hội thảo khoa học về khả năng ảnh hưởng của cá chim trắng nước ngọt đối với môi trường sinh thái, khả năng tự sinh sản của chúng trong điều kiện tự nhiên Việt Nam.
2/ Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phối hợp với các cơ quan liên quan xác định những khu vực nhạy cảm, như vùng cấm, vùng đệm và vườn quốc gia, để ngăn ngừa việc di giống cá chim trắng nước ngọt cũng như các loài thuỷ sản từ các vùng sinh thái khác hoặc các loài thuỷ sản nhập nội vào các khu vực đó, gây nên sự mất cân bằng sinh thái tự nhiên.
3/ Vụ Nghề cá và Trung tâm Khuyến ngư tập trung hướng dẫn, chỉ đạo phát triển nuôi cá chim trắng nước ngọt trong ao cần chú trọng kiến trúc công trình, đảm bảo bờ cao, rào chắn, không để cá vượt bờ; không phát tán ở vùng khó kiểm soát, nhất là những vùng hay ngập lụt, vùng hệ sinh thái hở; không xây dựng mô hình nuôi ở các vùng đệm của vườn quốc gia, khu vực vườn quốc gia; tiến hành đánh giá hiệu quả các mô hình nuôi.
Ông David Murphy gửi thư xin lỗi
Chuyên gia Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới, ông David Murphy, ngày 4/7 đã gửi thư cho bà Trần Minh Hiền (Giám đốc WWF Việt Nam), để tường trình về sự nhầm lẫn giữa cá chim trắng với Piranhas (cá cọp), gây ra thông tin ồn ào và tâm lý hoang mang cho người nuôi cá chim trắng thời gian qua. Ông David Murphy đã viết trong thư: "Tôi thành thật xin lỗi nếu bất cứ thông tin nào trên báo chí đã gây sự hiểu nhầm đối với WWF hoặc Chính phủ Việt Nam".
Theo giải thích của David Murphy, tháng 4, một đồng nghiệp của ông đã xác nhận cá nuôi tại Vườn Quốc gia Cát Tiên là Piranhas. Vào thời điểm đó, không một ai ở Cát Tiên có kinh nghiệm về ngư loại học nên đã cho là đồng nghiệp của ông David Murphy nói đúng. Trước những nguy cơ tiềm ẩn của Piranhas với hệ thủy sinh, do vậy, thông tin trên đã được thông báo cho các nhà quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên và Dự án bảo tồn Vườn quốc gia. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận, và họ đã lên kế hoạch nhằm giảm thiểu nguy cơ này.
Trong thư, ông David Murphy cho biết, trước khi phát hành tờ rơi (khuyến cáo về sự xuất hiện của cá cọp tại Vườn quốc gia Cát Tiên), ông có trao đổi với UBND xã và nhận được sự đồng ý. "Chúng tôi phát hành tờ rơi rất nhanh, bởi hàng năm, nơi này có rất nhiều lũ; và chỉ trước đó chỉ một tuần, một cơn lũ đã tràn qua sông Đồng Nai. Rắc rối sẽ xảy ra nếu loài cá này thoát khỏi vùng nuôi'', ông Murphy lý giải.
Trước đó, ông David Murphy đã trả lời báo giới về sự có mặt của con Piranhas tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Thông tin này làm xôn xao dư luận một thời gian. Đoàn kiểm tra của Bộ Thuỷ sản đã đến tận nơi khảo sát và kết luận, thực chất cá nuôi ở khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên là cá chim trắng. |
|