Cần tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư
09:38' 09/07/2003 (GMT+7)

Môi trường đầu tư của Việt Nam còn kém lợi thế so với một số nước trong khu vực.

(VietNamNet) - Hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam có xu hướng giảm nhưng sẽ khả quan hơn với nỗ lực cải thiện và tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư của Chính phủ. Đây là nhận định trong bản Nghiên cứu chiến lược xúc tiến ĐTNN tại Việt Nam do Công ty tư vấn Pricewaterhouse Coopers phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp khảo sát.

ĐTNN vào Việt Nam có xu hướng giảm

Theo ông Damians Claves, Giám đốc Pricewaterhouse Coopers Việt Nam thì từ năm 1997 đến năm 2002, ĐTNN vào Việt Nam bắt đầu giảm và có xu hướng không ổn định. Cụ thể là năm 2002, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm 50% so với năm 2001. Quy mô của các dự án cũng giảm từ 13 triệu USD năm 1998 xuống còn 1,9 triệu USD năm 2002.

Nhật Bản là nước đứng thứ 3 về vốn đầu tư (4,4 tỷ USD) và đứng đầu về vốn đầu tư thực hiện (3,7 tỷ USD). Tuy nhiên, dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam hiện nay thấp hơn rất nhiều so với những năm trước khủng hoảng châu Á. Vốn đầu tư Nhật Bản tăng liên tục trong những năm 1992-1997 nhưng lại giảm mạnh từ năm 1997. Riêng năm 2002, tổng vốn đầu tư đăng ký của Nhật Bản chỉ đạt 95 triệu USD (gần 13% so với năm 1997).

So với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines, dòng vốn đầu tư của Nhật vào Việt Nam vẫn còn thấp hơn. Việt Nam cũng được đánh giá là kém lợi thế so sánh so với các nước này trên các lĩnh vực: chất lượng cơ sở hạ tầng, khả năng cung cấp nguyên vật liệu, điều kiện kinh doanh dễ dàng, chi phí kinh doanh cao (cơ sở hạ tầng, điện nước, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông)...

Mấu chốt ở chính sách thu hút đầu tư

Sự giảm sút trong thu hút FDI của Việt Nam bị tác động bởi tình hình kinh tế suy thoái toàn cầu. Sự sụp đổ của ngành công nghệ cao ở Mỹ giữa năm 2000 với hàng loạt công ty đa quốc gia phá sản đã tác động không nhỏ đến tình hình FDI tại Việt Nam. Tại khu vực châu Á, khủng hoảng tài chính trong 2 năm 1997-1998 của Đông Nam Á và suy thoái kéo dài tại Nhật đã ảnh hưởng trầm trọng đến các quốc gia khác. Sự kiện ngày 11/9 tại Mỹ càng làm trầm trọng thêm sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này ảnh hưởng lớn tới dòng vốn FDI của thế giới, vốn là một thước đo cho sự ổn định và phát triển của kinh tế toàn cầu.

Phía Việt Nam cũng không phủ nhận những yếu kém của chính nền kinh tế nội địa ảnh hưởng tới quyết định của các nhà đầu tư. Ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ phó Vụ Pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: ''Hoạt động quy hoạch đầu tư của ta còn chậm, thiếu rành mạch, rõ ràng. Danh mục các dự án gọi đầu tư chưa hấp dẫn. Hoạt động quảng bá cho đầu tư còn thô sơ, thiếu phương tiện hiện đại, chương trình đơn giản, chỉ lặp đi lặp lại ở xúc tiến thương mại. Các cơ quan tham tán kinh tế, ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài thiếu số lượng, kinh phí, kỹ năng...''.

Ngoài ra, như nhận định của ông Mitsuru Kitano, Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thì: ''các quy định về FDI còn nhiều nghiêm ngặt, các chính sách chưa ổn định, hệ thống luật pháp chưa rõ ràng, chi phí cơ sở hạ tầng còn quá đắt đỏ, thiếu đội ngũ lao động trình độ cao và công suất lao động còn thấp...''.

''Xây dựng hình ảnh đổi mới và hội nhập''

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là ''môi trường kinh doanh triển vọng'' với đại đa số nhà đầu tư tin rằng môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện trong tương lai. Gần 80% các nhà đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng đầu tư trong 3 năm tới. 50% các nhà đầu tư tin tưởng rằng hoạt động kinh doanh sẽ khả quan hơn. Theo đánh giá của ông Damian Claves, nguyên nhân là do: ''Có những thay đổi tích cực trong quy trình cấp giấy phép đầu tư, trong hệ thống ngân hàng và kiểm soát ngoại hối, trong cải cách hệ thống hành chính và tình hình chính trị xã hội Việt Nam ổn định...''.

Việt Nam đang tích cực tiến hành những hoạt động quảng bá cho đầu tư nước ngoài, điển hình là việc sẽ đưa vào hoạt động Cục Đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày 11/7 tới đây. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, khẳng định: ''Chúng tôi đang xây dựng một hình ảnh Việt Nam trên đường đổi mới, hội nhập''.

Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, ông Fumio Kikuchi cũng đưa ra những đánh giá lạc quan: ''Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến ĐTNN, chúng tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ có môi trường kinh doanh tốt hơn hướng tới toàn cầu hoá và hội nhập''.

Tổng quan về luồng ĐTNN vào Việt Nam:
  • Châu Á chiếm 60,8%, châu Âu: 23%, Mỹ 7% trong tổng số vốn đăng ký.
  • Khu vực có vốn ĐTNN đóng góp: 20% tổng vốn đầu tư của cả nước, 23% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, 13% tổng GDP, 34% tổng sản phẩm công nghiệp với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm là 20% so với 11%-13% của cả nước.
  • Giai đoạn 1992-1996, ĐTNN vào Việt Nam tăng trưởng trung bình hàng năm 4,6 tỷ USD.
  • Nhật Bản là một trong những quốc gia có đầu tư vào Việt Nam sớm nhất, quy mô trung bình của các dự án từ Nhật là 11,6 triệu USD trong đó công nghiệp chiếm 75,25, nông nghiệp chiếm 2%, dịch vụ chiếm 22,8%.

       (Damian Claves, Giám đốc PricewaterhouseCoopers Việt Nam)

  • Phương Thanh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lần đầu tiên tổ chức Hội chợ thương mại ASEAN tại Việt Nam (09/07/2003)
Cán bộ thuế giúp DN ''ma'' mua bán hoá đơn (09/07/2003)
Bán gạo qua Iraq sẽ phải đấu thầu (09/07/2003)
Sẽ có đường bay trực tiếp TP.HCM-San Francisco vào cuối 2004 (09/07/2003)
Thách thức đối với doanh nghiệp Iraq thời hậu chiến (09/07/2003)
IDG thành lập chi nhánh tại Việt Nam (09/07/2003)
Ngày 11/7, Cục Đầu tư trực tiếp nước ngoài đi vào hoạt động (09/07/2003)
Cá chim trắng, không phải Piranhas (08/07/2003)
Xuất khẩu công nghiệp Hà Nội tăng gần 30% (08/07/2003)
Thực phẩm Việt Nam vào Mỹ bị từ chối gia tăng (08/07/2003)
Một nông dân ở Bến Tre được cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (08/07/2003)
Thị trường huy chương và cúp: 10 triệu USD bị bỏ ngỏ (08/07/2003)
''VCB là đại lý tốt nhất về thanh toán SWIFT'' (08/07/2003)
Thương hiệu phải đi đôi với sản phẩm cạnh tranh (08/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang