Hộ dân ở Bình Phước:
Trồng tiêu đến bao giờ mới trả hết nợ?
07:39' 12/07/2003 (GMT+7)

Người trồng tiêu cần sự hỗ trợ về kỹ thuật trồng và đầu ra cho sản phẩm.

19.000 đồng là giá của 1kg hạt tiêu và 36 tỷ đồng là số tiền của 3.265 hộ nông dân trồng tiêu ở xã Thanh Lương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước đang nợ của chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PT NT) huyện Bình Long. Cây tiêu chết hàng loạt, giá tiêu rẻ mạt, không biết đến bao giờ hộ dân trồng tiêu nơi đây hết nợ.

Giàu có nhất thành... trắng tay

Những năm trước đây khi giá hạt tiêu đang ở vào thời kỳ hoàng kim, 50.000-60.000 đồng/kg, người dân Thanh Lương đổ xô vào trồng tiêu. Do đó diện tích cây tiêu từ 500ha năm 1997 tăng lên 1.135ha vào năm 2001 với tổng vốn đầu tư trên 42 tỷ đồng. Hai năm trở lại đây giá hạt tiêu xuống dưới mức 19.000 đồng/kg, cộng với cây tiêu mắc bệnh chết hàng loạt đã đẩy trên 3.000 hộ gia đình nông dân xã Thanh Lương vào cảnh ''dở khóc dở mếu''.

Năm 1999, hộ gia đình ông Võ Văn Son ấp Thanh Tâm vay của chi nhánh Ngân hàng NN&PT NT huyện Bình Long 50 triệu đồng để trồng thêm 2.000 nọc tiêu. Khi bắt đầu cho thu hoạch thì giá hạt tiêu tụt xuống dưới mức 15.000 đồng/kg, khiến hoa lợi thu được chỉ đủ trả lãi cho ngân hàng 7,2 triệu đồng/năm. Song bất ngờ hơn là vườn tiêu chỉ thu hoạch được 1 năm thì bỗng nhiên chết hàng loạt khiến gia đình ông từ một hộ giàu có nhất nhì trong xã trở thành trắng tay. Số tiền vay từ ngân hàng không đủ, ông dốc thêm tiền nhà đổ hết vào chăm sóc điều trị hòng cứu sống vườn tiêu nhưng đều vô hiệu. Đến nay thì hai năm tiền lãi ngân hàng gia đình ông cũng chưa trả nổi, nói gì đến trả nợ gốc đã đến kỳ thanh toán.

Chủ tịch xã đang lo sốt vó vì chính ông là người ký giấy xác nhận cho dân đi vay tiền. Tài sản mà ngân hàng (với vai trò là chủ nợ) còn quản lý được là ngôi nhà ọp ẹp trống rỗng với vườn tiêu chỉ còn trơ lại nọc. Có nhiều gia đình chỉ còn có trẻ em và người già, còn chủ hộ thì lánh mặt vì sợ cán bộ tín dụng, con cái đang sức thanh niên thì bỏ lên thị xã, thành phố làm thuê hoặc vào lô cao su mót mủ đất bán lấy tiền kiếm cái ăn hàng ngày.

Ai cứu người trồng tiêu? 

Giá tiêu trên thị trường khoảng 19.000đồng/kg, mức giá không cao nhưng người trồng tiêu vẫn sống được và trả lãi ngân hàng. Vấn đề đặt ra là cây tiêu đã chết hàng loạt mà không có cách cũng hiểu số nợ này không dễ đòi. Hiện ngân hàng đã và đang thực hiện việc cho vay dài hơn trên 3 năm, với điều kiện người vay phải trả dứt nợ gốc và lãi, từ đó ngân hàng mới lập hồ sơ cho vay lại (để được vay lại, ông Son và một số hộ khác phải vay nóng với mức lãi 3.000 đồng/ngày/triệu đồng để trả nợ vay ngân hàng).

Trả lời câu hỏi về những kiến nghị của nông dân Thanh Lương trong việc xoá nợ, giãn nợ, bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: ''Việc này thuộc thẩm quyền của ngân hàng trung ương, thẩm quyền của chi nhánh là chuyển các kiến nghị này lên cấp trên''. Việc cho vay lại của ngân hàng vẫn chỉ là giải pháp tạm thời bởi thời gian phục hồi diện tích tiêu chết phải mất 3-4 năm mới mong có thể thu hồi vốn, đó là chưa kể đến rủi ro cây tiêu tiếp tục chết.

Nguy cơ này không chỉ riêng đối với người trồng tiêu hay ngân hàng mà còn đang đặt ra cho ngành nông nghiệp của tỉnh rất cấp bách là phải tìm biện pháp loại trừ nguyên nhân như: ngập úng, thiếu nước tưới... nhưng chủ yếu là do một loại nấm gây bệnh có tên Phytophthora, loại nấm bệnh này làm cây tiêu vàng lá, thối rễ và chết rất nhanh đặc biệt là rất dễ lây lan từ nọc tiêu này sang nọc tiêu khác, từ vườn này sang vườn khác và lan nhanh trong vùng rộng lớn. Nông dân trồng tiêu ở các huyện Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long, đang phải đối mặt với loại nấm bệnh này mà không có cách gì cứu sống vườn tiêu.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khách nội địa đến Phong Nha tăng mạnh (11/07/2003)
Softech Đà Nẵng hỗ trợ DN ứng dụng Thương mại điện tử (11/07/2003)
Thành lập DN giám định hàng hóa 100% vốn nước ngoài (11/07/2003)
TP.HCM sẽ thí điểm bán đấu giá cổ phần qua sàn (11/07/2003)
Sẽ sớm loại bỏ xăng Mogas 83 (11/07/2003)
Di động CDMA chưa thể nhắn tin sang GSM (11/07/2003)
Giá tiêu dùng đầu tháng 7 tiếp tục giảm nhẹ (11/07/2003)
Dự án lọc dầu Dung Quất vượt qua trở ngại (11/07/2003)
Lợi nhuận của Yahoo tăng gấp đôi nhờ bán quảng cáo (10/07/2003)
Từ 1/8, tổng kiểm tra các cửa hàng ĐTDĐ tại Hà Nội (10/07/2003)
Sony sẽ sản xuất sản phẩm ứng dụng CNTT ngay tại Việt Nam (10/07/2003)
TP.HCM thu hồi 6 khu đất sát cầu Sài Gòn (10/07/2003)
USD trên đà tăng giá (10/07/2003)
''Nhà máy đường đặt sai chỗ thì phải đóng cửa'' (10/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang