|
Cảng Đà Nẵng sẽ tiếp tục được đầu tư để phục vụ xuất khẩu. |
(VietNamNet) - UBND TP. Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược xuất khẩu điều chỉnh đến năm 2010. Theo đó, Đà Nẵng sẽ gia tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo; chú trọng phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và tri thức cao; giảm dần tỷ trọng hàng thô. Với sự điều chỉnh này, Đà Nẵng nhắm tới kim ngạch xuất khẩu 1.720 triệu USD vào năm 2010.
Theo ông Huỳnh Năm, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chiến lược xuất khẩu thời kỳ 1998-2010 của Đà Nẵng đã được Thành uỷ thông qua từ tháng 5/1998.
Tuy nhiên khi xây dựng Chiến lược trước đây, địa phương chưa dự báo hết các nhân tố tích cực lẫn tiêu cực, cơ hội lẫn thách thức của quá trình toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại; nhất là sự tác động của tiến trình thực hiện CEPT/AFTA, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Trung Quốc gia nhập WTO đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Do đó, việc đánh giá và điều chỉnh một số định hướng, chỉ tiêu, giải pháp trong chiến lược phát triển xuất khẩu của Đà Nẵng từ nay đến năm 2010 là rất cần thiết.
Đà Nẵng phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010 là 1.720 triệu USD. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở thời kỳ 2001 - 2005 là 20%/năm, đạt kim ngạch 580 triệu USD vào năm 2005 (tổng kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng trong 5 năm 1998 - 2002 đạt 1.139 triệu USD). | Chiến lược xuất khẩu điều chỉnh đến năm 2010 của TP. Đà Nẵng đã đề ra 5 giải pháp lớn gồm:
Phát triển các nhóm mặt hàng chủ lực. Trước tiên, tập trung vào nhóm sản phẩm thuỷ sản, nông lâm sản với hạt nhân là thuỷ - hải sản xuất khẩu. Thành phố sẽ xây dựng Trung tâm (sàn) giao dịch hàng thuỷ sản tại Thọ Quang; xây dựng các chợ đầu mối bán buôn hàng nông – lâm sản để thu hút hàng hoá của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Đối với nhóm sản phẩm chế biến và chế tạo, Đà Nẵng chọn các sản phẩm may mặc, da giày và xăm lốp ôtô làm hạt nhân. Trong đó, tập trung đầu tư đưa Đà Nẵng trở thành khu vực sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may – da giày lớn nhất khu vực miền Trung; Tập trung đầu tư cho Trung tâm Công nghệ phần mềm (Softech Đà Nẵng) để đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và tiến tới xuất khẩu phần mềm.
Đặc biệt, Đà Nẵng đã nhấn mạnh đến nhóm xuất khẩu dịch vụ gồm dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, tạm nhập tái xuất... và xuất khẩu lao động. Qua tổng hợp số liệu của các ngành đóng trên địa bàn, có thể ước tính năm 2002 Đà Nẵng đạt khoảng 40 triệu USD từ xuất khẩu dịch vụ và dự kiến đến năm 2005 đạt 140 triệu USD (tăng bình quân 50%/năm), đến 2010 đạt 530 triệu USD (tăng bình quân 30%/năm).
Huy động tổng thể các nguồn lực phục vụ chiến lược xuất khẩu. Điểm mấu chốt vẫn là cải thiện môi trường đầu tư với những cơ chế, chính sách đồng bộ và hấp dẫn hơn để thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư ở trong và ngoài nước, nhất là đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu.
Phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu. Chiến lược xuất khẩu điều chỉnh của Đà Nẵng đến năm 2010 đặt trọng tâm vào các thị trường châu Á - Thái Bình Dương (với hạt nhân là Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, Đài Loan, Hongkong, Hàn Quốc), thị trường EU (hạt nhân là EU và Nga), thị trường Tây Á - Trung Đông - châu Phi (tập trung vào Nam Phi, Các Tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất, Ấn Độ) và thị trường Australia - New Zealand.
Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác phát triển xuất khẩu, với ưu tiên là đào tạo cán bộ đầu đàn làm công tác kinh tế đối ngoại, tài chính, kinh tế và tin học; nhất là có chính sách khuyến khích doanh nhân giỏi, chiêu hiền đãi sĩ một cách xác thực. Bên cạnh đó, chú trọng chất lượng đào tạo công nhân lành nghề bậc cao. Đặc biệt là đào tạo cho được nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ và có nghiệp vụ về thủ tục chuẩn bị đầu tư, thủ tục hải quan, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, nghiệp vụ ngân hàng và các lĩnh vực liên quan đến người lao động để cung ứng cho các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI).
Phát triển gia tăng doanh nghiệp xuất khẩu: nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho hàng xuất khẩu. Đáng lưu ý trong giải pháp này là thành phố sẽ chú trọng phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm đại lý, vệ tinh hoặc gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trên địa bàn.
Cùng với hỗ trợ, đào tạo và tư vấn về hoạt động ngoại thương, Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bộ Thương mại xây dựng và triển khai sàn thương mại điện tử phục vụ cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu như mở rộng cảng biển, xây dựng nhà ga khách, bưu cục ngoại dịch và trang bị máy móc kiểm tra hiện đại tại cảng Đà Nẵng để thông quan hàng hoá nhanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Việc tăng cường năng lực, hiện đại hoá doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu hàng hoá được xác định là trọng tâm của giải pháp này. Trong đó, việc nhập khẩu dây chuyền để sản xuất phải đồng bộ theo hướng tự động hoá, được nhập từ các nước có nền công nghệ phát triển để phục vụ cho sản xuất các sản phẩm chủ lực hiện nay như da giày, dệt vải, thuỷ sản... Đà Nẵng cũng sẽ thực hiện việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cho các mặt hàng chủ lực của địa phương như ISO, SA 8000, HACCP để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành và góp phần xây dựng thương hiệu hàng hoá có uy tín cho sản phẩm xuất khẩu của mình...
|