|
Kinh tế Hongkong đang hồi phục sau đại dịch SARS. |
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Cato (Mỹ) thì Hongkong, Singapore và Mỹ chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng trong các nước (vùng lãnh thổ) có nền kinh tế tự do. Trong đó, Hongkong đứng đầu bảng.
Bản báo cáo xếp hạng 123 nền kinh tế. Theo báo cáo này, các nước thuộc châu Phi, châu Mỹ Latinh và khối các nước thuộc Liên Xô cũ cùng Myanmar là những nước có nền kinh tế kém tự do nhất trên thế giới.
Một số nước châu Á có vị trí khá cao trong bảng xếp hạng là Nhật Bản và Hàn Quốc (thứ 26); Thái Lan (44); Philippines (51); Malaysia (60); và Sri Lanka (64). Trong khi đó, Myanmar, nước được xếp hạng thấp nhất châu Á, cùng với Indonesia (thứ 91), Trung Quốc đại lục (100) và Pakistan (101) có vị trí gần cuối bảng xếp hạng.
Bản báo cáo này đánh giá mức độ tự do của kinh tế dựa trên 39 tiêu chí, thuộc năm phạm trù khác nhau: quy mô của chính phủ (được xác định một phần bởi chi tiêu, thuế và các DN nhà nước); hệ thống pháp luật và sự bảo đảm về các quyền tài sản; sự tiếp cận tiền tệ với tỷ lệ lạm phát thấp; sự tự do trao đổi hàng hoá và dịch vụ với nước ngoài (có bị cản trở bởi thuế, hạn ngạch hay không); mức độ chính phủ can thiệp vào thị trường lao động, tín dụng và hoạt động kinh doanh.
Các nguyên tắc đánh giá được dựa trên học thuyết của nhà kinh tế Milton Friedman, người đã từng đoạt giải Nobel về kinh tế. Theo học thuyết này: ''Tự do kinh tế giúp các quốc gia tự chủ và sáng tạo, cũng như góp phần tăng trưởng kinh tế''.
Theo ý kiến của những người lập báo cáo và hai nhà kinh tế học James Gwartney, Robert Lawson, điểm rẽ của tự do kinh tế trong hơn 30 năm qua bắt đầu vào năm 1980, cùng thời điểm với việc Ngân hàng Thế giới đưa ra chương trình sửa đổi hệ thống (SAP) - được xây dựng để giảm thiểu sự ảnh hưởng của chính phủ đối với kinh tế. Vào thời điểm đó mức độ tự do kinh tế trung bình được đánh giá ở mức 5,36 điểm.
Trong thang điểm 10 thì Hongkong được đánh giá là có nền kinh tế tự do nhất với 8,6 điểm, Singapore là 8,5 điểm, Mỹ: 8,3, New Zealand và Anh cả hai cùng ở mức điểm 8,2. Năm nước khác đứng đầu là Canada, Thuỵ Sỹ, Ireland, Australia, và Hà Lan.
Mặc dù tiêu chí sử dụng trong báo cáo của Cato và trong Danh mục của tạp chí Wall Street là không hoàn toàn giống nhau, nhưng số 10 nước dẫn đầu có đến 7 nước là được đánh giá giống nhau. Danh mục của tạp chí Wall Street xếp Luxembourg, Đan Mạch và Estonia nằm trong danh sách 10 nước đứng đầu thay vì Hà Lan, Thuỵ Sĩ và Canada như trong báo cáo của Cato.
Các phạm trù sử dụng để đánh giá theo Danh mục của Wall Street bao gồm: chính sách thương mại; chi tiêu tài chính của chính phủ; sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế; chính sách tiền tệ; chính sách đầu tư; chính sách tài chính và ngân hàng; tỷ lệ giữa lương và giá cả; các quyền tài sản; pháp luật; và thị trường ngầm. |
(Vũ Thái Hà - theo Thời báo châu Á) |