Lựa chọn mạng di động nào: GSM, CDMA hay iPAS?
17:23' 19/08/2003 (GMT+7)

Người dùng điện thoại di động có thể lựa chọn nhà cung cấp mang lại lợi ích nhiều nhất.

(VietNamNet) - Thị trường thông tin di động của Việt Nam đang có các mạng: GSM, được cung cấp dưới các thương hiệu MobiFone và Vinaphone; iPAS- mạng di động nội thị tại TP.HCM và Hà Nội với thương hiệu Cityphone; CDMA, do Công ty cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (Saigon Postel) cung cấp dưới thương hiệu S-fone. Chính vì vậy, việc lựa chọn sử dụng mạng di động nào cũng khiến không ít người băn khoăn.

GSM chiếm ưu thế

Với mức cước hoà mạng mới (400.000 đồng) và các mức cước liên lạc tương đương với mạng CDMA, GSM (Vinaphone và MobiFone) hiện tại vẫn là mạng di động chiếm ưu thế bởi phạm vi phủ sóng lớn. Đến nay mạng này đã phủ sóng tại 61/61 tỉnh thành. Ngoài ra, mạng GSM cung cấp cho người dùng rất nhiều những ứng dụng tiện lợi mà chưa có mạng di động nào Việt Nam có thể đáp ứng được như vậy. Cụ thể, người dùng có thể nhắn tin SMS, truy cập Internet, xem điểm thi, nhận tin tức, tỷ giá hối đoái, thanh toán cước điện thoại qua SMS...

Cả VMS và GPC đều chuẩn bị nâng cấp mạng GSM lên GPRS. Công nghệ này cho phép truyền dữ liệu nhanh, hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin di động thế hệ thứ ba (3G). Theo đó, khách hàng có thể nhắn tin đa phương tiện (MMS); gửi e-mail; và đặc biệt là truy cập Internet tốc độ cao với cước phí theo lưu lượng dữ liệu; tiếp cận các thông tin xã hội như giao dịch thương mại, chứng khoán, giao thông, chat trực tuyến... một cách hiệu quả. Đồng thời, mạng này hiện tại vẫn đang là mạng có nhiều loại hình dịch vụ nhất gồm: DVTTDĐ trả sau (Vinaphone, MobiFone): là hình thức thuê bao mà người sử dụng dịch vụ trước và thanh toán cước phí sau mỗi tháng sử dụng.

DVTTDĐ trả trước (VinaCard, MobiCard) là hình thức thuê bao không phải trả phí hòa mạng, nhưng lần đăng ký sử dụng người dùng phải mua một bộ kit giá 450.000 đồng (bao gồm tiền simcard và 300.000 đồng tiền cước sử dụng). Người sử dụng bị giới hạn thời gian sử dụng tùy thuộc vào từng mệnh giá thẻ:

DVTTDĐ thuê bao ngày (VinaDaily, Mobi4U) là hình thức thuê bao trả trước tính phí theo ngày, phí 2.700 đồng/ngày. Người dùng gọi cuộc nào tính tiền cuộc đó. Sau một ngày khi số tiền trong tài khoản hết hệ thống sẽ tự động khóa 2 chiều.

DVTTDĐ trả trước, chỉ nhận và gửi tin nhắn (VinaText, MobiPlay): vừa triển khai từ 17/6/2003. Người dùng dịch vụ mua một bộ kit giá 250.000 (gồm tiền simcard 150.000 đồng và 100.000 đồng trong tài khoản thời hạn sử dụng 40 ngày). Trong thời hạn sử dụng, người dùng được nhận cuộc gọi miễn phí và nhắn tin SMS với mức cước áp dụng là 500 đồng/tin nhắn. Sau một ngày hết hạn sử dụng phải nạp tiền.

CDMA, nhiều cái mới, nhưng vẫn phải chờ... !

Mạng CDMA - S-fone, được coi là mạng điện thoại ứng dụng công nghệ hiện đại cho phép truyền dữ liệu tốc độ cao, bảo mật... Đặc biệt là việc áp dụng mức cước hấp dẫn, block 10 giây sau phút đầu tiên, dịch vụ Coloring cho phép người dùng có thể nghe những điệu nhạc vui tai khi gọi đến các máy S-fone... nhưng thời gian qua, mạng S-fone vẫn chưa chứng tỏ được tính ưu việt của mình. Người dùng vẫn thờ ơ với dịch vụ này.

Nguyên nhân chính là do áp dụng công nghệ khác biệt, nên đến thời điểm này S-fone vẫn chưa thể nhắn tin sang mạng GSM. Trong khi đó, lượng thuê bao di động tại Việt Nam hầu hết sử dụng mạng GSM (khoảng 2,3 triệu thuê bao), còn mạng CDMA thì mới chỉ có khoảng trên 5.000 thuê bao. Đồng thời việc phải sử dụng một thiết bị đầu cuối riêng biệt do Saigon Postel cung cấp cũng khiến người dùng phải ngần ngại. Ngoài ra, phạm vi phủ sóng của S-fone hiện giờ mới chỉ có tại 12 tỉnh thành trên cả nước.

Hiện tại S-fone đang có các gói dịch vụ:

Dịch vụ trả sau VIP và Standard: cước thuê bao áp dụng cho dịch vụ VIP là 500.000 đồng/tháng được sử dụng 300 phút. Phút thứ 301 trở lên được tính: Nội vùng: 1.364 đồng/phút, mỗi block (10 giây) tiếp theo tính 227 đồng. Cước liên vùng 1.909 đồng/phút, mỗi block tiếp theo tính 318 đồng. Cước thuê bao áp dụng cho dịch vụ Standard là 109.091 đồng/tháng. Cước liên lạc nội vùng 1.636 đồng/phút đầu, mỗi block tiếp theo tính 273 đồng. Cước liên vùng, phút đầu tính 2.455 đồng/phút, mỗi block tiếp theo áp dụng 409 đồng.

Đối với dịch vụ thuê bao ngày Happy và Daily chỉ khác mức cước ngày và khách hàng sử dụng dịch vụ Happy được nhắn tin miễn phí với lưu lượng 2 tin/ngày. Cước thuê bao dịch vụ Happy áp dụng 3.000 đồng/ngày. Cước thuê bao Daily áp dụng 2.455 đồng/ngày. Cước liên lạc của 2 dịch vụ này áp dụng tương tự: Nội vùng 1.909 đồng/phút, mỗi block tiếp theo tính 318 đồng. Cước liên lạc cận vùng tính 2.727 đồng/phút, mỗi block tiếp theo tính 455 đồng.

Friend và Economy đều là dịch vụ trả trước không phải trả phí thuê bao. Tuy nhiên với Friend, người dùng có thể đăng ký 2 số máy thường xuyên gọi đến để hưởng mức cước ưu đãi 50% cho mỗi cuộc gọi đến 2 số máy đó. Và người dùng có thể thay đổi 2 số liên lạc thường xuyên đó sau 30 ngày đăng ký. Cước liên lạc nội vùng của dịch vụ Friend áp dụng cho phút đầu tiên là 3.272 đồng/phút, mỗi block tiếp theo áp dụng 545 đồng. Cước liên lạc cận vùng 4.364 đồng/phút, mỗi block tiếp theo áp dụng 727 đồng. Mỗi phút đầu liên lạc nội vùng của dịch vụ Economy áp dụng là 3.000 đồng/phút, mỗi block tiếp theo áp dụng 500 đồng. Cước liên vùng áp dụng 3.818 đồng/phút, mỗi block tiếp theo tính 636 đồng.

Cityphone - điện thoại di động giá rẻ

Đối với mạng iPAS- Cityphone, do hạn chế về vùng phục vụ nên cước của dịch vụ rất rẻ, chỉ tương đương 1/4 cước của mạng GSM và mạng CDMA. Dịch vụ này chủ yếu phù hợp với những người có nhu cầu sử dụng di động với mức cước thấp và không phải rời khởi khu vực nội thành. Theo các chuyên gia, mặc dù là dịch vụ di động nội vùng nhưng công nghệ IPAS ứng dụng cho mạng dịch vụ điện thoại Cityphone còn cho phép thực hiện việc roaming giữa các thành phố với nhau và tiến tới công nghệ truyền thông thế hệ thứ 3 (di động 3G). Điều đặc biệt là hệ thống điện thoại Cityphone đang được các chuyên gia đánh giá là hệ thống điện thoại "bảo vệ môi trường xanh". Do máy di động Cityphone phát xạ và công suất thu khá nhỏ, giữa khoảng 0,5mw-10mw, chỉ bằng khoảng 1/10 công suất của các máy di động GSM, do vậy cũng không tạo ra bức xạ có hại cho sức khỏe con người. Điều này giúp cho các máy Cityphone có thời gian đàm thoại lâu hơn hẳn các loại di động khác.

Về cước phí đối hoà mạng đối với thiết bị đầu cuối di động là 450.000 đồng/máy/tháng. Cước thuê bao hàng tháng là 45.000 đồng/máy/tháng. Cước liên lạc giữa các thuê bao Cityphone trong cùng thành phố là 454 đồng/phút. Thuê bao Cityphone gọi vào thuê bao cố định trong cùng một thành phố và ngược lại 454 đồng/phút. Đối với thuê bao Cityphone gọi vào thuê bao điện thoại cố định ở tỉnh, thành phố khác áp dụng như mức cước liên lạc thông tin di động mạng GSM trả sau theo quy định hiện hành. Thuê bao Cityphone gọi vào mạng di động khác và ngược lại áp dụng như thuê bao gọi vào mạng đó. Thuê bao Cityphone gọi đi quốc tế áp dụng theo cước quốc tế hiện hành.

Hiện tại dịch vụ đang được áp dụng chế độ ưu đãi, giảm 30% cước hoà mạng mới và cước liên lạc cho cả Hà Nội và TP.HCM. Đặc biệt, Bưu điện Hà Nội còn áp dụng chương trình giảm 30% cước máy điện thoại Cityphone cho khách hàng hoà mạng mới.

Tuy nhiên đến thời điểm này, người dùng Cityphone cũng mới sử dụng để đàm thoại và phạm vi phủ sóng nội thị vẫn chưa xong, do đó vẫn xảy ra tình trạng vùng có sóng vùng không. Dự kiến trong tháng 9 tới, VNPT sẽ triển khai thêm một số dịch vụ giá trị gia tăng như: trả trước Cityphone dịch vụ bản tin ngắn SMS và dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao... và mở rộng phạm vi phủ sóng.

Dựa vào những ưu, nhược điểm của từng công nghệ thông tin di động trên, người dùng có thể lựa chọn một dịch vụ thông tin di động phù hợp nhất với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.

  • Ngọc Lý
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
VN có 2 doanh nghiệp du lịch sinh thái kiểu mẫu (19/08/2003)
Hải quan Hải Phòng trực tiếp đến DN đòi nợ thuế (19/08/2003)
Diễn đàn thương mại và đầu tư đầu tiên tại Việt Nam (19/08/2003)
TP.HCM bán 200-300 tỷ trái phiếu đô thị cho cá nhân (19/08/2003)
Việt Nam đã vươn đến tầm cao mới (19/08/2003)
Thủ tướng Malaysia chỉ trích Mỹ về vụ kiện cá basa (19/08/2003)
Giá tính thuế mới chưa hết bấp cập! (19/08/2003)
Quy định khung giá đất tại đảo Phú Quốc (18/08/2003)
Liên hoan Du lịch quốc tế Hà Nội 2003 sẽ là một lễ hội lớn (18/08/2003)
Sẽ thành lập Học viện bảo hiểm ASEAN (18/08/2003)
Giá điện đang đi 'ngược dòng'! (18/08/2003)
Cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù cho TP.HCM (18/08/2003)
Cuối tháng 8, đấu giá 3.970m2 đất tại khu đô thị Đền Lừ (18/08/2003)
Hai quan niệm trái ngược nhau về doanh nghiệp (18/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang