|
Dù thời điểm được gia hạn cuối cùng đã qua nhưng các DN vẫn không bán được cà phê với giá cao. |
Ông Đoàn Triệu Nhạn, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết, năm nay, hầu hết các nước sản xuất cà phê đều giảm sản lượng, khối lượng cà phê dự trữ của thế giới chỉ còn 21 triệu bao, giảm 27 triệu bao. Mặc dù giá cà phê tăng, song, theo ông Nhạn, ''sự tăng giá này chưa vững vàng, còn ở mức thấp và hiệu quả hoạt động xuất khẩu chưa cao''.
Ông Nhạn cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do diễn biến giá cà phê trên thị trường năm nay rất phức tạp, khó dự đoán. Vào đầu vụ, giá cà phê tăng liên tục cho đến giáp Tết âm lịch, nhưng sau đó sụt giảm khiến một số DN xuất khẩu gặp khó khăn do mua nhiều cà phê vào thời điểm trước Tết với giá cao. Nhiều DN, do thiếu vốn, đã bán cà phê theo phương thức kỳ hạn và tính giá trừ lùi theo giá thị trường (London). Giá thị trường xuống thấp trong khi lượng cà phê (đã được mua khi giá còn cao) tồn nhiều trong kho khiến DN xuất khẩu phải gia hạn định giá. Thời điểm được gia hạn cuối cùng là tháng 7/2003 đã qua, nhưng các DN vẫn không bán được cà phê với giá cao, chịu thua lỗ.
Nắng hạn gay gắt, việc phá bỏ những diện tích cà phê trồng không đúng quy hoạch... đã làm cho sản lượng cà phê ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên giảm hẳn. Ngược lại, hiệu quả của việc sản xuất, xuất khẩu cà phê lại tăng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng đến khoảng 650,3 USD/tấn, gần gấp đôi năm trước.
Trong 7 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 410.000 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu đạt 283 triệu USD, vượt 70% so với cùng kỳ năm 2002. Ước tính, cả niên vụ cà phê này (từ 1/10/2002 đến tháng 9/2003) cả nước xuất khẩu 630.000 tấn, giảm khoảng 80.000 tấn so với niên vụ trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 430 triệu USD.
(Theo Thanh Niên)
|