Thêm tiêu chí phân bổ hạn ngạch dệt may sang Mỹ
07:22' 28/08/2003 (GMT+7)

Trong đợt chính, cơ bản sẽ giao 100% quota thành tích cho các doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa trình Chính phủ quy chế ''Phương án phân bổ hạn ngạch dệt may sang Mỹ năm 2004''. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Vitas cho biết: ''Điểm nổi bật của phương án mới này là sử dụng hạn ngạch (quota) như một công cụ để phát triển ngành công nghiệp dệt may, đặc biệt là chú trọng tỷ lệ nội địa hoá trong vấn đề xuất khẩu.''

Trong đó có hai nội dung được nhấn mạnh: ưu tiên quota cho các nhà xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ sử dụng vải nội địa với tỷ lệ tăng gấp bốn lần so với năm trước; thứ hai, dành một lượng quota khá lớn cho đối tượng là khách hàng lớn từ Mỹ để có một chiến lược khách hàng lớn lâu dài, ổn định. Đây cũng là một tiêu chí hoàn toàn mới với tên gọi ''quota khách hàng''. Mục đích phân quota cho loại đối tượng này là để đến năm 2005, khi mà cơ chế quota bãi bỏ trên toàn cầu thì khách hàng lớn cũng đã làm ăn ổn định với Việt Nam. Ngoài ra, đề xuất cho phép chuyển nhượng ''quota thành tích'' cũng được đệ trình.

Cơ sở để phân quota dựa vào các tiêu chí: thành tích xuất khẩu trong năm 2003 của doanh nghiệp, được gọi là ''quota thành tích'' với tỷ lệ 70%. Thứ 2 là ''quota khách hàng'', chiếm 15%. Thứ 3 là ''quota nội địa hoá'', tức khuyến khích sử dụng vải trong nước, tỷ lệ 12%. Cuối cùng là 3% quota dành cho doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa.

So với năm 2003, việc đề xuất tăng tỷ lệ sử dụng vải trong nước lên gấp bốn lần (12%) trong năm 2004 nhằm khuyến khích sử dụng vải trong nước, phát triển ngành dệt nước nhà và tăng hiệu quả xuất khẩu. Trong khi đó, ''quota thành tích'' từ 80% (năm 2003) xuống chỉ còn 70%. Nguyên nhân do doanh nghiệp đã bị phân tán khắp cả nước. Hậu quả là còn rất nhiều cat. chưa xuất đi nhưng quota lại phân bổ hết rồi. Và những doanh nghiệp có nhu cầu, có đơn giá hàng giá trị cao lại không có quota để xuất. Riêng 15% của ''quota khách hàng'' cũng chỉ đi đến mục đích là làm sao sử dụng quota cho hiệu quả: đem lại những khách hàng chiến lược, mang về đơn giá hàng có giá cao.

Năm vừa qua, do chúng ta khuyến khích tất cả các doanh nghiệp (đủ loại thành phần) cố gắng xuất khẩu để lấy thành tích trước khi quota phía Mỹ giao nên các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến số lượng xuất chứ không màng đến giá cả. Còn bây giờ, khi số lượng quota đã được phân hạn mức rõ ràng thì chiến lược của chúng ta bắt buộc phải tính đến con đường gia tăng giá trị và đẳng cấp cao. Như vậy, vẫn với số lượng hạn mức đã được phía Mỹ ấn định, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2004 có thể lên đến 2,5 tỷ USD.

Thời gian phân giao quota phân ra làm hai đợt: đợt chính vào cuối tháng 9 hoặc đầu 10/2003. Cơ bản sẽ giao 100% quota thành tích cho các doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu. Với thời gian phân giao như vậy, các doanh nghiệp có điều kiện tìm kiếm khách hàng và ký kết hợp đồng cho năm 2004. Đợt phụ sẽ vào cuối tháng 2/2004.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chỉ định 5 đầu mối nhập khẩu nguyên liệu nhựa (28/08/2003)
Hà Nội giải thể 9 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ (28/08/2003)
Phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn 5% (28/08/2003)
Xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ lá, cây cỏ dại (28/08/2003)
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng (28/08/2003)
Sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 16,3% (27/08/2003)
Giá cà phê robusta Việt Nam tăng (27/08/2003)
Sẽ huy động 4.000 tỷ đồng bằng phát hành trái phiếu Chính phủ (27/08/2003)
Dung Quất sẽ trở thành khu kinh tế mở? (27/08/2003)
118.000 EUR giúp nông dân tự khuyến nông (27/08/2003)
Cổ phần hoá 30% doanh nghiệp sản xuất điện (26/08/2003)
''TP.HCM nên mời các nhà đầu tư khác vào cuộc'' (26/08/2003)
Doanh nhân Mỹ đã thấy một Việt Nam đổi mới (26/08/2003)
Đầu giá đất ở Hà Nội vẫn còn kẻ hở? (26/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang