Thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA:
Ngành Hải quan đang ''ngủ quên''?
11:26' 04/09/2003 (GMT+7)

Danh mục cắt giảm thuế theo CEPT đã có sẵn trên Internet.

Đến nay, tròn 2 tháng kể từ khi danh mục hàng hoá được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi tham gia AFTA năm 2003 có hiệu lực (1/7), nhưng thực tế vẫn chưa được áp dụng. Ngành Hải quan đưa ra lý do chưa lấy được danh mục cắt giảm thuế của các nước ASEAN theo Hiệp định về ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) nên chưa cho doanh nghiệp hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Đến ngày 1/1/2003, 98,8% dòng thuế của 6 nước ASEAN đầu tiên (Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Brunei) đã được đưa vào danh mục cắt giảm (IL), trong đó 99,6% có mức thuế 0-5%. Với các sản phẩm đã được cắt giảm thuế còn 0-5%, Singapore và Indonesia đã đưa vào 100%, Thái Lan 99%, Brunei 99,8%, Philippines 98% và Malaysia 99,3%.

Một cán bộ ngoại giao của 1 trong 6 nước cầm cuốn biểu thuế dầy cộm, khẳng định: ''Chúng tôi đã công bố tất cả cho Ban Thư ký ASEAN. Là thành viên ASEAN dĩ nhiên Việt Nam cũng phải biết. Nếu cần các bạn có thể đến văn phòng của chúng tôi cũng như văn phòng thương vụ tổng lãnh sự các nước ASEAN khác tại TP.HCM để tham khảo hoặc tìm hiểu thêm trên trang Web của Ban thư ký ASEAN''.

Tại địa điểm trên Internet của Ban thư ký ASEAN (www.aseansec.org), có thể biết được những thông tin cần thiết về biểu thuế của các nước ASEAN. Không hiểu biểu thuế trên có phải là biểu thuế mà ngành hải quan cần tìm? Chưa kể theo một cán bộ hải quan, dù có danh mục CEPT của các nước ASEAN trong tay thì việc phải đối chiếu danh mục của Việt Nam với danh mục của 9 nước ASEAN tương ứng là chuyện quá sức đối với một cán bộ hải quan và hoàn toàn không cần thiết. Quy định này chắc chắn sẽ làm chậm trễ tiến trình thông quan... Theo thông lệ quốc tế, nước nhập khẩu chỉ cần đối chiếu mặt hàng nhập khẩu với danh mục của nước mình, không cần phải đối chiếu với danh mục nước xuất khẩu.

Trở lại vấn đề biểu thuế, theo công văn số 4000 TCHQ-KTTT, quan điểm của Tổng cục Hải quan là ''đang đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn, cung cấp tài liệu đảm bảo cho việc thực hiện quy định này'' chứ không nói rõ trong thời điểm này mức thuế áp dụng cho hàng nhập khẩu xuất xứ từ ASEAN có C/o form D được hưởng ưu đãi đặc biệt hay không. Vậy việc Cục Hải quan TP.HCM không cho doanh nghiệp hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo cam kết của Chính phủ Việt Nam là đúng hay sai? Biểu thuế của các nước ASEAN được đề cập trên đây có sẵn trên mạng Internet, vậy Tổng cục Hải quan còn chờ ai cung cấp nữa?

Cách truy nhập vào Website của ban thư ký ASEAN: Vào trang chủ tại địa chỉ www.aseansec.org; chọn mục AFTA & FTAS, chọn ASEAN Free trade Area, chọn mục AFTA Tariff Database (lúc này bạn đã vào trang web US-ASEAN Business Council), tiếp tục chọn một quốc gia ASEAN nào đó, gõ mã số hồ sơ của mặt hàng cần tìm hoặc 'gõ' luôn tên mặt hàng rồi nhấn vào 'find'. Ngay phía bên dưới biểu thuế mặt hàng tìm được sẽ xuất hiện dòng chữ: ''complete CEFT tariff table for... (ví dụ: Việt Nam) có thể tải xuống miễn phí từ trang web của Ban thư ký ASEAN, nhấn vào đây).

(Theo Thanh Niên)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
36% DN bị thanh tra chồng chéo (04/09/2003)
Tháng 2/2004, sẽ có điện thoại di động ''made in Vietnam'' (04/09/2003)
Các công ty viễn thông Hàn Quốc mở rộng thị phần ở Việt Nam (03/09/2003)
Còn 700 HTX yếu kém, tồn tại hình thức (03/09/2003)
Cảnh giác việc cho mượn tên làm đại diện doanh nghiệp (03/09/2003)
Biến động về cơ cấu thị trường xuất khẩu thuỷ sản (03/09/2003)
PVGAS tạm ngưng cung cấp gas trong 10 ngày (03/09/2003)
Sức mua cá tra, basa tại TP.HCM tăng 15-20% (03/09/2003)
Một số doanh nghiệp thép tạm ngưng sản xuất (03/09/2003)
Năm 2004, ngành thủy sản cần hơn 5.000 tỷ đồng (03/09/2003)
Khai mạc hội chợ Kinh tế-Thương mại APEC (02/09/2003)
Khởi công khu đô thị Mễ Trì Hạ (02/09/2003)
Swiss-Belhotel điều hành khu nghỉ Golden Sand ở Hội An (02/09/2003)
Rút gọn quy trình thuế nhờ mã vạch 2 chiều (02/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang