|
Nuôi tôm ngoài quy hoạch tác động tiêu cực tới môi trường. |
Chuyện "xé rào" nuôi tôm ở ĐBSCL đang bùng phát trở lại, phá vỡ quy hoạch. Rủi ro dẫn đến "trắng tay" không chỉ rình rập những ao nuôi tôm này, mà người trồng lúa cũng thấp thỏm bởi tình trạng "da beo" giữa lúa - tôm. Đó là chưa kể những tác động không thuận tới môi trường tự nhiên.
Huyện Vĩnh Châu là "điểm nóng" bùng phát nuôi tôm ngoài quy hoạch ở Sóc Trăng. Theo Phòng Nông nghiệp - Địa chính huyện, diện tích nuôi tôm "ngoài luồng" toàn huyện hiện đã lên đến gần 2.200ha. Tại Kiên Giang, kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, đã có khoảng 6.800 hộ chuyển trên 12.000ha ngoài vùng quy hoạch sang nuôi tôm. Nhiều nhất là huyện Vĩnh Thuận với 7.800ha. Hầu hết các xã đều có ao tôm ngoài vùng quy hoạch. Dọc theo đê bao ngoài vùng đệm U Minh Thượng, xã Đông Hưng B, xuất hiện khá nhiều ao tôm mới đào. Còn ở xã Vĩnh Phong - nơi có diện tích nuôi tôm tự phát nhiều nhất huyện Vĩnh Thuận - số hộ có đất nhưng không có vốn cho người khác thuê đất nuôi tôm khá phổ biến.
Nỗi lo từ... "siêu lợi nhuận"
Đã có số ít hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch trúng đậm, thu về cả trăm triệu đồng. Nhưng thực tế cho thấy, nuôi tôm ở ĐBSCL rủi ro cũng rất cao khi hệ thống thủy lợi không đảm bảo, người nuôi thiếu kiến thức, chưa có kinh nghiệm... Đây chính là nỗi lo đang ám ảnh các vùng nuôi tự phát, dù nuôi tôm được coi là "siêu lợi nhuận". Theo Giám đốc NHNN tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Kiệt, ngân hàng chỉ có thể cho vay vốn đối với người nuôi trong vùng quy hoạch, đảm bảo các điều kiện về thủy lợi, người nuôi được tập huấn kỹ thuật...
Nuôi tôm tự phát còn tác động xấu tới các lĩnh vực sản xuất khác. Nhiều diện tích trồng lúa, hoa màu ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) phải bỏ hoang vì nhiễm mặn, hoặc úng do không có đường tiêu thoát nước. Cũng ở tỉnh này, theo UBND huyện Mỹ Xuyên, nuôi tôm tự phát đang phá vỡ các vùng chuyên canh. Tại những vùng rộ lên chuyện nuôi tôm ngoài quy hoạch, vụ lúa xuân hè vừa qua không ít diện tích lúa bị thiệt hại do nhiễm mặn. Đặc biệt, đã xảy ra tranh chấp giữa người nuôi tôm và người trồng lúa do chồng lấn giữa mặn - ngọt.
Gian nan giải pháp tháo gỡ
Mới đây, huyện Vĩnh Châu đã tổ chức họp dân công bố nghiêm cấm việc tự ý đào ao nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch. Chủ tịch UBND huyện An Minh (Kiên Giang) Lê Hoàng Hưởng nói, biết là ngoài vùng quy hoạch nhưng dân nuôi rất nhiều nên phải tính đến chuyện tập huấn kỹ thuật. Huyện cũng vừa tổ chức lấy ý kiến trên 4.800 hộ dân ngoài vùng quy hoạch để tham khảo.
UBND huyện Vĩnh Thuận cũng thừa nhận, trước đây khi đề xuất quy hoạch vùng nuôi, cấp cơ sở chưa đánh giá hết thế mạnh, tiềm năng của từng loại đất. Thực tế, có gần 3.000ha nuôi tôm tự phát là đất sản xuất lúa và đất vườn kém hiệu quả... Theo ông Nguyễn Văn Trung, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Thuận, huyện sẽ có kiến nghị lên cấp trên bổ sung quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế.
Sự bùng phát nuôi tôm ngoài quy hoạch ở ĐBSCL không chỉ vì yếu tố "siêu lợi nhuận", mà còn do việc quy hoạch chuyển đổi vùng sản xuất trước đó bộc lộ hạn chế, buông lỏng khâu quản lý quy hoạch... Việc xử lý khi nuôi tôm tự phát mới nhen nhóm cũng thiếu kiên quyết khiến nó trở thành... phong trào ồ ạt. Đến thời điểm này, dù giải quyết theo hướng nào các địa phương cũng cần có giải pháp cấp bách và kiên quyết.
(Theo Lao Động)
|