|
Khách du lịch đến Việt Nam mỗi ngày một tăng mà HDV có năng lực thì ngày một thiếu. |
Đón hơn 1 triệu khách du lịch quốc tế đến hằng năm và con số này dự báo đang mỗi ngày một tăng thêm, song TP.HCM lại đang đối đầu với khó khăn lớn là thiếu trầm trọng hướng dẫn viên (HDV) du lịch có trình độ và HDV nói tiếng Nhật, Hàn, Đức, Thái Lan...
Một HDV tiếng Nhật phục vụ... 10.000 du khách!?
Hiệu trưởng Trường đào tạo nghiệp vụ du lịch Sài Gòn Nguyễn Thị Bội Quỳnh nói rằng các công ty lữ hành hiện nay đang ''săn lùng'' ráo riết các HDV biết tiếng Đức, Hàn... Quả thật đang thiếu trầm trọng HDV loại này. Thống kê của Sở Du lịch TP.HCM cho thấy số HDV tiếng Nhật đã được cấp thẻ hành nghề ở thành phố chỉ có 21 người, tiếng Đức 30 người, còn HDV tiếng Hàn, tiếng Thái đến nay vẫn chưa có người nào! Trong khi đó, xét về lượng khách quốc tế đến TP.HCM năm 2002 thì khách Nhật đang dẫn đầu với con số lên đến 240.000 khách - chiếm tỷ trọng đến 22,2% tổng lượng khách, khách Hàn Quốc đang ở vị trí thứ ba với số lượng lên đến 84.000 khách, còn Thái Lan và Đức cũng có số lượng trên dưới 20.000 người của mỗi nước.
Có người nói vui rằng tính ra một HDV biết tiếng Nhật phải phục vụ đến trên 10.000 khách - một con số có thể xem là kỷ lục trong ngành du lịch! Còn để phục vụ khách hàng Hàn Quốc thì thực tế ''cười không nổi'': tất cả các tour du lịch Hàn Quốc đến thành phố vừa qua đều sử dụng HDV của họ, còn HDV Việt Nam thì được bố trí ngồi theo xe chủ yếu để tránh bị phạt (qui định đoàn khách du lịch quốc tế phải có HDV có thẻ hành nghề đi theo) chứ không tham gia hướng dẫn được bao nhiêu do không rành tiếng Hàn.
Không chỉ thiếu về số lượng, đội ngũ HDV hiện nay còn yếu về chuyên môn lẫn ngoại ngữ. Giám đốc Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ ví von rằng các công ty du lịch có đội ngũ HDV hiện nay đều nhờ tuyển dụng theo cách ''mắt nhắm, mắt mở'', còn nếu ''mở cả hai mắt'' để xem xét về mặt trình độ thì có lẽ sẽ không tuyển được người nào. Ông Tạ Văn Thành, Trưởng khoa Du lịch Đại học dân lập Hùng Vương, cũng đưa ra một thực tế ngay cả thứ tiếng được xem như là thông dụng như tiếng Anh, HDV cũng chỉ có khả năng sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt được chừng 30-40% điều hiểu biết cho du khách. Ông Kỳ bổ sung thông tin: một công ty du lịch hàng đầu của Nhật đã xếp hạng HDV nói tiếng Nhật ở 65 quốc gia có người Nhật du lịch đến, kết quả là Việt Nam xếp thứ 43.
Tăng tốc đào tạo bằng cách nào?
Có một nghịch lý là trong lúc đang thiếu trầm trọng HDV nói các loại ''tiếng hiếm'' thì trong tổng số gần 3.000 học viên, sinh viên đang theo học chuyên ngành HDV hiện nay ở bảy trường tại thành phố có đào tạo HDV chỉ có... 10 người học tiếng Nhật và 3 người học tiếng Đức (đa số còn lại học tiếng Anh). Nếu tính cả số 109 sinh viên của Đại học Hùng Vương có học ngoại ngữ 2 là tiếng Nhật (bên cạnh ngoại ngữ chính là tiếng Anh), con số cũng chỉ là 122 người. Rõ ràng nguồn cung trong thời gian sắp đến quá mức khiêm tốn.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Lập Quốc, có thể cho tăng nhanh đội ngũ HDV ''tiếng hiếm'' bằng cách định hướng để các sinh viên đang học ngoại ngữ Nhật, Đức, Hàn, Thái Lan... học thêm nghiệp vụ HDV ở các lớp đào tạo ngắn hạn. Hiện nay có chương trình đào tạo HDV với thời gian bốn tháng dành cho những người tốt nghiệp các trường đại học về kinh tế hoặc khoa học xã hội - nhân văn, còn tốt nghiệp các trường đại học kỹ thuật sẽ học trong 6 tháng. Ngoài ra, còn có thể tìm những người từng đi làm việc ở Đức, Thái Lan, Hàn Quốc... nói tốt các loại tiếng này để hướng họ tham gia các khoá đào tạo nghiệp vụ HDV ngắn ngày. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ có tính chất ''chữa cháy''. Thực tế cho thấy thời gian đào tạo nghiệp vụ quá ngắn (4 tháng, 6 tháng) sẽ không thể ''cho ra lò'' đội ngũ HDV giỏi nghiệp vụ. Mặt khác, do tính chất công việc của nghề HDV thường bấp bênh, không ổn định về mặt thời gian (mặc dù thu nhập cao) nên những người đang theo học các ngoại ngữ này thường định hướng nghề nghiệp là tìm công việc ở các công ty nước ngoài, thay vì HDV du lịch!
''Ở Nhật có khoảng 9.000 HDV được cấp thẻ hành nghề. Tất cả đều tốt nghiệp đại học và đều phải trải qua một kỳ thi cấp quốc gia để lấy bằng. Được đào tạo chính quy như vậy và muốn có thẻ hành nghề phải khó khăn như vậy nên những người làm HDV thường giỏi và gắn bó với nghề. Tôi nghĩ ngành du lịch nước ta cần phải học theo cách làm này thì mới có thể nhanh chóng có được một đội ngũ HDV mạnh, góp phần thu hút thêm nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam'' - giám đốc Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất.
(Theo Tuổi Trẻ) |