(VietNamNet) - Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2003 do Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) vừa công bố cho thấy, Việt Nam nằm trong danh sách các nước thực hiện vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đối tốt, đứng thứ 45/140 quốc gia, nhưng tiềm năng thu hút đầu tư lại rất thấp, chỉ xếp hạng 75.
|
Bình Dương - nơi thu hút FDI lớn nhất của Việt Nam. |
Thông điệp chung của báo cáo năm nay là: Khía cạnh thúc đẩy phát triển cần phải trở thành một nội dung không thể tách rời của các hiệp định đầu tư quốc tế nhằm hỗ trợ cho các chính sách quốc gia trong việc thu hút và hưởng lợi nhiều hơn từ FDI.
Theo điều tra của UNDP, Việt Nam lọt được vào trong số 10 nước hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận được nhiều FDI nhất trong thời gian 2001-2002. Tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2002 đạt 2,5 tỷ USD, cao hơn so với mức 2,3 tỷ USD của năm 2001. Qua 8 tháng đầu năm 2003, tổng vốn FDI đã được cam kết là khoảng 1,6 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ 2002. Trong đó, 554 triệu thuộc dự án từ các năm trước và 1 tỷ USD là số vốn được đăng ký mới của 389 dự án. Bình Dương và Đồng Nai, TP.HCM chiếm 54% số vốn đăng ký.
''Thủ tướng Phan Văn Khải đã khẳng định quyết tâm tạo nên một môi trường kinh doanh thông thoáng tại Việt Nam. Tôi nghĩ điều này cần đến trước hết từ việc có một thái độ đúng đắn đối với khu vực tư nhân, bất kể là trong hay ngoài nước''. (Đại diện UNDP tại Việt Nam - ông Jordan Ryan) |
Tuy nhiên, các chuyên gia UNDP đồng thời đã lên tiếng cảnh báo về sự thiếu bền vững trong thu hút FDI của Việt Nam. Năm 2002, Việt Nam đã phải chứng kiến sự suy giảm FDI (từ 1,3 tỷ USD của năm 2001 xuống 1,2 tỷ USD). Trong khi đó, bất chấp FDI vào khu vực Đông Nam Á giảm từ 15 tỷ USD trong năm 2001 xuống còn 14 tỷ USD trong năm 2002, Brunei, Malaysia và Philippines lại tiếp tục thu hút được nguồn vốn FDI nhiều hơn so với năm 2001.
Singapore và Malaysia thậm chí còn lọt được vào top 10 nước đang phát triển thu hút nhiều FDI nhất thế giới năm 2002. 8 tỷ USD FDI chảy vào Singapore và khoảng 3 tỷ USD vào Malaysia.
Việt Nam thiếu nguồn thông tin thuyết phục nhà đầu tư
Ông Juan Luis Gomez - chuyên gia kinh tế của UNDP cho rằng, Việt Nam chưa có các nguồn thông tin chính xác và đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư. Các chỉ số Việt Nam đưa ra cần xem xét kỹ lại bởi ông này cho rằng, các thông số rất quan trọng vì căn cứ vào đó ta có thể cải tiến được nhiều lĩnh vực.
Việt Nam cũng không còn lợi thế mạnh mẽ nhờ vào lực lượng lao động rẻ và đông đảo như những năm trước nữa. Hiện nhà đầu tư không còn quan tâm nhiều nhất đến vấn đề lao động mà là chất lượng. Chất lượng lao động tại Việt Nam quá thấp trong khi giá cả lại đang tăng. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô.
''Luật lệ đầu tư của Việt Nam còn khắt khe, mức độ tự do hóa thương mại chưa cao, cơ sở hạ tầng kém phát triển... khiến mất đi cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư'' - chuyên gia kinh tế của UNDP, ông Pedro Ortega giải thích.
Viện phó Viện Kinh tế thế giới (Bộ Kế hoạch Đầu tư) Lê Bộ Lĩnh cũng cho rằng, những hình thức méo mó của kinh tế thị trường như độc quyền cần phải nhanh chóng dỡ bỏ để tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.
Còn ông Gomez lại nhấn mạnh tới việc Việt Nam cần phải tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư (thiếu luật cạnh tranh hiệu quả, xóa bỏ hai giá...) và tạo ra được một môi trường kinh doanh tốt trong các lĩnh vực sử dụng đất, cấp phép, chính sách tuyển dụng...
FDI toàn cầu suy giảm mạnh
Báo cáo Đầu tư toàn cầu của UNTAC đưa ra rằng, tổng lượng FDI của thế giới đã giảm sút nghiêm trọng, từ 1.393 tỷ USD (năm 2000) xuống còn 651 tỷ USD năm 2002. Tổng vốn FDI toàn thế giới năm 2002 cũng là mức thấp chưa từng có kể từ năm 1998. FDI đã suy giảm năm thứ hai liên tiếp tại 108 trong 195 quốc gia.
Các chuyên gia kinh tế của UNDP cho rằng, triển vọng tăng trưởng nguồn FDI vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm nay là rất mong manh. Tuy nhiên, khu vực này sẽ tiếp tục là địa chỉ thu hút được dòng FDI lớn nhất trong các khu vực đang phát triển năm nay. Sự cạnh tranh để thu hút dòng FDI trong khu vực châu Á cũng như các khu vực khác cũng sẽ trở nên gay gắt.
Nguồn vốn FDI chảy vào châu Á - Thái Bình Dương đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp, từ 107 tỷ USD trong năm 2001 xuống còn 95 tỷ trong năm 2002. Sự sụt giảm diễn ra không đồng đều giữa các vùng, các quốc gia và các ngành. 31 trong số 57 nền kinh tế bị suy giảm FDI.
FDI vào khu vực Đông Nam Á giảm từ 15 tỷ USD trong năm 2001 xuống còn 14 tỷ USD trong 2002. Chỉ một vài nền kinh tế trong tiểu vùng như Brunei, Malaysia và Philipines lại thu hút được nhiều FDI hơn các nước trong khu vực.
Dòng vốn FDI chảy ra bên ngoài cao hơn so với dòng vốn đầu tư chảy vào trong nước cho thấy khả năng đầu tư giảm sút của các công ty châu Á trong quá trình suy thoái kinh tế. Trong tổng số 50 tập đoàn xuyên quốc gia lớn nhất (xếp hạng theo giá trị tổng tài sản ngoài nước) đến từ các nước đang phát triển trong năm 2001 và 2002, 33 tập đoàn thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, so với 35 tập đoàn trong 1999.
''Trung Quốc vẫn sẽ là nước thu hút được nhiều nhất nguồn vốn FDI trong số các nước đang phát triển và toàn thế giới và các quốc gia khác sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế này'' - ông Juan Luis Gomez nói.
|