Sẽ cần trên 1 triệu tấn muối công nghiệp
07:36' 17/09/2003 (GMT+7)
Việt Nam hiện vẫn đang nhập khoảng 100.000 tấn muối công nghiệp/năm.

(VietNamNet) - Xuất khẩu được gần 1 triệu tấn muối công nghiệp chất lượng thấp, giá rẻ sang Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, thì Việt Nam lại phải nhập muối chất lượng cao. Dự án xây dựng Nhà máy Xút và hoá chất của Tổng công ty Hoá chất Việt Nam sắp tới, sẽ cần đến 320.000 tấn muối công nghiệp/năm. Khi đó, liệu các đồng muối của nước ta có đáp ứng đủ cả về chất và lượng?  

Ông Phùng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ khí, Luyện kim và Hoá chất (Bộ Công nghiệp), cho biết, phần lớn các cơ sở sản xuất muối ở nước ta hiện đều có quy mô nhỏ, chất lượng thấp. Trong khi đó, khí hậu lại thất thường, bờ biển dài nên việc sản xuất cũng như thu gom nước ót (có trong quá trình sản xuất muối) gặp nhiều khó khăn. Những năm thời tiết xấu, Việt Nam phải nhập tới 700.000 tấn muối công nghiệp. Việc sản xuất muối bằng cả hai phương pháp (phơi cát và phơi nước) đều cho muối chất lượng thấp. Trong khí đó, việc sử dụng muối chỉ chứa NaCl, sạch, không tạp chất là ưu tiên hàng đầu của các ngành công nghiệp.

Ông Vũ Công Trứ, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT): "Sản lượng muối trung bình của cả nước là 700.000 tấn/năm, nhưng từ nay đến 2005, mỗi năm chúng ta cần 1,2 triệu tấn cho sản xuất, tiêu dùng. Trong khi đó, diện tích muối toàn quốc vẫn dậm chân tại chỗ với 15.000ha (2005). Nếu dự án Quán Thẻ (Ninh Thuận) vẫn đầu tư "nhỏ giọt" như hiện nay, tương lai chúng ta sẽ thiếu muối và phải nhập khẩu, nếu không phát triển nhanh các đồng muối công nghiệp tại Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ".

Theo ông Hà, muối chủ yếu được sử dụng trong các ngành giao thông (làm tan băng, tuyết), làm mềm nước, công nghiệp dệt, chế tạo kim loại, cao su, xà phòng, thuộc da... Đặc biệt, ngành hoá chất sử dụng nhiều nhất, tới 60% lượng muối công nghiệp, tiếp đến là ngành giấy và bột giấy.

Cần 320.000 tấn muối công nghiệp cho dự án

Trong Dự thảo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam giai đoạn đến 2010, dự án xây dựng một nhà máy xút có quy mô lớn, khoảng 200.000 tấn/năm, kết hợp với nhà máy EDC và VCM (hoá chất), đã được Tổng công ty Hoá chất Việt Nam đưa ra. Dự án này đang được nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai. Với tổng số vốn khoảng 220 triệu USD, đây là dự án liên doanh với nước ngoài (có thể là Thái Lan, Mỹ hay Tây Âu), phía Việt Nam là các tổng công ty Hoá chất, Dầu khí và tỉnh có muối công nghiệp.

Đại diện Tổng công ty Hoá chất cho biết, theo như đề xuất trong dự án, tới 2010, nhu cầu xút cho lĩnh vực công nghiệp giấy lên tới 120.000 tấn, sản xuất hoá chất 20.000 tấn và các ngành khác là 20.000 tấn. Đến năm 2020, con số này tổng cộng lên tới 380.000 tấn. Như vậy, để sản xuất được lượng sút này, theo Tổng công ty Hoá chất, là 320.000 tấn muối công nghiệp/năm, chưa kể nhu cầu cho các nhà máy xút hiện có của tổng công ty và dự án soda. 

Hiện nay, nhu cầu sử dụng muối công nghiệp khoảng 300.000 tấn/năm, tính theo các nhà máy như sau: Hoá chất Việt Trì 5.500 tấn, Hoá chất Biên Hoà 9.700 tấn, Giấy Bãi Bằng 4.000 tấn, Bột ngọt Vedan 60.000 tấn/năm (chiếm gần 60% lượng xút của cả nước). Sau năm 2005, khi dự án sản xuất soda và xút - chlor đi vào hoạt động, sẽ cần tới 1 triệu tấn muối công nghiệp. Do chất lượng muối công nghiệp trong nước thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất xút nên trong năm 2002, Công ty Hoá chất cơ bản miền Nam phải nhập 36.000 tấn xút, 12.000-15.000 tấn muối xay cho dầu khí. Công ty Hoá chất Việt Trì nhập 10.000 tấn từ Ấn Độ.

Ninh Thuận hoàn toàn có khả năng đáp ứng

Ông Trương Xuân Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết, Ninh Thuận hiện chiếm tới 70% sản lượng muối công nghiệp cả nước, với 1.243ha. Tổng công ty Muối hiện đang thi công Dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ tại tỉnh này, rộng 2.510ha, tổng vốn đầu tư 323 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2005 và cho sản lượng 210.000 tấn. Bên cạnh đó là đồng muối Vĩnh Hảo, đang cho sản lượng 60.000 tấn muối công nghiệp, năm 2004 nâng lên 90.000 tấn. Chất lượng muối tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn cho sản xuất hóa chất.

Ông Lê Minh Hùng, Giám đốc Sở Công nghiệp Ninh Thuận, khẳng định, nguồn nguyên liệu muối công nghiệp tại Ninh Thuận hoàn toàn đủ khả năng cung cấp ổn định cả về số lượng và chất lượng cho nhà máy xút có công suất 200.000 tấn/năm, và nguồn nước ót thu gom tập trung được trên 200.000m3, đủ điều kiện cho xây dựng nhà máy sản xuất các loại hoá chất cơ bản khác. Cùng với các chính sách ưu đãi khác của tỉnh, như hỗ trợ kinh phí cho việc đầu tư, ưu đãi sử dụng đất, thuế thu nhập DN, UBND tỉnh đang đề nghị Bộ Công nghiệp, KH-ĐT, Tài chính... cho phép đặt Nhà máy sản xuất Xút và hoá chất tại Ninh Thuận.     

Đại diện Tổng công ty Muối Việt Nam cũng cho rằng, Ninh Thuận đang có cơ hội kép. Hàng triệu tấn muối cần phải có trong giai đoạn tới và các năm tiếp chỉ có thể trông chờ vào tài nguyên thiên nhiên (khai thác vô tận, vĩnh hằng và không hạn chế về quy mô khai thác) với lợi thế so sánh của Ninh Thuận. Đây là cơ hội lớn để tỉnh này trở thành thủ đô muối của cả nước. Khi đó, sẽ có hàng trăm nghìn mét khối nước ót - nguyên liệu quan trọng để đầu tư, khai thác các nguồn lợi sau muối.

Về phía Bộ NN-PTNT, ông Vũ Công Trứ, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, cho biết, trên cơ sở kế hoạch phát triển của các bộ, ngành có sử dụng muối từ nay đến 2010, chỉ tiêu Bộ đề ra là 1,54 triệu tấn muối (năm 2005), 2,55 triệu tấn (2010). Để đạt được chỉ tiêu trên, từ năm 2000, Bộ NN-PTNT đã tiến hành rà soát lại quy hoạch sản xuất ở các địa phương có sản xuất muối. Dự kiến đến 2010, diện tích sản xuất muối công nghiệp đạt gần 9.900ha tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. 

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đã có thể nhắn tin đa phương tiện qua điện thoại di động (16/09/2003)
Phải chấm dứt tình trạng đầu tư công trình "vì kế hoạch" (16/09/2003)
Đà Nẵng thu hút mạnh các dự án đầu tư vào KCN (16/09/2003)
Để có con bò sữa Việt Nam, cần 20 năm nữa (16/09/2003)
Nhà nước nắm giữ 80% cổ phần Vinamilk (16/09/2003)
Nâng mục tiêu xuất khẩu gạo năm nay lên 3,9 triệu tấn (16/09/2003)
Mở đường bay thẳng TP.HCM - Fukuoka và Hà Nội - Đài Loan (16/09/2003)
Công trình ở TP.HCM chậm vì chờ "ông" điện, nước (16/09/2003)
Nông dân treo cày vì... dự án nuôi tôm (16/09/2003)
Việt Nam xuất khẩu 160 triệu USD hạt điều (16/09/2003)
Trung Quốc thiệt hại hàng chục tỷ đôla do kiện bán phá giá (16/09/2003)
Hội chợ triển lãm Thực phẩm và Đồ uống (16/09/2003)
DN chưa được hưởng thuế ưu đãi tham gia AFTA (16/09/2003)
Có thể gọi 171 bằng điện thoại di động (16/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang