Hà Nội "thừa" gần 40.000 tỷ đồng vốn
10:28' 17/09/2003 (GMT+7)

 

 

Các NHTM trên địa bàn Hà Nội có ít dự án hấp dẫn để đầu tư.

Nếu tính toán chung tổng thể nguồn vốn và sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tín dụng (TCTD) khác trên địa bàn Hà Nội đến hết tháng 8/2003 thì còn dư tới gần 40.000 tỷ đồng vốn, được các tổ chức trung gian tài chính này đầu tư trên thị trường tiền gửi quốc tế và điều đi cho vay ở các địa phương khác...

Số liệu đó được tính toán trên cơ sở tính đến hết tháng 8/2003, các NHTM và TCTD trên địa bàn Hà Nội có tổng nguồn vốn huy động đạt 133.500 tỷ đồng, chiếm gần 40% thị phần huy động vốn của toàn quốc; nhưng tổng dư nợ cho vay đến thời điểm tương tự chỉ đạt 69.350 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 21% thị phần cho vay cả nước.

Huy động nhiều nhưng cho vay trên địa bàn ít

Việc tính toán cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn sau khi trừ đi tiền gửi dự trữ bắt buộc và vốn khả dụng. Số vốn chuyển đi trong mỗi hệ thống NHTM và TCTD để cho vay ở các địa phương khác, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, khu vực TP.HCM và một số khoản đầu tư khác.

Thực trạng đó cho thấy sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội hạn chế, các NHTM có ít dự án hấp dẫn để đầu tư. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chưa có các chương trình kinh tế lớn cũng như các dự án kích cầu. Trong khi đó TP.HCM lại có hàng chục dự án kích cầu và các NHTM ở đây đã cho vay gần 1.000 tỷ đồng; có 4 chương trình kinh tế lớn: chương trình kích cầu đầu tư, chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp & nông thôn, chương trình 419 cho vay hỗ trợ lãi suất vốn vay cho hộ nông dân, chương trình tín dụng cho các KCN-KCX. Ðồng thời, TP.HCM vừa triển khai thành công kế hoạch phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu đô thị đầu tiên trong cả nước. Kinh nghiệm này cho thấy Hà Nội cần chủ động hơn nữa trong xây dựng các dự án, triển khai các chương trình kinh tế và chương trình kích cầu để thu hút vốn đầu tư của các NH, không nên để một lượng vốn lớn chuyển đi trong bối cảnh cần đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế hiện nay.

Thực tế trên cũng cho thấy tiềm năng vốn có thể huy động được trên địa bàn Hà Nội khá dồi dào. Tại đây tập trung đầu mối của 4 NHTM nhà nước, các tổ chức bảo hiểm, các tổng công ty và các tổ chức khác... có nguồn tiền gửi thanh toán khá. Từ nhiều năm nay, Hà Nội liên tục là địa phương có số bội thu tiền mặt rất lớn, mỗi tháng bội thu tới hàng trăm tỷ đồng. Riêng trong tháng 8 vừa qua, số bội thu tiền mặt tới 600 tỷ đồng, so với mức bội thu của tháng 7 là 610 tỷ đồng. Tiềm lực về vốn đó nằm trong dân, vốn trong các tổ chức bảo hiểm và tổ chức khác... Do đó tính về số tuyệt đối nguồn vốn huy động của các NHTM và TCTD ở Hà Nội cao hơn ở TP.HCM tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Chính vì lý do này mà không chỉ các NHTM nhà nước và NHTM cổ phần có trụ sở chính trên địa bàn tiếp tục mở rộng thêm mạng lưới, mà đặc biệt là các NHTM cổ phần có trụ sở chính ở TP.HCM cũng cạnh tranh mạnh mẽ, thiết lập các chi nhánh cấp I, chi nhánh cấp II và phòng giao dịch ở Hà Nội. Năng động trong lĩnh vực này phải kể đến các NHTM cổ phần Phương Nam, Eximbank, Phương Ðông, Ðông Á... Do đó tính từ quý IV/2002 đến nay có trên 20 chi nhánh các loại của các NHTM được mở trên địa bàn Hà Nội, một tốc độ hiếm có nơi nào đạt được. Chiến lược kinh doanh của các NHTM này chủ yếu là thiết lập thêm mạng lưới để huy động vốn tại Hà Nội; mở rộng các dịch vụ NH bán lẻ hiện đại: thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, ATM, chuyển tiền, kiều hối... thu hút tiền gửi để chuyển về phía Nam cho vay và thu phí dịch vụ.

Xu hướng này đang hình thành các phố ngân hàng hay các khu vực tập trung các ngân hàng với mật độ rất cao, như: phố Lý Thái Tổ, phố Hàng Vôi, đường Láng Hạ, đường Hoàng Quốc Việt... Riêng khu vực quận Hoàn Kiếm có tới gần 150 điểm giao dịch của các NHTM. Ðây là xu hướng phù hợp với các nước trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu giao dịch ngân hàng của dân cư và đánh giá mật độ các điểm giao dịch của ngân hàng so với mật độ của dân cư.

Ðẩy nhanh tốc độ cho vay trung dài hạn

Song nhìn nhận thị trường huy động vốn ở Hà Nội từ đầu năm 2003 đến nay có thể thấy, các NHTM cạnh tranh với nhau rất sôi động đã làm cho lãi suất tiền gửi, lãi suất phát hành trái phiếu tăng cao.

Trong gần 1 tháng qua, lãi suất tiền gửi tuy có giảm, nhưng nhìn chung lãi suất huy động vốn trung dài hạn vẫn đứng ở mức rất cao. Một số NHTM cổ phần có lãi suất huy động vốn kỳ hạn 24 tháng lên tới 0,73-0,75%/tháng, tương đương 8,8-9,0%/năm. Lãi suất phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm của NHNN-PTNT Việt Nam lên tới 9,17%/năm cho năm đầu tiên. Có NHTM cổ phần trả lãi cao nhất cho món tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên với kỳ hạn 24 tháng có lãi suất 0,79%/tháng, tương đương 9,5%/năm, trong khi đó lãi suất cho vay cao nhất của VCB công bố chỉ có 0,7%/tháng, hay 8,4%/năm.

Do đó dự báo, do nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế, của các doanh nghiệp, của các NHTM đang rất khẩn trương nên lãi suất huy động vốn loại này khó mà giảm xuống, tiếp tục đứng ở mức cao. Hà Nội tiếp tục là thị trường huy động vốn lớn nhất cả nước, tiếp tục thu hút các NHTM mở các chi nhánh mới và cạnh tranh.

Nhìn nhận về thị phần huy động vốn giữa các khối ngân hàng trên địa bàn, có thể thấy các NHTM nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, chiếm 77,5%; khối ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài chiếm 13,7%; khối NHTM cổ phần chiếm 8,8%. Nếu như khối NHTM nhà nước có thế mạnh về huy động vốn nội tệ, nhất là tiền gửi ngắn hạn, tiền gửi các tổ chức kinh tế, thì khối ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thế mạnh về huy động vốn ngoại tệ, còn các NHTM cổ phần thì đang đẩy mạnh huy động vốn trung dài hạn với lãi suất linh hoạt. Trong cơ cấu vốn huy động, riêng tiền gửi của dân cư đạt 62.750 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng vốn huy động.

Phân tích xu hướng tăng trưởng tín dụng có thể thấy, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 39.530 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cuối năm 2002; trong khi đó dư nợ cho vay trung dài hạn đạt 29.820 tỷ đồng, chiếm 43%, tăng 16% so với cuối năm 2002. Mặc dù dư nợ trung dài hạn chiếm tỷ trọng cao nhưng tốc độ tăng thì chậm hơn dư nợ ngắn hạn, điều đó cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn chưa mạnh dạn đầu tư chiều sâu. Cũng đến thời điểm tương tự, dư nợ cho vay bằng nội tệ tăng 12% so với cuối năm 2002, trong khi đó dư nợ cho vay vốn ngoại tệ tăng 31,2%, gấp gần 3 lần tốc độ tăng dư nợ vốn nội tệ.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình này là do lãi suất vốn vay ngoại tệ rất thấp, chỉ bằng 1/3 lãi suất vốn vay nội tệ, trong điều kiện tỷ giá ổn định, chỉ tăng khoảng 0,8% trong 8 tháng qua, nên các doanh nghiệp trên địa bàn thích vay vốn ngoại tệ hơn. Thực tế trên cho thấy, trước yêu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế, một số địa phương không những tranh thủ nguồn vốn của các NHTM, mà còn đã và đang phát hành trái phiếu đô thị để triển khai các dự án quan trọng.

(Theo TBKTVN)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sẽ cần trên 1 triệu tấn muối công nghiệp (17/09/2003)
Đã có thể nhắn tin đa phương tiện qua điện thoại di động (16/09/2003)
Phải chấm dứt tình trạng đầu tư công trình "vì kế hoạch" (16/09/2003)
Đà Nẵng thu hút mạnh các dự án đầu tư vào KCN (16/09/2003)
Để có con bò sữa Việt Nam, cần 20 năm nữa (16/09/2003)
Nhà nước nắm giữ 80% cổ phần Vinamilk (16/09/2003)
Nâng mục tiêu xuất khẩu gạo năm nay lên 3,9 triệu tấn (16/09/2003)
Mở đường bay thẳng TP.HCM - Fukuoka và Hà Nội - Đài Loan (16/09/2003)
Công trình ở TP.HCM chậm vì chờ "ông" điện, nước (16/09/2003)
Nông dân treo cày vì... dự án nuôi tôm (16/09/2003)
Việt Nam xuất khẩu 160 triệu USD hạt điều (16/09/2003)
Trung Quốc thiệt hại hàng chục tỷ đôla do kiện bán phá giá (16/09/2003)
Hội chợ triển lãm Thực phẩm và Đồ uống (16/09/2003)
DN chưa được hưởng thuế ưu đãi tham gia AFTA (16/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang