50% giống lúa sử dụng tại Việt Nam là của IRRI
14:58' 18/09/2003 (GMT+7)
Việt Nam đang đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo.

(VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ cho biết, đã có 88 giống lúa của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) được các nhà khoa học Việt Nam chọn lọc để phát triển sản xuất. Hiện nay, trên 50% diện tích trồng lúa của Việt Nam sử dụng giống lúa của IRRI, hoặc có nguồn gốc từ IRRI.

Con số này được đưa ra tại Hội nghị Kế hoạch hợp tác của Bộ NN-PTNT Việt Nam và IRRI, diễn ra trong hai ngày 18-19/9, tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, nguồn gene di truyền lúa từ IRRI đang tiếp tục được sử dụng có hiệu quả trong chương trình nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống tại Việt Nam. Hợp tác Việt Nam - IRRI không chỉ dừng ở đó mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như quản lý tài nguyên đất, hệ thống nông nghiệp, quản lý dinh dưỡng, dịch hại tổng hợp và những vấn đề kinh tế - xã hội khác. Đặc biệt, hàng trăm cán bộ khoa học của hầu hết các viện nghiên cứu thuộc Bộ đã được IRRI đào tạo, góp phần quan trọng trong tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Những đóng góp trên của IRRI trong công cuộc phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là về cây lúa, đã đem lại hiệu quả thiết thực. So với năm 2000, mặc dù diện tích lúa năm 2002 giảm 180.000ha, song, nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT mới về giống, thuỷ lợi, quản lý cây trồng tổng hợp nên năng suất lúa tăng từ 4,24 lên 4,57 tấn/ha, góp phần làm tăng lượng lúa từ 32,5 lên 34,2 triệu tấn. Lương thực bình quân đầu người đạt trên 430/kg. Một số địa phương đã chuyển 50.000ha cà phê vối sang trồng cà phê chè, bông, đậu đỗ, dứa, sắn cho giá trị cao. Diện tích một số cây trồng có mặt hàng thay thế nhập khẩu vì thế cũng tăng nhanh.

Ông Nguyễn Văn Bộ, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ NN-PTNT) cho rằng, riêng gạo đã chiếm 40% trong GDP nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp Việt Nam đóng góp 18% GDP và 20% giá trị xuất khẩu. Việt Nam cũng trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Thái Lan và Mỹ, đạt 4 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2001. Từ khi Việt Nam gia nhập thị trường gạo thế giới (1989), tỷ lệ phần trăm gạo gãy đã được cải thiện đáng kể, chỉ còn 5%, so với 6-20% trước đó, trong tổng lượng gạo xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Bộ, hiện Việt Nam vẫn đang thiếu các giống gạo sạch, có chất lượng cao để xuất khẩu, phù hợp với điều kiện đồng bằng Châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Lợi ích kinh tế từ lúa gạo còn thấp so với các lĩnh vực khác, như công nghiệp chế biến, rau và trái cây; giá gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác thấp, bấp bênh, thị phần hạn chế; chất lượng gạo Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Ren Wang, Phó Tổng Giám đốc IRRI, nhấn mạnh rằng, hội nghị này chính là bước quan trọng để rà soát lại quá trình hợp tác Việt Nam - IRRI, đồng thời, thảo luận chiến lược hợp tác, xây dựng thêm đối tác trong giai đoạn mới. Là một trong 16 trung tâm nghiên cứu, hợp tác quốc tế về nông nghiệp trên thế giới (IRRI đang đứng đầu về nguồn gene và quỹ lúa), thời gian tới, IRRI sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. Đặc biệt là hướng tới mốc 2004, kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - IRRI, và 2004 cũng được IRRI chọn là năm quốc tế về gạo.

Cuối buổi làm việc ngày mai (19/9), đại diện Bộ NN-PTNT và Viện Nghiên cứu lúa quốc tế sẽ cùng ký kết chương trình, kế hoạch hợp tác giai đoạn tới.

  • Hà Yên 
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Việt Nam đã nhân nhượng đến mức có thể (18/09/2003)
Buôn bán thuốc ngoại, ''một vốn bốn trăm lời'' (18/09/2003)
Khởi công dự án kim loại màu lớn nhất nước (18/09/2003)
Doanh nhân Việt Nam gặp nạn tại Iraq (18/09/2003)
Cây hồ tiêu trước nguy cơ “vỡ” quy hoạch (17/09/2003)
Giá phân đạm tăng nhẹ (17/09/2003)
Hơn 100 câu hỏi trực tiếp với lãnh đạo TP.HCM (17/09/2003)
Các nước sông Mekong tăng cường hợp tác (17/09/2003)
Nông nghiệp ''ngoại thị' chèn lấn ''nội thị'' (17/09/2003)
Cần 12 tỷ USD cho giao thông vận tải TP.HCM (17/09/2003)
Giá dừa khô "nhảy" từng ngày (17/09/2003)
Hà Nội "thừa" gần 40.000 tỷ đồng vốn (17/09/2003)
Sẽ cần trên 1 triệu tấn muối công nghiệp (17/09/2003)
Đã có thể nhắn tin đa phương tiện qua điện thoại di động (16/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang