(VietNamNet) - Theo đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình, Sở NN-PTNT và UBND huyện Kim Sơn, xã Kim Đông đã được lựa chọn để thực hiện thí điểm vùng nuôi thuỷ sản đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Bộ Thuỷ sản ủng hộ chủ trương này và hỗ trợ về công tác khuyến ngư, tập huấn cán bộ. Đây có thể coi là mô hình điểm để Bộ tổng kết, rút kinh nghiệm và cân nhắc trước khi nhân rộng ra toàn quốc.
Đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT Ninh Bình cũng đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho xây dựng mô hình điểm NTTS đạt 100 triệu đồng/ha/năm của xã Kim Đông. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, điều hành, đầu tư có trọng điểm ngay cho dự án nhằm phát huy hiệu quả sớm để nhân rộng ra toàn vùng bãi bồi huyện Kim Sơn. Sở NN-PTNT coi đây là một nhiệm vụ đột phá phát triển kinh tế thuỷ sản trong năm nay và các năm tiếp theo.
Phát biểu tại Hội nghị xây dựng mô hình nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm, tổ chức tại xã Kim Đông hôm 18/9, Chủ tịch UBND xã Phạm Hải Đăng cho biết, diện tích NTTS của Kim Đông sẽ tăng lên đáng kể: năm 2003 là 191ha, năm 2004 lên 291ha và năm 2005 đạt 396ha. Tổng sản lượng thuỷ sản cũng tăng cao, từ 128 tấn (năm 2003) lên gấp gần 3,5 lần, đạt 428 tấn (2004); năm 2005, sản lượng thuỷ sản tăng gấp gần 2 lần năm 2004, tức đạt 878 tấn.
Nhờ vậy, tổng giá trị thu nhập trên 1ha NTTS của Kim Đông năm 2002 đạt 40 triệu đồng/năm. Năm 2002, có 42 hộ đạt thu nhập khoảng 45 triệu/ha, 65 hộ thu nhập 34-40 triệu đồng/ha. Năm nay, UBND xã ước tính, thu nhập bình quân của các hộ trong xã là 51 triệu đồng/ha, năm 2004 là 108 triệu đồng/ha và năm 2005 là 159 triệu đồng/ha.
Để phục vụ NTTS, UBND xã Kim Đông kiến nghị tỉnh sớm lập dự án chuyển đổi toàn bộ diện tích 417ha canh tác từ đất trồng lúa, cói sang NTTS. Lý do phải chuyển đổi, theo ông Đăng, là diện tích này chủ yếu đang trong giai đoạn khai hoang phục hoá; hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng, các công trình hạ tầng kém; nguồn nước ngọt hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Sở NN-PTNT Ninh Bình cũng đề nghị xã Kim Đông phải đưa ra các giải pháp về tiêu chí và kỹ thuật nuôi, như xây dựng các hộ NTTS điểm, có hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh, tận dụng kinh nghiệm nuôi trồng, dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
PGS.TS Hà Xuân Thông, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, cho rằng, chuyển đổi sang sản xuất thuỷ sản không thể làm lẻ tẻ được. Hàng hoá thuỷ sản chỉ có giá trị khi nó được sản xuất đủ lô, đúng quy cách, quy trình chặt chẽ; thống nhất chất lượng, mẫu mã, đặt dưới sự kiểm tra, kiểm soát liên tục và nghiêm ngặt. Hơn nữa, các loài cá, tôm... đều sống trong môi trường nước, một người làm ảnh hưởng đến và chịu ảnh hưởng của cả vùng. Điều đó giải thích tại sao muốn làm thuỷ sản thì phải làm cả vùng một kiểu, cả cánh đồng một kiểu.
Theo TS. Thông, nên phân đoạn trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản, bởi ngành này vốn có nhiều rủi ro. Từ đó, hướng nông dân vào thực hiện từng công đoạn, tuỳ theo khả năng của họ, để tạo thành một chu trình sản xuất khép kín. Việc bố trí này đem lại nhiều lợi ích: rút ngắn thời gian, giảm rủi ro, tăng vòng quay vốn, quan trọng nhất là tạo điều kiện cho mọi người tham gia, làm chủ và hưởng lợi từ và trong quá trình NTTS.
Khi Bộ NN-PTNT phát động phong trào xây dựng cánh đồng 50 triệu, thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm đã thu hút được đông đảo bà con nông dân tham gia, vì trên thực tế, đã có rất nhiều hộ đạt được mức thu này. Tuy nhiên, phong trào lại lúng túng bởi chưa có cơ sở khoa học vững chắc. Việc phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích là một chủ trương đúng đắn mà ngành thuỷ sản đang hướng tới. Tuy nhiên, trước khi ngành thuỷ sản phát động thành phong trào, cần rút kinh nghiệm từ các mô hình trong thực tế; đồng thời, xây dựng tiêu chí, cơ sở khoa học chính xác, cụ thể.
|