|
Hiện nay số người sử dụng Internet mới dừng lại con số 2%. |
(VietNamNet) - Làm thế nào để đến năm 2005 có 4-5% người dân Việt Nam sử dụng Internet như mục tiêu đặt ra? Câu hỏi này đã được đặt ra với Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Mai Liêm Trực. Ông nói rằng từ trước đến giờ chúng ta đã coi nhẹ một biện pháp rất quan trọng để xã hội hoá Internet, đó là truyền thông.
- Hiện nay số người sử dụng Internet mới dừng lại ở con số 2% trên tổng số dân, điều đó có phản ánh tốc dộ phát triển Internet của chúng ta quá chậm?
- Ông Mai Liêm Trực: đúng là tốc độ phát triển Internet của chúng ta có chậm so với thế giới thật nhưng mọi chuyện đều có nguyên do của nó: chúng ta mới gia nhập Internet từ năm 1997 (chậm so với thế giới 10 năm). Mọi hiểu biết về Internet chỉ dừng lại ở mức: biết được những lợi ích và hạn chế tiêu cực của nó. Các nhà quản lý và những người sử dụng lúc đó vì có những lo ngại nhất định về việc không quản lý được nó nên đã có chủ trương: quản đến đâu thì mở đến đó nên mới có quy định tạm thời về quản lý Internet. Một khi thu nhập của người dân còn thấp, trong lúc còn bao nhiêu mối lo toan khác, và không có tiện ích nhiều của Internet nên họ không mặn mà lắm với chuyện Internet...
Với tất cả những lý do đó, Internet Việt Nam đã phát triển chậm so với yêu cầu cho đến khi chỉ thị 58 của Bộ Chính trị và Nghị định 55 ra đời (2001). Từ lúc đó chủ trương của chúng ta đã có sự thay đổi nhảy vọt: "mở đến đâu quản lý đến đấy".
- Thưa ông, nhiều doanh nghiệp than phiền: dù Nghị định 55 đã chú trọng đến tính "mở" thì tốc độ xã hội hoá Internet vẫn chậm và giá cước cao?
- Cũng phải nói lại là nhờ tính "mở" đó mà sau hai năm ban hành Nghị định 55 (ngày 23/8/2001 - 23/8/2003), thị trường Internet Việt Nam đã trở nên sôi động rất nhiều. Hiện đã có 5 cổng kết nối quốc tế (IXP) so với trước khi ban hành nghị định 55 chỉ có một doanh nghiệp duy nhất cung cấp IXP là VDC. Hiện tại đã có 13 ISP (nhà dịch vụ cung cấp Internet), so với 5 ISP trước đó. Cũng sau Nghị định 55, đã có thêm loại hình doanh nghiệp mới, nhà cung cấp các dịch vụ ứng dụng trên Internet (OSP). Hiện có khoảng 10 OSP được cấp phép. Nhiều loại hình dịch vụ truy cập Internet đã được đưa vào sử dụng như: ISDN, ADSL... đến nay dung lượng truyền đã đạt 360 Mbps trong lúc năm 2000 chỉ có 10 Mbps. Tất cả các hệ thống cáp quang đã được hiện đại hoá. Việc này cũng mang đến nhiều ứng dụng trên Internet. Lượng người sử dụng cũng tăng từ 300.000 người từ năm 2000 lên 1,5 triệu người năm 2003.
Trước kia ta lo không quản lý được, còn bây giờ, nhiều hoạt động kinh tế xã hội không có Internet thì không phát triển được nhưng vẫn không có vấn đề gì. Tuy nhiên, ở một vài tỉnh việc cung cấp đường truyền của một số nhà cung cấp dịch vụ còn "hạn chế" vì thuê đường truyền mất tiền nên họ "tính toán" kỹ quá khiến khách hàng bị nghẽn mạch. Còn giá cước của ta như vậy cũng đã tương đương với các nước trong khu vực. Hai giờ truy cập Internet tại các điểm công cộng mới bằng giá một ly cà phê, giá như vậy đâu có cao. Tốc độ truy cập nhanh chậm tuỳ thuộc vào thời điểm truy cập trong ngày và cấu hình của máy nữa. Nếu truy cập vào giờ cao điểm mà máy cấu hình thấp thì nghẽn mạch cũng là chuyện bình thường thôi. Tôi có mấy người bạn nước ngoài đang sống tại Việt Nam người thì bảo: "Tốc độ Internet ở đây chậm quá", người lại bảo: "Tốc độ đường truyền ở Việt Nam rất nhanh".
- Tại sao ở các tỉnh vùng sâu, người truy cập rất ít nhưng tốc độ đường truyền quá chậm? muốn đạt được mục tiêu 4-5% người sử dụng Internet vào năm 2005, chúng ta cần phải làm gì để xã hội hoá Internet ở những vùng khó khăn này, thưa ông?
- Các ISP hiện còn tập trung xây dựng các POP (điểm truy cập Internet) ở thành phố mà chưa chú trọng đến nông thôn. Và một số nhà khai thác chưa chú trọng đến chất lượng phục vụ ở các tỉnh. Gần đây Bộ Bưu chính Viễn thông đã có chủ trương hướng các doanh nghiệp tập trung chú trọng đến các trường học ở nông thôn. Riêng Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông đã có Chương trình Internet công cộng hướng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, dự kiến khởi công từ đầu năm sau.
- Một trong những lý do để khiến người dân "sợ" dùng Internet là do truyền thông về lĩnh vực này còn quá kém. Theo ông phải khắc phục tình trạng này như thế nào?
- Một bộ phận lớn người dân và các doanh nghiệp "e ngại" Internet vì những người chưa dùng, chưa được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này nên chưa biết những lợi ích của Internet mang lại. Còn nếu ai đã dùng quen rồi thì không thể thiếu được. Tôi cho rằng điều này các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải rút kinh nghiệm để tìm một cách tiếp thị hiệu quả: tại sao không để khách hàng dùng thử rồi thu tiền sau. Và phải tuyên truyền tới cộng đồng những kết quả mà những người dân buôn bán qua mạng thực hiện được như: bán gốm sứ, rau, hoa quả qua mạng... Như thế mới lan rộng được.
Theo tôi cần phải đưa Internet thành một bộ môn khoa học trong trường phổ thông và trường đại học, các trường giành cho giáo viên. Mình đưa máy móc về trường nhưng các thầy cô không biết dùng Internet thì cũng rất hạn chế. Các học sinh biết nhiều về Internet thì sự lan toả sẽ rất nhanh.
|