|
Không lập chứng từ khi thu phí có thể bị phạt đến 5 triệu đồng (ảnh có tính chất minh họa) |
(VietNamNet) - Người không có thẩm quyền mà tự đặt ra quy định về danh mục, mức thu, quản lý, sử dụng, miễn giảm phí, lệ phí sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Đây là nội dung đáng lưu ý trong Nghị định 106/2003/NĐ-CP Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí.
Cá nhân, tổ chức chậm nộp phí, lệ phí theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền lần hai trở đi sẽ bị phạt tiền 100.000 đồng đến 500.000 đồng. Phạt tiền từ 500.00 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi khai không đúng, không đủ các khoản mục trong các tờ khai thu, nộp phí, lệ phí. Mức phạt nặng hơn, từ 1 triệu đến 2 triệu đồng nếu không đăng ký, kê khai việc thu, nộp phí, lệ phí với cơ quan nhà nước; phạt tiền thấp nhất 500.000 đồng đối với hành vi không nộp phí, lệ phí có giá trị dưới 10 triệu đồng, bị phạt cao nhất 50 triệu đồng nếu không nộp phí, lệ phí có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.
Đối với cá nhân, tổ chức thu phí, lệ phí sai với mức phí, lệ phí niêm yết sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Trong khi đó, nếu không thực hiện niêm yết hoặc không thông báo công khai về phí, lệ phí, mức thu tại địa điểm thu ở vị trí thuận tiện để các đối tượng nộp phí, lệ phí dễ nhận biết có thể bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng (nếu vi phạm từ lần thứ hai trở đi). Phạt tiền 500.000 đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi không lập chứng từ khi thu phí, lệ phí.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị tước giấy phép hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, bồi hoàn số tiền thất thoát, phải chịu mọi chi phí để thực hiện việc hoàn trả tiền chênh lệch, bị truy thu các khoản phí, lệ phí trốn nộp, tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch phí, lệ phí có được do vi phạm...
Cán bộ công chức đang thi hành nhiệm vụ, công vụ trong lĩnh vực phí, lệ phí được giao mà có vi phạm hành chính thì không thuộc đối tượng áp dụng Nghị định nói trên mà sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Trong khi đó, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí mà vụ lợi cá nhân hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, không xử phạt... thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
|