Bán lá chuối vào thị trường Mỹ
09:11' 28/09/2003 (GMT+7)
Ông Thành với sản phẩm lá chuối.

''Rất nhiều người Việt định cư ở Mỹ thèm những hương vị quê nhà. Doanh nghiệp chúng tôi chỉ giúp họ một phần hương vị này qua những lá chuối, mía cây, nước mắm, rau muống xào tỏi... xuất sang Mỹ''. Ông Lưu Minh Thành, giám đốc doanh nghiệp Thành Hải ở Nhà Bè kể chuyện...

 

Từ thủy sản đến lá chuối...

 

Thật ra, ngành nghề kinh doanh chính của Thành Hải trước đây là thủy sản, và đã có thâm niên 10 năm. Khi nhận ra chợ thuỷ sản ngày càng đông người bán, nhắm sức không cạnh tranh nổi với những đại gia khác, Thành Hải chuyển hướng kinh doanh để tồn tại.

 

Vô tình năm 2000, khi Thành Hải  tham gia một hội chợ thuỷ sản ở California, Mỹ, ông Thành đã đi tham quan những siêu thị và ngạc nhiên khi thấy các siêu thị đều có bán những mặt hàng của người Việt như: nước mắm Phú Quốc, bánh tráng phơi sương, lá chuối, mía cây... Hỏi ra mới biết, tất cả những mặt hàng này đều xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc và Ðài Loan.

 

Ý tưởng kinh doanh những mặt hàng hương đồng cỏ nội này đã được Thành Hải thực hiện. Sau chuyến trở về từ Mỹ, ông Thành gửi ngay 300kg lá chuối sang chào hàng ở Mỹ, thông qua tập đoàn A&M Seafood Corp. Theo ông, lá chuối là một mặt hàng rất phổ biến ở cộng đồng người Việt. Mặc dù có những loại lá khác thay thế, nhưng lá chuối vẫn chiếm một phần không thể thiếu trong văn hoá ẩm thực của người Việt xa xứ.

 

Bán hương vị quê nhà

 

Cái ngày mà tôi nhận được sự chấp nhận nhập khẩu lá chuối của tập đoàn A&M, quả là không quên đối với tôi. Cái khó nhất là duy trì được sự tín nhiệm của nhà nhập khẩu và đưa thêm những mặt hàng mới vào Mỹ, ông Thành nhớ lại. Tuy đã đưa được lá chuối vào Mỹ, nhưng giá trị xuất khẩu mặt hàng này lại quá ít, vì thế ông Thành lại khăn gói sang Mỹ lần nữa. Ông lân la ở những cộng đồng của người Việt ở Mỹ và nhận thấy, người Việt ở đây còn thiếu nhiều thứ ở quê nhà như một ly nước mía, một đĩa rau muống, một trái sầu riêng Long Khánh chính hiệu... Nghĩ là làm, Thành Hải bèn đặt vấn đề ngay với những nhà nhập khẩu Mỹ để phân phối những mặt hàng không đụng hàng này vào Mỹ. Thành Hải tiếp tục xuất những container mía cây, trái cây các loại, rau muống xào tỏi đông lạnh sang Mỹ. Những mặt hàng này không những được người Việt đón nhận nhiệt tình, mà người Mỹ cũng khoái những món lạ của Việt Nam. Sau đó Thành Hải bắt đầu đa dạng hoá những mặt hàng của mình: mùa sầu riêng xuất sầu riêng, mùa nhãn xuất nhãn, mùa chôm chôm lại bán chôm chôm.

 

Vào những tháng cận tết, Thành Hải lại xuất các loại mứt trái cây, bánh tét, bánh chưng, giò chả sang Mỹ để bà con Việt kiều thưởng thức hương vị quê hương. Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn làm thêm nước mắm để xuất khẩu, thương hiệu nước mắm Hải Thành đã xuất hiện ở nhiều siêu thị của Mỹ.

 

Thương lái lượm bạc cắc

 

Ông Lưu Minh Thành cho biết, khi làm những mặt hàng xuất khẩu này, Thành Hải luôn quan niệm lấy công làm lời. Kinh doanh những mặt hàng này dù giá trị xuất khẩu nhỏ và manh mún, tuy nhiên cũng có cái lợi là ít doanh nghiệp nào chịu khó làm như ông.

 

Ông Thành kể: lá chuối đạt tiêu chuẩn xuất của nhà nhập khẩu, phải có tàu dài, to và xanh, bề ngang tàu lá  (từ sống lá đến mép lá) rộng 30cm. Ðể có được loại lá chuối này, ông Thành phải bôn ba ở khắp các huyện lỵ từ Ðồng Nai đến Lâm Ðồng để tìm nguồn nguyên liệu. Lá chuối thì ở đâu cũng có, nhưng để tìm được loại lá chuối đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, ông phải lặn lội tìm kiếm ở vùng đất tốt. Ưu tiên của ông lựa chọn là chọn lá chuối ở những vùng đồi núi, khuất gió, để tránh tàu lá không rách. Cả khâu vận chuyển về thành phố cũng vô cùng khó khăn, phải nhẹ nhàng và cẩn thận, nếu tàu lá bị rách thì lá sẽ trở thành phế phẩm.

 

Với mặt hàng trái cây, ông Thành cũng trở thành thương lái, lặng lội đi đến những nơi xa nhất để chọn được những đặc sản của vùng. Trái cây mua về phải qua xử lý vi sinh, đóng gói, dán nhãn bao bì mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo ông, Như ông bà ta nói, tôi chỉ là người đi lượm bạc cắc, vì mỗi kg lá chuối xuất vào Mỹ chỉ được 36cent/kg. Nhưng cái cách lượm bạc cắc như ông cũng khó có người lượm được, hiện mỗi tháng Thành Hải xuất khoảng 1 container lá chuối, 1 container mía cây loại 20 tấn, với giá 150USD/tấn mía cây. Ngoài ra, Thành Hải còn xuất thêm 2 container nước mắm mỗi tháng, với giá 12.000USD/container.

 

Chữ tín làm đầu

 

Theo ông Thành, điều mà ông chú trọng nhất trong kinh doanh là sản phẩm phải đẹp, rẻ, chất lượng ổn định và luôn giữ uy tín với khách hàng. Ông cho rằng, nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn khi xuất khẩu, đó là: Những lô hàng xuất khẩu đầu tiên thì luôn tốt và đạt chất lượng, nhưng càng về sau thì càng tệ. Ðây là lý do lớn nhất mà những doanh nghiệp nước ngoài luôn e ngại khi làm ăn với Việt Nam. Ngoài ra, một điều mà ông chủ doanh nghiệp Thành Hải cũng luôn tâm đắc là phải dám nghĩ và dám làm. Ði để tìm hiểu cái hay của người ta và nhận ra điểm yếu của mình để học hỏi và khắc phục, ông Thành tâm sự.

 

Lúc kể chuyện với chúng tôi, trời đột nhiên đổ mưa to, vẫn đầu trần và chân không, ông Thành vội lấy những tấm áo mưa phủ lên những tấm lá chuối xanh ngoài sân mà Thành Hải mới mua về để chuẩn bị cho lô hàng mới. Chỉ sợ mưa to, lá chuối rách không xuất được..., ông phân bua.

 

(Theo SGTT)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá thuê văn phòng ở TP.HCM đứng thứ 5 châu Á (28/09/2003)
Quá lãng phí tài sản tịch thu! (28/09/2003)
Nhà đất mua bán chậm, giá tăng (28/09/2003)
Ngành may thiếu việc chờ hàng (27/09/2003)
Nông dân có thể kiện các công ty bán bò kém chất lượng (27/09/2003)
Thiếu nguyên liệu, nhà máy đường Quảng Bình phải di dời (27/09/2003)
Bộ Chính trị vận động dân mua trái phiếu chính phủ (27/09/2003)
Giá cao su sẽ còn tăng (27/09/2003)
Trao thưởng xuất khẩu cho 223 DN (27/09/2003)
Giá phân urê giảm 30.000 đồng/tấn (27/09/2003)
Hoa Đà Lạt long đong! (27/09/2003)
Thiết kế cảng Chân Mây, Dung Quất có an toàn? (26/09/2003)
Sẽ có hệ thống thông tin quốc gia về làng nghề (26/09/2003)
Ngừng cấp visa một số lô hàng dệt may (26/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang