Dọn đường cho công ty mẹ để vực dậy DNNN
11:26' 29/09/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chính phủ vừa trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những nội dung sẽ thí điểm trong tổ chức hoạt động tổng công ty nhà nước, DNNN theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Chính phủ mong muốn việc làm đó sẽ giảm thiểu và hạn chế những bất cập của các công ty nhà nước hiện nay và phát triển công ty nhà nước thành một tập đoàn mạnh có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi hội nhập kinh tế. Phần lớn các thay đổi này đều giao thêm thực quyền và cởi trói cho các công ty mẹ.  

May Việt Tiến - một trong những Tổng công ty được lựa chọn để thí điểm mô hình công ty mẹ - công ty con.

Theo thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lại Quang Thực, việc thí điểm sẽ tránh được tình trạng chuyển thiếu căn cứ, không qua thí điểm hoặc chuyển các DN không đủ điều kiện thành công ty mẹ - công ty con. Đồng thời qua đó có thể khẳng định loại hình DN nào có khả năng chuyển thành công ty mẹ - công ty con.

Công ty mẹ sẽ được kinh doanh tất cả ngành nghề pháp luật không cấm

Theo phương án trình lên UBTV QH của Chính phủ, nhiều quy định được ''cởi bỏ'' đối với công ty mẹ. Công ty mẹ nếu là DNNN theo Luật DN chỉ được kinh doanh những ngành nghề theo mục tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao. Công ty mẹ theo quy chế thí điểm này sẽ được kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm tương tự như tất cả các DN theo Luật DN.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư lại Quang Thực cũng nêu lên đề xuất, cho phép công ty mẹ được mở rộng một số quyền đối với vốn và tài sản, bao gồm quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, bán tài sản, mua cổ phần của các công ty khác có giá trị đến 50% tổng giá trị tài sản của công ty. Công ty mẹ được quyết định các hợp đồng vay, cho vay, cho thuê tài sản và hợp đồng kinh tế khác không phụ thuộc vào mức vốn điều lệ của công ty (Theo Luật cũ thì các quyền này do chủ sở hữu DN - tức Nhà nước quyết định).

Công ty mẹ cũng có thể tự quyết định mức trích khấu hao để thu hồi vốn nhanh nhưng phải bảo đảm bù đắp hao mòn hữu hình, hao mòn vô hình thực tế của tài sản và không thấp hơn tỷ lệ trích khấu hao tối thiểu do Chính phủ quy định. Theo Luật NDNN năm 1995 thì DNNN phải trích khấu hao theo quy định của Chính phủ. Công ty mẹ cũng có quyền quyết định tổ chức lại, chuyển nhượng một phần vốn đơn vị thành viên hoặc đơn vị phụ thuộc - thực chất là quyết định cổ phần hoá đơn vị thành viên phụ thuộc - trong khi theo quy định hiện hành thì DNNN không được tự do chuyển nhượng vốn và tài sản, không được tự quyết định mức độ nắm giữ cổ phần mà do Nhà nước quyết định.

Chỉnh lại cơ cấu công ty con

Theo Luật DNNN hiện hành, tổng công ty chỉ bao gồm loại thành viên có 100% vốn nhà nước, nhưng hiện có nhiều tổng công ty có loại doanh nghiệp thành viên có cổ phần, vốn góp chi phối của tổng công ty. Chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con, ngoài doanh nghiệp nhà nước thành viên tổng công ty có 100% vốn (công ty con nhà nước) sẽ có thêm các loại doanh nghiệp thành viên khác so với thành viên của tổng công ty hiện nay sau đây: Công ty TNHH một thành viên, do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ nhưng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Công ty cổ phần, công ty TNHH từ hai thành viên trở lên do công ty mẹ nắm giữ cổ phần chi phối hoặc vốn góp chi phối, giữ quyền chi phối theo Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật; Công ty liên doanh với nước ngoài do công ty mẹ nắm giữ vốn góp chi phối và giữ quyền chi phối theo quyết định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các quy định khác của pháp luật; Công ty con ở nước ngoài do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có tỷ lệ vốn góp chi phối, tổ chức quản lý và hoạt động theo pháp luật nước ngoài và các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài.

Tất cả các loại doanh nghiệp này theo dự thảo Quy chế thí điểm đều gọi là các công ty con (nhưng theo quy định hiện hành thì không được gọi là thành viên tổng công ty). Việc thí điểm mở rộng loại hình doanh nghiệp thành viên so với tổng công ty hiện hành theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nhằm chuyển sang thực hiện mối quan hệ về quản lý, điều hành và phân chia lợi ích giữa tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên phụ thuộc vào mức độ nắm giữ vốn đầu tư của tổng công ty vào doanh nghiệp thành viên.

Bên cạnh đó, Uỷ ban TVQH cũng cơ bản nhất trí với quan điểm thay liên kết kiểu hành chính trong tổng công ty hiện nay bằng liên kết tài chính trong mô hình công ty mẹ - công ty con. 

Quy định mới trong Quy chế thí điểm sẽ khắc phục tình trạng Nhà nước can thiệp trực tiếp xuống doanh nghiệp thành viên tổng công ty, tổng công ty chỉ là cấp trung gian. Công ty mẹ sẽ có quyền phân cấp cho công ty con quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác của công ty con có giá trị đến 50% tổng giá trị tài sản của công ty con. Theo Luật DNNN thì tổng công ty giữ quyền phê duyệt các phương án kế hoạch đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, hợp tác liên doanh, bổ sung, thu hồi một phần vốn, chuyển nhượng cổ phần thuộc quyền quản lý của tổng công ty đang do các doanh nghiệp thành viên nắm giữ.

Tăng thêm quyền hạn cho HĐQT

Chính phủ trong dự thảo cũng sửa đổi về về chức năng, tăng quyền hạn và trách nhiệm của HĐQT công ty mẹ so với HĐQT của tổng công ty theo Luật DNNN hiện hành theo hướng tăng thêm quyền hạn cho HĐQT để HĐQT thực hiện chức năng đại điện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ. Theo đó, HĐQT sẽ được bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với tổng giám đốc công ty mẹ sau khi được sự chấp thuận của người quyết định thành lập, chuyển đổi thành công ty mẹ; quyết định hoặc phân cấp cho Tổng giám đốc quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của các công ty khác, bán tài sản của công ty có giá trị đến 50% tổng giá trị tài sản của công ty hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn được quy định tại Điều lệ công ty, các hợp đồng vay, cho vay, cho thuê tài sản và hợp động kinh tế khác do điều lệ công ty mẹ quy định nhưng không vượt quá mức vốn điều lệ của công ty; quyết định chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn của công ty mẹ và các công ty con do công ty mẹ nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ...

Theo Luật DNNN hiện hành thì HĐQT thực hiện chức năng quản lý hoạt động của tổng công ty, trong đó có nhiều vấn đề HĐQT phải trình cấp trên quyết định như trình thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập phê duyệt chiến lược, qui hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, kế hoạch 5 năm của toàn tổng công ty; trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư, dự án đầu tư mới, dự án hợp tác đầu tư với bên nước ngoài bằng vốn do tổng công ty quản lý; HĐQT không có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với tổng giám đốc tổng công ty.

Một điểm mới nữa, tổng giám đốc công ty mẹ sẽ do HĐQT bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng; không đồng ký nhận vốn và các nguồn lực khác của Nhà nước đầu tư vào công ty với HĐQT. Còn theo Luật DNNN, tổng giám đốc do thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập tổng công ty bổ nhiệm và cùng Chủ tịch HĐQT nhận vốn và các nguồn lực khác Nhà nước giao tổng công ty.

  • Hồng Phúc
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hải Phòng khánh thành cầu Kiền (29/09/2003)
Hạ thuỷ giàn khoan dầu khí hiện đại nhất do Việt Nam chế tạo (29/09/2003)
Đất mặt tiền đường 32 được đền bù 11 triệu đồng/m2 (29/09/2003)
Bán lá chuối vào thị trường Mỹ (28/09/2003)
Giá thuê văn phòng ở TP.HCM đứng thứ 5 châu Á (28/09/2003)
Quá lãng phí tài sản tịch thu! (28/09/2003)
Nhà đất mua bán chậm, giá tăng (28/09/2003)
Ngành may thiếu việc chờ hàng (27/09/2003)
Nông dân có thể kiện các công ty bán bò kém chất lượng (27/09/2003)
Thiếu nguyên liệu, nhà máy đường Quảng Bình phải di dời (27/09/2003)
Bộ Chính trị vận động dân mua trái phiếu chính phủ (27/09/2003)
Giá cao su sẽ còn tăng (27/09/2003)
Trao thưởng xuất khẩu cho 223 DN (27/09/2003)
Giá phân urê giảm 30.000 đồng/tấn (27/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang