(VietNamNet) - Hội chợ Thuỷ sản Hà Nội lần 2 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ từ ngày 1/1 đến 5/1/2004, quy tụ trên 40 DN với quy mô gần 100 gian hàng được ngành thuỷ sản đặt nhiều hy vọng cho một năm mới tiến sâu, tiến rộng vào thị trường trong nước.
|
Nhu cầu tiêu dùng thuỷ sản của người tiêu dùng trong nước ngày càng cao. |
Bài học về cân đối thị trường trong nước - xuất khẩu
Hiện nay 80% số DN chế biến thuỷ sản được đặt tại phía Nam, trong khi đó, nhu cầu về sản phẩm thuỷ sản ở phía Bắc lại rất cao. Hội chợ thuỷ sản lần này là cơ hội để các doanh nghiệp thăm dò, tìm kiếm và mở rộng thị trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Thuý, Giám đốc Hành chính Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Incomfish (TP.HCM) cho biết: ''Sản phẩm của chúng tôi đã xuất đi nhiều thị trường nước ngoài như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, một số nước châu Á. Tuy nhiên, thị trường nội địa mới chiếm phần nhỏ trong doanh số, đặc biệt đối với thị trường miền Bắc thì quả thật vẫn chưa có thị phần. Cho nên, lần đầu tiên DN chúng tôi ra Bắc, mục đích chính là tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân, tìm kiếm các kênh phân phối, các đại lý tiêu thụ. Năm 2004 này, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu thị trường nội địa đạt 10% trong doanh thu 2 triệu USD của công ty''.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam: ''Năm 2003, ngành thuỷ sản gặp nhiều khó khăn trên thị trường thế giới. Kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhu cầu tiêu dùng của người dân các nước đang thay đổi nhanh chóng, cộng với sự gia tăng mạnh mẽ sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tại các nước nhập khẩu, đã gây khó khăn cho thuỷ sản Việt Nam. Ngoài ra, những quy định, tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật tại các nước nhập khẩu ngày càng nhiều như mới đây là quy định khai báo các lô hàng vào Mỹ theo Đạo luật chống khủng bố sinh học của nước này. Vụ kiện cá tra, cá basa vào Mỹ với mức thuế cao vô lý áp đặt cho hàng Việt Nam và mới đây là vụ kiện tôm.
Dự kiến xuất khẩu thuỷ sản năm 2003 đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10%. Năm 2003 cũng đánh dấu sự đột khởi của thị trường nội địa. Nhu cầu tiêu dùng trong nước đang có những bước đột phá, trở thành thị trường tiêu dùng lớn, được các DN chế biến thuỷ sản đặt nhiều hy vọng. |
Còn bà Trần Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Phụ trách khu vực phía Bắc của Công ty TNHH Thái Bình An Giang (AGFISH) nói: ''Những bài học kinh nghiệm từ vụ kiện cá tra, cá basa trước đây hay vụ kiện tôm hiện nay đã cho DN chúng tôi một kinh nghiệm là phải cân đối giữa thị trường xuất khẩu với thị trường nội địa. Chúng tôi đã thiết lập một hệ thống phân phối, tại Hà Nội với 31 đại lý bán hàng. Chúng tôi đánh giá thị trường miền Bắc rất tiềm năng".
Ngoài ra, AGFISH cũng đặt những cửa hàng bán tại các chợ lớn để phục vụ người tiêu dùng. Hiện, thị trường phía Bắc đang chiếm khoảng 20-30% tổng doanh số bán của công ty và trong thời gian tới, AGFISH dự định đưa con số này lên cao hơn nữa.
Xuất 1 tấn dễ hơn bán 1kg trong nước!
Thị trường nội địa luôn đặt ra những thách thức lớn với các DN. Ông Dũng giải thích, DN thuỷ sản của chúng ta thường quen với kiểu bán theo lô hàng lớn, tính theo container, nay chuyển sang bán từng kilôgam nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn. Từ trước đến nay, các DN chế biến thuỷ sản chỉ đơn giản thực hiện các đơn hàng lớn với những yêu cầu chi tiết của nhà nhập khẩu mà không cần quan tâm đến khâu bán hàng thì nay, với thị trường nội địa, họ đã rất vất vả khi phải tiến hành từng bước thăm dò, xây dựng chiến lược, thiết lập kênh bán hàng...
Một trong những DN mới đây đã nhanh chóng xây dựng kênh phân phối tại miền Bắc là Công ty Thuỷ sản Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp). Công ty này vừa khai trương Tổng đại lý tại Kim Mã, Hà Nội với mục tiêu "Bắc tiến" sản phẩm cá basa . Bà Trương Thị Lê Khanh, Giám đốc công ty cho biết: ''Khi đưa hàng ra thị trường ngoài Bắc, chúng tôi đã rất chú ý đến sự khác biệt về khẩu vị của người tiêu dùng ở đây. Người miền bắc không thích dùng những sản phẩm có nhiều vị ngọt nên cần phải quan tâm đến điều này. Các sản phẩm ít vị ngọt như chả cốm, chả cá thì là, giò thủ basa, dưa bao tử basa, xúc xích basa, chả giò, nem nướng... bán rất chạy''.
Bà Nguyễn Thị Kim Thuý, Giám đốc Hành chính Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Incomfish thì khẳng định: ''Tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa là một việc khó, rất khó nhưng không thể không làm. Thị trường nội địa sẽ giúp sản phẩm và DN có chỗ đứng vững chắc hơn khi hướng ra xuất khẩu''.
|