Quy định mới về quản lý đầu tư xây dựng:
Kiên quyết cắt giảm các công trình không thiết thực
15:13' 02/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Người ký trình dự án phải chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu nêu trong hồ sơ dự án. Người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm khi ra quyết định đầu tư. Đó là nội dung của Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng,doThủ tướng Chính phủ ban hành.

 
Con số nợ đọng xây dựng cơ bản cả nước đến nay đã lên tới 11.000 tỷ đồng.

Kiên quyết cắt giảm dự án không phù hợp quy hoạch

Nhằm tạo chuyển biến mới trong đầu tư, xây dựng năm 2004, Thủ tướng yêu cầu các bộ và tỉnh khẩn trương phân bổ vốn đầu tư giao cho cơ sở thực hiện. Nguyên tắc là những dự án ghi vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2004 phải tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.

Trước khi phân bổ vốn, cần rà soát lại các dự án chuyển tiếp; kiên quyết cắt giảm hoặc rút bỏ các công trình, dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển được duyệt, các công trình, dự án không sát với yêu cầu thiết thực của ngành, địa phương và thị trường.

Thủ tướng chỉ thị chưa bố trí, giao vốn cho các dự án chuyển tiếp còn thiếu thủ tục về đầu tư và xây dựng theo quy hoạch, không xác định rõ hiệu quả. Đồng thời, không được triển khai đối với các dự án đã có quyết định đầu tư, nhưng vẫn chưa đầy đủ thủ tục về đầu tư và xây dựng hoặc không có khả năng cân đối vốn theo tiến độ được duyệt.

Các dự án khởi công mới phải phù hợp với quy hoạch phê duyệt; có quyết định đầu tư trước thời điểm 31/10 năm trước; có thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán được duyệt theo đúng Quy chế quản lý đầu tư xây dựng.

Riêng đối với các dự án nhóm A, nếu chưa có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được duyệt, nhưng cần thiết phải khởi công thì phải có thiết kế kỹ thuật và dự toán hạng mục khởi công được người có thẩm quyền phê duyệt và có hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp. Chậm nhất sau khi thực hiện được 30% tổng mức đầu tư, phải có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được người có thẩm quyền phê duyệt.

Phải trả nợ cũ

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, khi phân bổ dự toán vốn đầu tư năm 2004, phải dành một phần vốn được giao để thanh toán số nợ đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn ngân sách từ năm 2003 trở về trước đối với các dự án phù hợp quy hoạch và đầy đủ thủ tục.

Từ năm 2004, ngân sách trung ương không dành vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản vượt kế hoạch. Vốn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương phải bố trí đúng theo các mục tiêu hỗ trợ ghi trong kế hoạch. Các tỉnh được quyền điều chỉnh mức vốn giữa các nhiệm vụ trong mục tiêu được hỗ trợ, nhưng không được điều chuyển vốn của mục tiêu này cho mục tiêu khác.

Liên quan đến tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/1999/NĐ-CP theo hướng thu hẹp phạm vi cho vay đầu tư, chỉ hỗ trợ những chương trình, lĩnh vực, sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì không phát triển được.

Công khai dự án để dân giám sát

Từ năm 2004, cơ cấu đầu tư và các dự án đầu tư quan trọng hoặc vốn đầu tư lớn thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền địa phương phải được UBND trình HĐND thảo luận, quyết định và công bố công khai.

Chủ các chương trình, dự án đầu tư phải công bố công khai nội dung quyết định đầu tư, chương trình kế hoạch đầu tư (tên dự án, quy mô xây dựng, phạm vi chiếm đất, vốn đầu tư, nguồn vốn, chủ đầu tư, tiến độ thực hiện...) tại địa điểm thực hiện dự án và tại trụ sở HĐND, UBND địa phương nơi có dự án để nhân dân biết, tham gia giám sát, kiểm tra.

Từ năm 2004, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ việc thực hiện kế hoạch đầu tư ở các ngành, các địa phương, bảo đảm đầu tư tập trung theo mục tiêu kế hoạch.

  • Thanh Minh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
DN thuỷ sản khai phá thị trường nội địa (02/01/2004)
Ủy ban Tôm VN: "Lại thêm một vụ kiện tồi tệ" (02/01/2004)
Việt Nam có thể an tâm về bệnh bò điên (31/12/2003)
Thông xe đại lộ Nguyễn Văn Linh (30/12/2003)
Đà Nẵng với cơ hội từ Hành lang kinh tế Đông - Tây (29/12/2003)
Tôm Việt Nam chuẩn bị ''hầu kiện'' (29/12/2003)
Đến năm 2010 phát triển 550.000 - 600.000 ha cao su (29/12/2003)
Vietsovpetro khai thác trên 13 triệu tấn dầu (28/12/2003)
Thông xe cầu Tân An (27/12/2003)
DN khai thác cơ hội từ Tết Giáp Thân (26/12/2003)
DN được phép khai thác cảng biển có thể mở cảng biển (26/12/2003)
Thu 5.000 tỷ đồng/năm từ kinh tế VAC (26/12/2003)
Sẽ có dữ liệu để ĐBSCL phòng chống lụt bão (25/12/2003)
Xuất khẩu thủy sản sắp về đích (25/12/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang