(VietNamNet) - Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch Ủy ban Tôm thuộc VASEP vừa cho VietNamNet biết, ngày 3/1, Ủy ban Tôm VASEP đã quyết định chọn công ty luật Willkie Farr & Gallagher LLP của Mỹ làm đại diện pháp lý trong vụ kiện tôm.
Hãng luật này đang cùng Ủy ban Tôm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho phiên điều trần đầu tiên trước Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) vào 9h sáng (giờ Washington DC) ngày 21/1.
|
Người nuôi tôm Việt Nam có thể bị đe dọa đến sinh kế do vụ kiện tôm. |
Kết quả trên được đưa ra sau khi Ủy ban Tôm VASEP khẩn trương xem xét các bảng chào và thực hiện trực tiếp nhiều vòng đàm phán với 7 công ty luật Hoa Kỳ có bảng chào giá đầy đủ gửi đến Ủy ban trong hơn hai tháng qua. Công ty luật Willkie Farr & Gallagher Hoa Kỳ sẽ là đại diện chính thức bảo vệ cho các DN chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá tôm từ Liên minh Tôm Miền Nam (SSA) Hoa Kỳ.
Theo thông báo phát đi từ Ủy ban Tôm VASEP, đây là công ty mạnh về các vụ kiện thương mại liên qua đến chống bán phá giá tại thị trường Mỹ, từng tham gia tư vấn cho Bộ Thương mại Việt Nam trong vụ kiện cá tra, cá basa trước đây. Đồng thời, Willkie Farr & Gallagher cũng là công ty luật thường xuyên đối đầu với Công ty luật Dewey Ballantine đã được SSA thuê.
Đặt trụ sở chính tại New York, ngoài văn phòng ở Washington DC, Willkie Farr & Gallagher còn mở 6 văn phòng đại diện tại các nước Anh, Pháp, Italy, Đức và Bỉ.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu và phân phối Tôm tại Hoa Kỳ (ASDA) và Công ty luật Akin Gump đã được ASDA thuê chống kiện đánh giá cao khả năng của công ty luật Willkie Farr & Gallagher. ASDA cho đây là tình huống rất thuận lợi để Akin Gump cùng phối hợp với Willkie Farr & Gallagher đạt được hành động "mạnh mẽ nhất" chống lại có hiệu quả với công ty luật Dewey Ballantine (được SSA - bên nguyên đơn thuê trong vụ kiện).
Hiện nay, các quốc gia bị kiện khác cũng đang ráo riết chuẩn bị đối phó với cuộc đấu pháp lý này. Thái Lan đã thuê các chuyên gia vận động hành lang ở Washington DC để chứng minh rằng mình không hề trợ cấp cho tôm xuất khẩu. Trước đó, đích thân Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, ông Watana Muangsook, đã chủ động gặp gỡ Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Darry Johnson và yêu cầu ông này chuyển thông điệp khẳng định tới Washington rằng, Bangkok không hề trợ cấp dưới bất cứ hình thức nào cho việc nuôi trồng và xuất khẩu tôm, và họ sẽ theo vụ kiện đến cùng.
Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ thì kêu gọi hợp tác với các quốc gia xuất khẩu thủy sản tại châu Á là Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng chi tới 1,5 triệu USD để thuê một hãng luật danh tiếng khác ở Washington DC.
Trung Quốc là nước duy nhất hiện vẫn án binh bất động. Bộ Thương mại nước này đã từ chối trả lời tất cả các câu hỏi của báo chí liên quan đến vụ. Trang web chính thức của họ cũng như hãng tin Tân Hoa xã không đả động gì đến vụ kiện. Đây là một động thái khiến người ta nghĩ đến một số thương lượng bên trong, hay một kế hoạch hoạt động hành lang ở hậu trường của phía Trung Quốc.
Tin liên quan
Xuất khẩu tôm vào Nhật: Việt Nam sẽ thế chân Indonesia? Vụ kiện tôm: Chúng ta cố gắng, dù trọng tài thuộc về phía bên kia! Ủy ban Tôm VN: "Lại thêm một vụ kiện tồi tệ" Tôm Việt Nam chính thức bị kiện tại Mỹ Rắc rối thời điểm khởi kiện tôm Vụ kiện tôm có thể xảy ra vào 30/12/2003 Mỹ có thể khởi kiện bán phá tôm vào 15/12 DN chế biến tôm "học" luật chống bán phá giá Mỹ tiến dần đến vụ kiện bán phá giá tôm Thủ tướng Thái Lan sẽ thương lượng với Tổng thống Mỹ về tôm VASEP thành lập Ủy ban Tôm Tôm ''Tàu'' đi thuê thầy cãi Tôm Mỹ đã chọn được luật sư 10 quốc gia ASEAN hợp lực đối phó vụ kiện tôm "Vụ kiện tôm sú" có dấu hiệu thuận lợi hơn Quyên từng xu đi kiện 6,5 triệu USD cho hai vụ kiện tôm Cá tới hồi kết, tôm lại mở đầu cuộc đấu pháp lý mới?
|