(VietNamNet) - Nhận định trên của ông Nguyễn Phượng Vĩ, Cục trưởng Cục HTX và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), hoàn toàn xác đáng khi sự liên kết "bốn nhà" thời gian qua chưa thực sự có hiệu quả như mong muốn.
|
Nông dân Việt Nam còn hạn chế về trình độ học vấn. |
''Nhà nông'' chưa tôn trọng hợp đồng
Đối với ''nhà nông'', bộc lộ rõ nhất là sự hạn chế về trình độ học vấn. Chính điều này đã tạo nên tâm lý e ngại khi tiếp xúc với các ''nhà'' khác. Đa số nông dân Việt Nam vẫn chưa gạt bỏ được tư tưởng ham lợi trước mắt và không tính toán được chiến lược lâu dài. Do nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật nên họ rất dễ vi phạm hợp đồng trong quá trình liên kết. Trên thực tế đã xuất hiện một số trường hợp ''nhà nông'' giật nợ làm cho nhiều ''nhà DN'' thiếu tin tưởng trong quá trình đầu tư.
Phổ biến hơn là tình trạng nhiều hộ nông dân mặc dù ký hợp đồng nhận đầu tư ứng trước của DN, nhưng khi giá thị trường biến động, lại sẵn sàng bán nông sản cho tư thương hoặc DN khác với giá cao hơn. Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tấn Hưng đến nay vẫn bị các hộ nông dân nợ tới trên 4,3 tỷ đồng, Công ty Xuất nhập khẩu Ngũ cốc (Grainco) vẫn còn nợ đọng khoảng 7,5 tỷ đồng chưa thu hồi được.
''Nhà DN'' sợ rủi ro
Đối với DN, nhất là DN tư nhân, họ không chỉ thiếu sự quan tâm, hỗ trợ của các ''nhà'' khác mà còn phải chịu rủi ro cao khi ứng vốn cho nông dân. Khi gặp rủi ro do thiên tai hay các nguyên nhân bất khả kháng khác, nông dân không trả được nợ cho DN, các DN kéo dài thời gian nợ ngân hàng làm tăng lãi suất vốn vay, giá thành sản phẩm chế biến tăng, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động tài chính của DN. Do vậy, các DN khi ký hợp đồng còn ngần ngại đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nông - lâm - ngư nghiệp.
So với năm 2000, diện tích gieo trồng lúa giảm gần 180.000 ha nhưng sản lượng lúa lại tăng từ 32,5 triệu tấn (năm 2000 lên) 34,5 triệu tấn (năm 2003), vượt mục tiêu Đại hội IX của Đảng là 34 triệu tấn trước 3 năm.
Ước tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản năm 2003 đạt khoảng 3,24 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2002. Trong đó, gạo xuất gần 4 triệu tấn, hạt tiêu trên 73 nghìn tấn (đứng đầu thế giới)...
Tỷ trọng nông nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế giảm từ 24,5% năm 2000 xuống còn 22,2% năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo đói ở nông thôn giảm từ 19% năm 2000 xuống còn 12,5% năm 2003... |
Mặt khác, vẫn còn có DN không tôn trọng hợp đồng đã ký, không mua hết sản phẩm, không thực hiện đúng cam kết về giá mua, đề ra các tiêu chuẩn kỹ thuật quá nhiều làm cho nông dân khó hiểu, gây khó khăn cho họ trong việc giao sản phẩm và thanh toán. Một số DN khi mất thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc khi giá thị trường thấp hơn so với giá thoả thuận trong hợp đồng thì cũng đã tự ý phá vỡ hợp đồng hoặc ép cấp, ép giá, làm thiệt hại đến lợi ích của người nông dân.
''Nhà khoa học'' thiếu mạnh dạn
Tổ chức khoa học giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình liên kết. Họ chính là người giúp nông dân ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng giá bán và tăng sức cạnh tranh của hàng hoá. Tuy nhiên, cho đến nay, số đông các cơ quan khoa học vẫn lúng túng khi thực hiện liên kết ''bốn nhà''.
Vẫn còn thiếu vắng các cơ quan hay tổ chức nghiên cứu mạnh dạn, chủ động đưa định hướng liên kết thành một ưu tiên trong việc triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu. Ngay cả những hợp đồng được ký kết thông qua hoạt động liên kết thì quyền lợi vật chất của các cơ quan khoa học hay các nhà khoa học cũng chưa được xác định rõ ràng. Ông Vỹ cho biết, đã có không ít trường hợp các nhà khoa học đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm, làm lợi hàng chục tỷ đồng nhưng phần được hưởng của họ hầu như không đáng kể. Nhà nông và nhà khoa học còn có tâm lý coi công việc của nhà khoa học như một hoạt động cao cấp mà chưa có sự đền bù thoả đáng.
Đồng thời, cũng nảy sinh những trường hợp do thiếu quy chế chặt chẽ dẫn đến tình trạng lấy mảnh ruộng của người nông dân làm ruộng thí nghiệm của các nhà khoa học, hay nói cách khác là ''làm thí nghiệm trên lưng người nông dân''.
Nhà nước phải chủ đạo
Giữ vai trò quan trọng hơn cả trong liên kết ''4 nhà'' phải kể đến là Nhà nước. Cần phải thẳng thắn thừa nhận là Nhà nước vẫn chưa tạo ra được một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà DN và nhà nông.
Trong một số trường hợp, các bộ, ngành còn lúng túng, chưa có chế tài phù hợp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp hợp đồng thu mua giữa DN và người sản xuất. Đối với những trường hợp thiệt hại do các nguyên nhân bất khả kháng, Nhà nước cũng chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ thiệt hại cho các bên tham gia liên kết. Ngoài ra, một số lãnh đạo địa phương còn không biết hoặc không hiểu đầy đủ về chính sách liên kết ''4 nhà'' nên chưa có sự hỗ trợ một cách hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ: ''Ngành nông nghiệp năm 2004 xác định bốn nhiệm vụ lớn; trong đó có nhiệm vụ phải tăng cường liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà DN và Nhà nước) để có một nền sản xuất hàng hoá, đảm bảo nông sản làm ra phải tiêu thụ được. Nông dân ta rất cần cù sản xuất nhưng nhận thức về thương mại, thị trường, kênh tiêu thụ còn kém nên rất lúng túng trong việc tiêu thụ. Giới thiệu thị trường tiêu thụ cho bà con, tiến tới xây dựng thương phẩm như chè Mộc Châu, Thái Nguyên, Sữa Vinamilk..."
|
|