Khi bến cóc, xe đò trở thành cứu cánh
08:05' 14/01/2004 (GMT+7)

Một điểm bán vé xe đang giới thiệu lịch trìnhcho hành khách. 

(VietNamNet) - Trước tình trạng ngày càng quá tải ở các nhà ga, bến xe của TP.HCM, từ nhiều năm qua ở làng dệt Bảy Hiền đã hình thành nên một “bến xe cóc” với lưu lượng đưa đón cả ngàn hành khách trong những ngày cận Tết Nguyên đán.

 

Đi xe đò - bỏ nỗi ám ảnh chầu chực, chen lấn...

 

Năm nay cũng vậy, trước Tết Giáp Thân cả tháng, một số hàng quán, tiệm hớt tóc, nhà riêng… ở khu vực này đã bắt đầu bung ra chào mời khách đăng ký mua vé xe đò về quê ăn Tết (chủ yếu là khách tuyến miền Trung từ Quảng Bình trở vào Phú Yên, trong đó đông nhất là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi).

 

Dọc các tuyến đường Bàu Cát, Phạm Phú Thứ, Phan Sào Nam, Đồng Đen… (thuộc các phường 10, 11 và 12 - quận Tân Bình), có ít nhất 50 điểm của các hộ cá thể hoặc dịch vụ du lịch tư nhân trưng biển “Bán vé xe về miền Trung”. Cũng đơn giản thôi, chỉ cần một chiếc bàn nhỏ đặt trước hiên nhà, một tấm bảng mi-ca và một người chào mời là đã hình thành được một nơi giao dịch, bán vé hoặc thu tiền đặt cọc. 

 

Không có cảnh chen lấn, chầu chực hay bị bọn “cò” mồi chài, chèo kéo như ở ga xe lửa Sài Gòn, mà việc mua bán vé xe đò ở đây khá thoải mái, mọi nhu cầu của khách đều có thể linh động giải quyết. Thử ghé vào điểm bán vé có cái tên khá “kêu”: “Đất Quảng”  (số 143 Phạm Phú Thứ, phường 11) để hỏi mua vé ra Huế, chúng tôi được nhân viên giao dịch ở đây giới thiệu lịch trình, giá cả và tiếp thị cả hình ảnh chiếc xe 45 chỗ ngồi, số ghế mà chúng tôi dự tính mua. Giá cả đã được ghi sẵn rất linh hoạt. Tuỳ ngày về, tuỳ số ghế mà tính tiền: về sớm rẻ hơn cận tết vài chục ngàn đồng/người hoặc ghế đầu giá đắt hơn ghế chót khoảng 20.000 đồng/ghế. Tại đây, một người khách tên Hà đang cầm trên tay hai chiếc vé (về Châu Ổ - Quảng Ngãi) vừa được xé ra khỏi cùi, vui vẻ cho chúng tôi biết: “Năm nào tôi cũng mua vé ở đây, riết rồi quen. Giá có nhỉnh hơn ở bến xe một chút (khoảng 10.000 đồng/vé), nhưng rất tiện lợi vì không phải tay xách nách mang ra tận bến xe, rồi thủ tục mua vé, việc chọn ghế ngồi cũng nhanh chóng, lẹ làng”.

 

Các dịch vụ xe ở “bến” này cho hay là sẵn sàng giao vé tận nhà. Khách chỉ cần nhấc điện thoại “alô” hoặc chạy ra đầu hẻm là có thể xong thủ tục cần thiết để về quê. Nếu tập trung bạn bè đi cùng một nhóm trên 5 người thì được xe đưa đón tận nhà. Cũng có thể đặt trước vé khứ hồi, nếu từ mùng 6 Tết, khách lại muốn trở vào TP.HCM tiếp tục cuộc mưu sinh... Chị Liên - nhân viên tại điểm bán vé Nhật Linh (231 Bàu Cát, phường10) cho biết: “Năm nào xe chúng tôi cũng có một chuyến về Đà Nẵng vào ngày mùng một Tết, nhằm phục vụ cho dân lao động, buôn bán… không thể về quê ăn Tết trước đêm giao thừa. Hơn nữa, đó cũng là chuyến cho gia đình tôi về thăm quê luôn”.

 

Tồn tại cả chục năm

 

Tranh thủ cơ hội làm ăn cuối năm này, không chỉ có các dịch vụ du lịch hay các hộ cá thể mà một số sinh viên cũng vào cuộc. Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Tuấn Minh - cựu sinh viên ĐH Bách Khoa đã tâm sự : “Khi còn là sinh viên năm 2, tôi đã cùng một nhóm bạn liên kết với các hãng xe du lịch, mở “đại lý vé lưu động”, tức giao vé tận nhà. Đến nay, cái thương hiệu “Đất Quảng” do chúng tôi lập ra đã trở nên quen thuộc với khách hàng. Nhờ vậy, mỗi điểm của Đất Quảng có thể bán gần cả trăm vé/ngày. Mới đó mà đã 5 - 6 năm trong nghề rồi…”  Anh Minh còn “bật mí” thêm: “Là người miền Trung nên chúng tôi rất hiểu nhu cầu đi lại của bà con… và đã đặt ra phương châm hàng đầu là uy tín, trách nhiệm, giá cả phải chăng. Thủ thuật để “đối phó” khi bị Cảnh sát Giao thông thổi còi dọc đường là thường treo băng rôn đỏ với dòng chữ “Sinh viên trường ĐH… về quê ăn Tết” nhằm hạn chế bị phạt. Sinh viên mà, dễ được thông cảm cho qua lắm!”.

 

Có thể thấy trong thời buổi kinh tế thị trường, sự nhạy bén, năng động của thành phần kinh tế tư nhân đã góp phần mang lại những tiện ích cho khách hàng. Việc hình thành và tồn tại cả chục năm nay của “bến xe cóc” này đã chứng minh rằng, ở một thời điểm nào đấy, "bến cóc", xe đò lại trở thành "cứu cánh" cho hành khách, khi phương tiện giao thông trong luồng bị quá tải; đặc biệt là vào những dịp lễ Tết.

 

Nguyễn Sa

Theo Sở Giao thông Công chánh TP.HCM, trong dịp Tết thường có khoảng 500.000 người từ TP.HCM về quê bằng xe ô tô, trong khi các bến xe chỉ có thể đảm trách được 1/2 lượng khách. Do lượng cung - cầu rất chênh lệch này nên trong nhiều năm qua, cảnh hành khách chen lấn, quá tải, cò kéo… tại các bến xe luôn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân nhập cư muốn trở về quê ăn Tết sau một năm lao động vất vả. 

Đến thời điểm này, vé tàu xe đã bước vào đợt cao điểm nhất trong năm. Hiện ga Sài Gòn đã hết sạch vé, nhưng vé "chợ đen" bên ngoài thì: "nếu cần vẫn có" - theo lời của những "cò" vé. Một vé chợ đen tuyến tàu Sài Gòn - Hà Nội được các tay cò "hét" 1.800.000 đồng - 2 triệu đồng, đắt hơn vé máy bay vài trăm ngàn đồng (đi máy bay 1.500.000 đồng/vé) nhưng hành khách vẫn phải “bấm bụng” gật đầu.

 

 

 

 

 

 

 

 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
“Chống vòng ngoài, giữ vòng trong” (10/01/2004)
Khởi động khu công nghiệp dệt may thứ ba (09/01/2004)
Thiêu hủy gần 3 tấn gà chết (09/01/2004)
Thu thuế hàng nhập khẩu chưa cao do biến động giá xăng dầu. (09/01/2004)
Đàn gà TP.HCM vẫn an toàn (08/01/2004)
Mở rộng các khu công nghiệp về phía Long An, Đồng Nai (07/01/2004)
''Bốn nhà" trong nông nghiệp vẫn thiếu liên kết (06/01/2004)
Việt Nam đã chọn được luật sư cho vụ kiện tôm (05/01/2004)
Việt Nam sẽ thế chân Indonesia ? (05/01/2004)
Hai năm yếu kém, lãnh đạo DN sẽ bị "sắp xếp" lại (03/01/2004)
Liệu có trở thành dự án "treo" ? (03/01/2004)
Kiên quyết cắt giảm các công trình không thiết thực (02/01/2004)
DN thuỷ sản khai phá thị trường nội địa (02/01/2004)
Ủy ban Tôm VN: "Lại thêm một vụ kiện tồi tệ" (02/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang