Gần 37.000 tỷ đồng cho dự án Thuỷ điện Sơn La
20:41' 15/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hôm qua (15/1), Thủ tướng Phan Văn Khải vừa ký quyết định phê duyệt Dự án Thuỷ điện Sơn La với tổng mức đầu tư là 36.933 tỷ đồng. Công trình sẽ chính thức được khởi công vào cuối năm 2005.

Lòng hồ Pa Vinh, nơi sẽ xây dựng Công trình thuỷ điện Sơn La.

Trên 346 tỷ đồng chi phí giảm thiểu tác động môi trường

Trong tổng số gần 37.000 tỷ đồng đầu tư cho dự án, gần 10.300 tỷ đồng được dành để đền bù di dân tái định cư, hơn 1.000 tỷ đồng chi phí xây dựng đường tránh ngập và đặc biệt Chính phủ cũng quyết định trích ra trên 346 tỷ đồng cho việc giảm thiểu tác động môi trường. Giai đoạn 2004 - 2005 sẽ là thời gian chuẩn bị xây dựng, tổ máy thứ nhất sẽ được phát điện vào năm 2012. Công trình dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đảm nhận xây dựng công trình gồm các hạng mục: công trình đầu mối (đập chính, đập tràn tại tuyến Pa Vinh II, kết cấu bê tông trọng lực), tuyến năng lượng (cửa lấy nước, đường dẫn nước áp lực, nhà máy thuỷ điện sau đập với 6-8 tổ máy, trạm biến áp, trạm phân phối điện ngoài trời), đường dây tải điện 220-500 kV đấu nối nhà máy với hệ thống điện quốc gia), nhà quản lý vận hành, nhà ở của cán bộ, công nhân viên vận hành nhà máy.

Đồng thời, Dự án tái định canh định cư (theo địa bàn quản lý) do 3 Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên làm chủ đầu tư. Các công trình giao thông tránh ngập do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.

Sẽ sản xuất trên 9,4 tỷ kWh điện hàng năm

Với khả năng sản xuất trên 9,4 tỷ kWh điện hàng năm, Thuỷ điện Sơn La được đặt hy vọng sẽ góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong những năm tới của nước ta. Theo dự báo của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), lượng điện yêu cầu của năm 2010-2015 có thể lên đến từ 10.680 MW và 64,55 tỷ kWh tới 15.803 MW và 96,90 tỷ kWh, trong đó riêng Thủy Điện chiếm 50%. Do đó tới năm 2015, nếu không có thủy điện Sơn La, hàng năm chúng ta sẽ phải nhập thêm 8 triệu tấn than và 4 tỷ m3 khí để hợp cùng các nguồn năng lượng có sẵn trong nước sản xuất điện cung ứng cho nhu cầu cả nước.

Mặt khác, với dung tích chống lũ cho hạ du trên 7 tỷ m3 (kể cả hồ Hoà Bình), Thuỷ điện Sơn La sẽ góp phần đáp ứng nhiệm vụ chống lũ và cấp nước cho hạ du, bao gồm đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình trong đó có thủ đô Hà Nội. Ngược lại, các hồ chứa nước sẽ cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc Bộ.

Việc xây dựng thuỷ điện cũng là "cơ hội ngàn vàng" để Sơn La - một tỉnh khó khăn đặc biệt - quy hoạch lại cơ cấu kinh tế, sắp xếp lại dân cư, đầu tư nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng thời, khi hệ thống giao thông vận tải được cải thiện để xây dựng thủy điện, trở ngại lớn nhất đối với việc tiếp cận thị trường Sơn La sẽ được dỡ bỏ.

Và... luyến tiếc một vùng văn hoá

Công trình chính của thuỷ điện Sơn La được xây dựng trên địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Hồ chứa nước thuộc một số xã, huyện trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.

Khi Thuỷ điện Sơn La đi vào hoạt động, cả một vùng rộng lớn dọc thượng nguồn sông Đà, từ Pa Vinh (Quỳnh Nhai-Sơn La) lên tận Mường Lay-Nậm La (Lai Châu) sẽ chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện. Làm thế nào để những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Thái, Kháng, La Ha, Khơ Mú, Kinh... không bị xoá nhoà? Đây là vùng dân định cư đã lâu đời, có truyền thống canh tác lúa nước khá sớm và có một nền văn hóa rất phong phú, đặc sắc.

Đấy là chưa kể đến những di tích nổi tiếng như khu dinh thự của ''Vua Thái'' Đèo Văn Long ở ngã ba sông Nậm Na và sông Đà, nhà tù Lai Châu do thực dân Pháp xây dựng đầu thế kỷ 20 để giam giữ các chiến sỹ cách mạng. Và những đêm xoè uốn lượn bên đống lửa những đêm hội hè của trai gái Thái trắng, Thái đen liệu có còn cùng với những gấp gáp, lo toan, thích nghi của quá trình định cư nơi vùng đất mới?

Xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La là việc có thể làm trong 10 năm, nhưng những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể là kết tinh tâm hồn, trí tuệ nhân dân hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Sơn La rất cần có một chương trình triển khai toàn diện các hoạt động khảo sát, khai quật, di dời, phục chế... những di sản văn hóa vật thể. Đồng thời tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, phân loại và lưu giữ bằng các hình thức dân gian và hiện đại những di sản văn hóa phi vật thể của vùng lòng hồ để phục vụ công tác nghiên cứu, phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa đó trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa mới.

  • Phương Thanh

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Động thổ khởi công xây cầu Tân Thuận 2 (15/01/2004)
Chính phủ xuất ngân sách chống dịch cúm gà (14/01/2004)
Khi bến cóc, xe đò trở thành cứu cánh (14/01/2004)
“Chống vòng ngoài, giữ vòng trong” (10/01/2004)
Khởi động khu công nghiệp dệt may thứ ba (09/01/2004)
Thiêu hủy gần 3 tấn gà chết (09/01/2004)
Thu thuế hàng nhập khẩu chưa cao do biến động giá xăng dầu. (09/01/2004)
Đàn gà TP.HCM vẫn an toàn (08/01/2004)
Mở rộng các khu công nghiệp về phía Long An, Đồng Nai (07/01/2004)
''Bốn nhà" trong nông nghiệp vẫn thiếu liên kết (06/01/2004)
Việt Nam đã chọn được luật sư cho vụ kiện tôm (05/01/2004)
Việt Nam sẽ thế chân Indonesia ? (05/01/2004)
Hai năm yếu kém, lãnh đạo DN sẽ bị "sắp xếp" lại (03/01/2004)
Liệu có trở thành dự án "treo" ? (03/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang