TPHCM:
Sẽ đề bạt Việt kiều giữ chức vụ tương xứng khả năng
14:06' 16/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đó là một trong những nội dung mà ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu trước 50 Việt kiều trí thức, trong buổi gặp mặt nhân dịp xuân Giáp Thân tại UBMTTQ TP.HCM (vào tối ngày 14/01). Tại buổi họp mặt, nhiều Việt kiều đã bày tỏ mong muốn được đầu tư hơn nữa về chất xám và vốn đầu tư cho phát triển kinh tế đất nước

 Dòng chất xám, vốn đầu tư Việt kiều ngày càng nhiều

 

Việt kiều về quê ăn Tết ngày càng nhiều.

Số Việt kiều có mặt đại diện cho các nhà tri thức, doanh nghiệp hiện công tác, làm việc tại TP.HCM trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, XNK, tư vấn,  hóa nhựa, quảng cáo, địa ốc, một số là giảng viên đại học... thuộc nhiều quốc tịch như Đức, Canada, Úc, Pháp, Mỹ.

 

Phát biểu trước lãnh đạo TP, một số Việt kiều cho rằng, họ còn có những khó khăn trong việc gia hạn visa, thủ tục nhập hộ khẩu, cấp bằng lái xe, mua phương tiện đi lại, mua nhà ở Việt Nam… Tuy nhiên, theo ông Đỗ Đăng Vọng (Việt kiều Đức) thì thủ tục, giấy tờ tạo điều kiện cho Việt kiều thời gian qua đã cởi mở hơn trước nhiều; như trường hợp của ông, không chỉ được cấp hộ chiếu Việt Nam (về không phải xin visa) mà cùng với dự án đầu tư, ông còn  được giải quyết mua nhà tại TP.HCM. Ông Vọng nói: “Tôi đã cảm thấy mình được hưởng chung quyền lợi với người dân TP này”.

 

Theo đánh giá của nhiều Việt kiều, dòng chất xám, vốn đầu tư về quê hương ngày càng nhiều hơn, nhất là tại TP.HCM, nơi có nhiều cơ hội đầu tư làm ăn tốt, môi trường thuận lợi để thể hiện tài năng. Nhưng, điều mà không ít Việt kiều băn khoăn là trong khi Nhà nước có chế độ bồi dưỡng đãi ngộ cho chuyên gia nước ngoài, thì với chuyên gia là Việt kiều vẫn chưa có được những ưu đãi thỏa đáng. Ví dụ, trường hợp Giáo sư Phước - Việt kiều Singapore hiện đang giảng dạy tại trường ĐH Bách Khoa TP.HCM chỉ được hưởng mức lương tương đương 1% so với mức lương tại Singapore. Tế nhị hơn, thực tế hơn là việc Việt kiều dù có chuyên môn giỏi cũng chỉ được xếp hạng như một chuyên gia, tư vấn không có thực quyền. Đại diện Việt kiều đã mạnh dạn kiến nghị, xem xét mời Việt kiều giữ các chức vụ như giám đốc, tổng giám đốc các trung tâm, doanh nghiệp …để phát huy hết chất xám, khả năng điều hành của Việt kiều.

 

Sẽ có chính sách  thu hút giới trí thức Việt kiều  

 

Cũng tại buổi gặp, ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM đã giải đáp các thắc mắc của Việt kiều. Ông Ẩn nói: “Trước tình trạng thiếu nhịp nhàng trong thực thi các chính sách, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM đã có dự thảo trình UBND TP ban hành công văn yêu cầu chính quyền các quận - huyện, phường - xã thực hiện đúng chính sách, chế độ cho Việt kiều”. Ông còn cho biết, nhân dịp xuân Giáp Thân sắp tới, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu chính quyền địa phương phải chăm lo cho Kiều bào ăn Tết. “Đây là điểm rất mới, chứng tỏ sự khẳng định của Chính phủ và nhân dân Việt Nam: Việt kiều luôn là một phần không thể tách rời khỏi cộng đồng dân tộc Việt” - ông Ẩn nói.

 

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải kết thúc buổi gặp bằng những lời chúc năm mới đối với giới trí thức Việt kiều, ghi nhận những đóng góp, tâm huyết của họ trong việc xây dựng TP, xây dựng đất nước. Chủ tịch thông báo, đẩu năm 2004, TP.HCM sẽ ban hành chính sách quan trọng về thu hút nhân tài, trong đó dành riêng một phần nói về thu hút giới trí thức Việt kiều (đã được Chính phủ cho phép). Trước mắt, TP sẽ chọn một số ngành nghề trọng điểm để “chiêu dụ” nhân tài vào làm việc, cụ thể là đầu tư vào Khu công nghệ cao TP… Số ngành nghề này sẽ được tạo điều kiện về mọi mặt vật chất, thù lao thỏa đáng. Trong quá trình này, TP sẽ giải quyết ở mức độ nào đó việc cất nhắc, đề cử Việt kiều giữ những chức vụ tương xứng với khả năng cống hiến của họ. Điều này cũng phù hợp với vấn đề được giới trí thức Việt kiều nêu ra trong buổi gặp này. 

  • Hoài Nguyễn
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Gần 37.000 tỷ đồng cho dự án Thuỷ điện Sơn La (15/01/2004)
Động thổ khởi công xây cầu Tân Thuận 2 (15/01/2004)
Chính phủ xuất ngân sách chống dịch cúm gà (14/01/2004)
Khi bến cóc, xe đò trở thành cứu cánh (14/01/2004)
“Chống vòng ngoài, giữ vòng trong” (10/01/2004)
Khởi động khu công nghiệp dệt may thứ ba (09/01/2004)
Thiêu hủy gần 3 tấn gà chết (09/01/2004)
Thu thuế hàng nhập khẩu chưa cao do biến động giá xăng dầu. (09/01/2004)
Đàn gà TP.HCM vẫn an toàn (08/01/2004)
Mở rộng các khu công nghiệp về phía Long An, Đồng Nai (07/01/2004)
''Bốn nhà" trong nông nghiệp vẫn thiếu liên kết (06/01/2004)
Việt Nam đã chọn được luật sư cho vụ kiện tôm (05/01/2004)
Việt Nam sẽ thế chân Indonesia ? (05/01/2004)
Hai năm yếu kém, lãnh đạo DN sẽ bị "sắp xếp" lại (03/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang