Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Hoàng Văn Tân:
''Giảm bớt đầu mối để nâng cao hiệu quả đăng ký nhãn hiệu''
13:45' 09/02/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sau một thời gian ngừng trệ, bắt đầu từ tháng 2/2004, khi Nghị định số 28/2004 (ban hành ngày 16/1/2004) về việc sửa đổi bổ sung Nghị định số 54/2003 (ngày 19/5/2003, có hiệu lực từ 22/6/2003), có hiệu lực thi hành, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tiếp tục được thực hiện và tiếp tục do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ - thực hiện, thay vì trước kia đã có phương án chuyển giao việc quản lý đăng ký nhãn hiệu hàng hoá sang Bộ Thương mại.

- Cuối cùng thì Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận lại nhiệm vụ quản lý nhà nước về đăng ký nhãn hiệu hàng hoá. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

- Theo chúng tôi, việc ban hành NĐ 28 là một quyết định kịp thời của Chính phủ, phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với xu hướng giảm bớt đầu mối hành chính hiện nay ở tất cả các nước nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Đặc biệt, với việc sửa đổi lại NĐ 54/2003, việc đăng ký và xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với nhãn hiệu hàng hoá (NHHH) không bị tách ra khỏi các đối tượng sở hữu công nghiệp truyền thống như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi xuất xứ hàng hoá... là một điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế, đáp ứng được đòi hỏi khách quan mỗi quốc gia có một đầu mối về sở hữu trí tuệ (SHTT), dễ dàng trong trao đổi với quốc tế. Đối với các doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đi xác lập quyền, bây giờ doanh nghiệp chỉ cần đến hai đầu mối (là Cục SHTT và Cục bản quyền tác giả) để thực hiện việc bảo hộ SHTT thay vì phải đến ba đầu mối như quy định tại NĐ 54/2003. Hơn nữa, trong thực tế, nhiều trường hợp, doanh nghịêp, tổ chức đăng ký bảo hộ không chỉ một đối tượng mà có thể xác lập quyền một lúc cho nhiều đối tượng, chẳng hạn sáng chế gắn với NHHH... do đó sẽ tiết kiệm thời gian đi lại của doanh nghiệp. Về mặt quản lý nhà nước, nếu tách ra, việc quản lý sẽ khó khăn hơn, thiếu tập trung hơn. Không tách riêng việc quản lý đăng ký NHHH cũng tránh được lãng phí, tận dụng được dây chuyền, bộ máy xử lý đơn, xét nghiệm đơn, xác lập quyền của Cục SHTT, không phải thành lập bộ máy mới, hệ thống máy móc, cán bộ chuyên môn mới.

- Thưa ông, NĐ số 28/2004 cũng đã sửa đổi lại khoản 6 điều 2 của NĐ 54/2003, theo đó, chức năng nhiệm vụ quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về sở hữu trí tuệ là không bao gồm quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật. Như vậy, với quy định hiện hành, việc cấp bản quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học và các tác phẩm khác trừ văn học nghệ thuật, đã được xác định là do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý?

- Đúng. Trước nay, việc thực hiện bảo hộ bản quyền tác giả (BQTG) đối với tất cả các tác phẩm viết được giao cho Bộ Văn hoá thông tin quản lý. Nay, với tinh thần và lời văn, câu chữ của NĐ số 54/2003 và NĐ số 28/2004 thì Bộ Văn hoá thông tin chỉ còn thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ BQTG đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, còn lại được chuyển giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, sẽ có những khó khăn trong việc tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ mới tách ra từ Cục BQTG chuyển sang. Bởi lẽ nguyên tắc bảo hộ BQTG khác với bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN) ở chỗ, ví dụ, để bảo hộ sáng chế (một đối tượng của SHCN), tác giả phải yêu cầu cơ quan nhà nước xác lập quyền tức là cấp văn bằng bảo hộ (VBBH), cơ quan cấp VBBH phải xét nghiệm, đánh giá, kết luận sáng chế đáp ứng các tiêu chuẩn. Còn đối với các tác phẩm nói chung, nguyên tắc là khi tác phẩm được sáng tạo ra là được bảo hộ, việc đăng ký bảo hộ chỉ có tác dụng làm bằng chứng rõ ràng hơn khi chứng minh ai là người tạo ra tác phẩm, ai tạo ra trước... Việc bảo hộ BQTG không căn cứ vào nội dung tốt xấu của tác phẩm, mà chỉ căn cứ vào sự thể hiện. Nói đúng hơn là không yêu cầu phải đọc tác phẩm nào đó trước khi cấp VBBH để xem nó hay hay dở. Nhưng nếu tách việc quản lý cấp BQTG đối với các tác phẩm trừ văn học nghệ thuật để giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ, còn tác phẩm văn học nghệ thuật giao Bộ Văn hoá thông tin quản lý như quy định hiện hành tại các NĐ số 54/2003 và 28/2004 thì rõ ràng là có thể xảy ra việc cả hai cơ quan này cần phải đọc nội dung các tác phẩm yêu cầu bảo hộ để phân định đây là tác phẩm văn học, nghệ thuật hay không văn học, nghệ thuật. Việc chia tách này sẽ gây khó khăn, có những trường hợp cả cơ quan quản lý nhà nước, cả tác giả không phân biệt được đó là tác phẩm văn học nghệ thuật hay không trong khi đó trên thực tế việc phân định cũng không cần thiết, bởi lẽ, như tôi đã nói ở trên, nguyên tắc bảo hộ BQTG cho các tác phẩm là không căn cứ vào nội dung, chất lượng như quy định tại khoản 3, Điều 747 Bộ luật dân sự.

- Thưa ông, với tình trạng như ông vừa nói, có thể sẽ xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi phân định, tiếp nhận cấp BQTG cho các tác phẩm nếu các chuyên viên của cả hai cơ quan lúng túng trong việc phân định một tác phẩm là văn học, nghệ thuật hay không?

- Ban đầu có thể xảy ra tình trạng đó. Tất nhiên là hai cơ quan sẽ phải phối hợp tích cực để làm sao thuận lợi nhất cho người nộp đơn, tránh xảy ra tình trạng đó.

- Vậy nếu cả hai cơ quan đều từ chối thì sao?

- Theo tôi, hiện tại thời điểm này chưa biết là có trường hợp đó hay không nhưng dự đoán sẽ có tác phẩm mà đọc hết cả nội dung song vẫn chưa biết được nó có là tác phẩm văn học, nghệ thuật hay không. Điều đáng nói hơn như tôi đã nói ở trên, sự phân định đó hoàn toàn không cần thiết. Theo chúng tôi, phương án phân công nhiệm vụ như hiện nay có lẽ là phương án chuyển tiếp. Theo thông lệ quốc tế, bản thân trong lĩnh vực SHTT đã bao gồm cả BQTG (trong đó gồm cả quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật) và SHCN. Khi NĐ 54/2003 được ban hành và công bố trên công báo, Cục SHTT đã phải trả lời một số thắc mắc của một số tổ chức, cơ quan quốc tế. Cụ thể, họ hỏi rằng, khi quy định “Về sở hữu trí tuệ (không bao gồm quyền tác giả về văn học, nghệ thuật...” (Điều 2, Khoản 6, NĐ 54/2003) thì cách hiểu của Việt Nam về SHTT có khác với cách hiểu chung của các nước khác không. Chúng tôi phải giải thích rằng, đây không phải là định nghĩa về SHTT mà chỉ là quy định về sự phân công trong quản lý. Do vậy, về lâu dài, tốt nhất là không nên có sự phân chia về quản lý BQTG mà chỉ nên có một cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, bao gồm cả SHCN và BQTG.

- Thưa ông, trong NĐ số 28/2004, Chính phủ đã bổ sung thêm điểm “d” vào khoản 6 Điều 2 của NĐ, bổ sung chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ là “chủ trì tổ chức giải quyết các tranh chấp về SHCN và tranh chấp thương mại liên quan đến SHCN theo quy định của pháp luật”. Với quy định này, cũng đồng nghĩa với việc Bộ Khoa học và Công nghệ “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi vừa cấp văn bằng bảo hộ SHCN vừa chủ trì giải quyết tranh chấp về SHCN?

- Quan điểm của chúng tôi cũng cho rằng, lẽ ra nên tách chức năng quản lý, xác lập quyền giao cho một cơ quan, còn việc xử lý tranh chấp giao cho một cơ quan khác, không nên tập trung hai việc này vào một cơ quan. Trong thực tế, hai công việc này không giống như vừa đá bóng, vừa thổi còi, nhưng nó làm cho nhiều người hiểu lầm đó là vừa đá bóng vừa thổi còi.

- Tại một số hội thảo về SHCN thời gian qua cũng đã nói tới việc đối với những tranh chấp về SHCN nói riêng, SHTT nói chung nên để toà án giải quyết, ý kiến của Cục SHTT về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Đúng vậy. Chúng tôi cho rằng đó là mô hình hoàn hảo nhất. Quan điểm của chúng tôi là cố gắng tối đa trong việc giảm bớt các công việc giải quyết tranh chấp, xét xử của cơ quan hành chính, để tập trung vào quản lý nhà nước. Về lâu dài, tốt nhất không nên hành chính hoá các quan hệ dân sự. Nên tạo điều kiện để hai bên có tranh chấp, khiếu nại đưa sự việc ra giải quyết tại toà án và tiến tới bình thường hoá việc đưa các tranh chấp ra toà giải quyết, tránh mặc cảm ra toà là có tội.

Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, riêng số lượng đơn quốc gia (không kể đơn quốc tế) đăng ký nhãn hiệu hàng hoá trong năm 2003 tăng 37% so với năm 2002, lên tới 12.097 đơn so với 8.818 đơn của năm 2002.

Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, trong năm 2004, Cục đang cố gắng triển khai thực hiện quy trình cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá trong vòng 9 tháng thay vì 12 tháng như quy định hiện hành. ở Mỹ, thời gian cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá trung bình là 18,9 tháng.
  • Xuân Anh (thực hiện)
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hầu hết qua trung gian nước thứ ba (05/02/2004)
80% du khách nước ngoài hủy bỏ tour trong tháng 2 (05/02/2004)
Phát triển dự án công nghệ thông tin 2004 (30/01/2004)
Sẽ xây dựng cầu cảng du lịch đầu tiên tại Q.7 (30/01/2004)
Giám sát chặt việc nuôi tôm thẻ chân trắng (28/01/2004)
TP.HCM hỗ trợ lãi suất 6 tỷ đồng đổi mới công nghệ (28/01/2004)
Phiên điều trần vụ kiện tôm diễn biến thuận lợi (27/01/2004)
Trăn trở lối đi cho trà (27/01/2004)
Năm 2004, dự kiến thu hút 3,3 tỷ USD vốn FDI (26/01/2004)
''20 năm tới, VN sẽ đứng Top 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới'' (22/01/2004)
Giao thừa Giáp Thân: Điều trần tại Washington D.C. (21/01/2004)
Liên doanh Hồng Thái - S.I.T “xông đất” Nghệ An (17/01/2004)
Con tôm Việt Nam chuẩn bị điều trần tại Mỹ (17/01/2004)
Sẽ đề bạt Việt kiều giữ chức vụ tương xứng khả năng (16/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang