221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
215539
Xóa rào cản cho nhà đầu tư khởi nghiệp: bao giờ?
1
Article
null
Xóa rào cản cho nhà đầu tư khởi nghiệp: bao giờ?
,

(VietNamNet) - Mất thời gian, tốn kém chi phí và thủ tục phiền hà là than phiền bấy lâu  của các DN khi gia nhập thị trường. Theo ông Vũ Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội, những rào cản này không khó tháo dỡ, nếu được các cơ quan quản lý chức năng đồng thuận vì sự phát triển của DN

Thủ tục cấp mã số thuế và mua hóa đơn đang là rào cản lớn đối với các DN mới thành lập.

Thủ tục cấp mã số thuế và mua hóa đơn: quá chậm!

Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới (công bố tháng 10/2003), thời gian để hoàn tất thủ tục pháp lý kinh doanh ở Việt Nam mất 63 ngày với mức phí tổn bằng 29,9% mức thu nhập bình quân GDP đầu  người. Trong số 9 nước được khảo sát (Đan Mạch, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Tân Ghine và Việt Nam), Việt Nam có ''thứ hạng'' khá cao, xếp thứ 7 về thời gian và thứ 9 về chi phí cao.

Cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Công thương TP Hà Nội cho thấy 69,99% DN được hỏi trả lời phải mất 2 tháng để hoàn tất thủ tục khai sinh một DN. Trong đó, 70,17% DN cho rằng chậm như vậy là ở tất cả các khâu (nhưng chậm nhất ở thủ tục cấp mã số thuế), và 72,7% DN cho rằng chậm do thủ tục mua hóa đơn. Nếu cộng số ngày ghi trên các các phiếu hẹn ''cấp phép khắc dấu'', ''cấp mã số thuế''... với số ngày mua hóa đơn quy định tại Thông tư 120/2002/TT-BTC thì thời gian để hoàn thành thủ tục pháp lý phải mất 49 - 62 ngày (chưa kể các ngày nghỉ và... lỡ hẹn). Đã vậy, lại phải theo trình tự xong khâu này mới đến khâu khác: Có con dấu mới được kê khai xin mã số thuế, có mã số thuế mới được làm thủ tục mua bán hoá đơn...

Rút ngắn thời gian gia nhập thị trường: không khó!

Ông Vũ Duy Thái cho rằng: ''Để xóa bỏ những thủ tục rườm rà, không cần thiết, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư theo tinh thần Luật DN, Nhà nước nên nghiên cứu ban hành quy định mỗi DN chỉ có một mã số thuế. Mã số này đồng thời là mã số đăng ký kinh doanh (ĐKKD), mã số thuế (nội địa), mã số hải quan và là mã số duy nhất của mỗi DN được sử dụng trong mọi trường hợp giao dịch cần thiết''.

Tuy nhiên trong khi chờ đợi quy chế mỗi DN có một mã số duy nhất, theo ông Thái, có thể rút gọn quy trình hoàn tất các thủ tục pháp lý để DN sớm khởi động kinh doanh. Sau khi đã được cấp đăng ký kinh doanh, nếu DN được cùng lúc thực hiện cả 3 công đoạn (xin phép khắc dấu và khắc dấu; xin mã số thuế, nộp thuế môn bài; xin cấp sổ mua hóa đơn và hóa đơn), thì hoàn toàn có khả năng rút ngắn thời gian, hoàn tất thủ tục pháp lý khởi động kinh doanh xuống 1/3 hoặc một nửa so với quy trình hiện hành, mà vẫn bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của các ngành chức năng.

Cụ thể, sau khi được cấp ĐKKD, DN được quyền xuất trình giấy ĐKKD cho các tổ chức được phép đặc doanh để yêu cầu khắc dấu cho đơn vị mình theo kích cỡ, nội dung do Nhà nước quy định đối với một số loại hình DN. Sau đó, DN đến nhận con dấu (theo phiếu hẹn) tại cơ quan công an đăng ký mẫu dấu (quy định trách nhiệm giữa tổ chức đặc doanh với cơ quan quản lý mẫu dấu). Cùng lúc, DN có thể đến cơ quan thuế làm tờ khai đăng ký mã số thuế mà không nhất thiết phải có con dấu đóng vào tờ khai. Khi nào đến lấy mã số thuế, DN mang Giấy giới thiệu có đóng dấu của DN, để cơ quan thuế lưu vào hồ sơ là được vì cùng lúc với việc giao đăng ký cho DN, cơ quan ĐKKD đã gửi đăng ký này cho cơ quan thuế.

Trong khi chờ cấp mã số, DN có thể xuất trình ĐKKD và Phiếu nhận hồ sơ làm mã số thuế cho Chi cục Thuế (nơi DN đặt trụ sở kinh doanh) để làm hồ sơ mua ''Phiếu mua hóa đơn'' và hóa đơn. Khi DN cử người đến mua hóa đơn mang theo giấy giới thiệu có đóng dấu, Chứng minh thư Nhân dân và bản sao mã số thuế đến Chi cục Thuế nộp thuế môn bài và nhận hóa đơn là được.

''Vấn đề còn lại là sự thông suốt và hợp tác của các ngành kế hoạch - đầu tư, Công an, Tài chính theo tinh thần đồng thuận vì sự phát triển của DN'' - ông Thái nói.

Mua bán hóa đơn: mới chữa cháy nửa vời!

Trước phản ánh của các DN, cuối năm 2003, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 99/2003/TT-BTC sửa đổi một số quy định tại Thông tư 120/2002/TT-BTC về hướng dẫn quản lý và sử dụng hóa đơn. Theo đó, Thông tư 99 đã rút bớt 4 trong số 8 loại giấy tờ phải có trong bộ hồ sơ mua hóa đơn lần đầu, 3 trong số 5 loại giấy tờ khi DN mua hóa đơn lần tiếp theo. Quy định mới bắt buộc các cơ quan thuế phải bán hóa đơn trong vòng 5 ngày, trong khi Thông tư 120 quy định 5 ngày nhưng không ''bắt buộc''.

Tuy nhiên, ông Thái cho rằng Thông tư 99 vẫn là biện pháp tình thế chữa cháy nửa vời, chưa hoàn hảo. Điển hình là trường hợp DN chuyển đổi địa điểm từ quận này sang quận khác còn phải hoàn tất quyết toán hóa đơn, quyết toán thuế với cơ quan thuế nơi đi, mới được cơ quan thuế nơi đến cho làm hồ sơ mua hóa đơn với thời gian và quy trình như DN mới thành lập. "Thủ tục này dềnh dàng, có khi đến hàng tháng, khiến công việc kinh doanh bị gián đoạn, gây bức xúc cho DN. Nhiều DN cho rằng di chuyển còn phức tạp hơn thành lập DN mới nên họ ''ngại'' báo cáo thay đổi điểm kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh'', ông Thái cho biết.

Khâu nào cũng bất cập!

Hiện nay, một số DN phản ánh tờ khai xin cấp mã số thuế có tới 26 nội dung với rất nhiều chi tiết trùng lặp. Chẳng hạn như đã kê khai đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, đơn vị chủ quan, chủ DN, giám đốc và địa chỉ của họ còn phải kê khai tên và địa chỉ của người góp vốn cao nhất. Trong khi Giấy chứng nhận ĐKKD gửi theo hồ sơ xin mở mã số thuế đã có danh sách thành viên góp vốn. Đó là chưa kể tất cả thành viên góp vốn bằng nhau thì kê khai thế nào?!

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, thời gian để cơ sở mới thành lập đăng ký nộp thuế chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận ĐKKD. Yêu cầu này không thể đáp ứng vì tờ khai thuế yêu cầu phải đóng dấu, song để có con dấu (DN phải xin phép và chờ được cấp giấy phép mất từ 7 - 10 ngày, đợi khắc dấu mất 7 ngày) và chờ mua hóa đơn mất 5 ngày, vị chi mất 20 ngày. Nhiều DN đã bức xúc: ''Làm sao DN có thể đáp ứng với thời hạn trên nếu không điều chỉnh rút ngắn quy trình?''.

Trường hợp DN có nhiều cơ sở kinh doanh, việc kê khai nộp thuế vừa thực hiện ở nơi cơ sở kinh doanh, vừa thực hiện ở nơi DN đặt trụ sở chính dễ dẫn đến nhầm lẫn. Ông Thái cho biết, năm 2001, nhiều DN đề nghị lập tờ khai và nộp thuế GTGT tại nơi DN có trụ sở, Bộ Tài chính đã ghi nhận, nghiên cứu xem xét theo hướng tạo thuận lợi cho DN. Nhưng trong văn bản hướng dẫn khai tờ khai nộp thuế GTGT mới nhất (có hiệu lực từ 1/1/2004), vẫn lặp lại nguyên xi quy định cũ?

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,