(VietNamNet) - Vấn đề được Thủ tướng Phan Văn Khải quan tâm đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) làm sao để giúp người nghèo không tái nghèo. Đây chỉ là chiếc cầu để giúp người dân thoát nghèo chứ không thể làm cơ quan cứu tế hay bao cấp.
|
Thủ tướng Phan Văn Khải cùng Lãnh đạo NHCSXH bên hành lang Hội nghị. |
Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch 2004 của NHCSXH, Thủ tướng Phan Văn Khải nhận định: ''Thắng lợi lớn nhất của NHCSXH là đã tập trung tất cả các nguồn tín dụng phục vụ người nghèo trong một tổ chức. Trong một đất nước còn nghèo, việc chia tách các nguồn vốn làm giảm hiệu quả của việc xoá đói giảm nghèo''.
Thủ tướng cũng khẳng định: ''Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính kết hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm biện pháp tăng vốn điều lệ cho NHCSXH đồng thời giúp NHCSXH tiếp cận và tìm kiếm các nguồn vốn, các dự án hỗ trợ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngân hàng phải giữ được vốn và chủ động mở nhiều hình thức huy động vốn''.
Đến 31/12/2003, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 10.525 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 1.515 tỷ đồng vốn điều lệ, vốn vay ngân hàng Nhà nước là 1.531 tỷ đồng, vốn do các chi nhánh ngân hàng cấp tỉnh tự huy động trong dân cư và các tổ chức là 1.400 tỷ đồng, vay nước ngoài từ Quỹ OPEC là 145 tỷ đồng, ngoài ra là các nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng khác.
Hiện, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đã được tăng từ 5 triệu đồng lên 7 triệu đồng/hộ. Riêng đối với các dự án chăn nuôi đại gia súc sinh sản, lấy thịt, lấy sữa; trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản... được áp dụng mức cho vay tối đa 10 triệu đồng/hộ. Với đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, mức vay đã được nâng từ 200.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng.
Trao đổi với VietNamNet, bà Hà Thị Hạnh, Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, tổng số vốn cho các đối tượng nông dân nghèo, sinh viên nghèo, người đi lao động nước ngoài nghèo... năm nay sẽ được nâng lên 20% (khoảng gần 2.000 tỷ đồng). Ngân hàng cũng sẽ kiên quyết với các đối tượng chây ỳ, không chịu trả nợ để thu hồi vốn, tiếp tục cho những đối tượng nghèo khác vay vốn. Năm 2003, số nợ đến hạn trả được Ngân hàng thu về đạt 85% kế hoạch.
|