(VietNamNet) - Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đang lưu trữ gần 25 triệu bản mô tả sáng chế, khoảng 1,5 triệu kiểu dáng công nghiệp và gần 3 triệu nhãn hiệu hàng hoá. Việc khai thác thông tin sở hữu trí tuệ, đặc biệt là thông tin sáng chế, mang lại lợi ích không nhỏ cho các DN cũng như cho toàn xã hội. Nhưng trong năm 2003 chỉ có 453 lượt người và 115 dự án có tra cứu thông tin sáng chế tại Cục SHTT.
|
Bao giờ thông tin sở hữu trí tuệ trong những CD - ROM được đưa lên mạng tại Việt Nam? |
Thông tin sở hữu trí tuệ nằm trong những bản lưu trữ dữ liệu, gồm thông tin sáng chế, thông tin kiểu dáng công nghiệp, thông tin nhãn hiệu hàng hóa. Đó có thể là những CD-ROM, hoặc trang web, cũng có thể là văn bản in trên giấy. Thông tin sở hữu trí tuệ có những tác dụng rất thiết thực, có thể giúp các DN lựa chọn các giải pháp công nghệ thích hợp để áp dụng, cải tiến, hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện của mình; gợi ý những giải pháp kỹ thuật mới; dự báo sự phát triển của sản phẩm thị trường, sự tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, thông tin sở hữu trí tuệ còn giúp chuẩn bị ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo.
Không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở nước ngoài, các DN thường đề cao hiệu quả kinh tế của việc khai thác độc quyền sáng chế hoặc khoản tiền thu được từ việc cấp li-xăng (quyền khai thác sáng chế). Tuy nhiên, ngày nay, việc độc quyền sáng chế không đem lại nhiều lợi nhuận như trước do ngày càng xuất hiện nhiều sáng chế; cũng từ đó mà doanh thu từ việc cấp li-xăng giảm vì nhu cầu mua li-xăng không cao như trước. Trong khi đó, lợi nhuận từ khai thác thông tin sáng chế rất lớn.Theo báo cáo của Viện Sở hữu trí tuệ Nhật Bản, việc khai thác thông tin của đối thủ cạnh tranh (thông tin sáng chế) đem lại 18,3 % lợi nhuận, lớn nhất trong các khoản thu, trong khi tiền bán li-xăng chỉ đạt khoảng 9,4% lợi nhuận. Một dẫn chứng được các nhà nghiên cứu đưa ra: Hãng Sony của Nhật sau khi khai thác và cải tiến một sáng chế không phải của mình, đã cho ra đời máy nghe Walkman nổi tiếng thế giới.
Nhật Bản là một trong những nước được đánh giá là sử dụng hữu hiệu thông tin sở hữu trí tuệ. Dung lượng thông tin sáng chế tại Nhật Bản rất lớn, khoảng gần 500.000 bản hiện được công bố hàng năm. Số sáng chế được công bố trong vòng hơn 100 năm nay ước tính hơn 15 triệu. Ngoài ra còn có 25 triệu bản thông tin sáng chế và mẫu hữu ích của các nước trên thế giới được lưu giữ tại đây. Hiện lượng thông tin khổng lồ này bắt đầu được đưa lên mạng để mọi người có thể truy cập dễ dàng.
Phương pháp lưu giữ không tiện cho tra cứu
Ngay từ cuối những năm 60 thế kỷ trước, một nhóm chuyên viên Việt Nam đã được giao nhiệm vụ xây dựng kho tư liệu sáng chế nhằm phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, triển khai. Nhưng thông tin sở hữu công nghiệp được đặc biệt chú ý vào giữa những năm 80 khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, số đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa gia tăng. Mục tiêu ban đầu của việc xây dựng hệ thống này là đáp ứng nhu cầu thông tin để xét nghiệm các đối tượng sở hữu công nghiệp yêu cầu bảo hộ và tiến tới phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai.
Cho đến nay, thông tin sở hữu công nghiệp (nay là sở hữu trí tuệ) ở Việt Nam được coi là khá đầy đủ. Trung tâm thông tin tư liệu của Cục SHTT có hợp tác về thông tin, tư liệu với 27 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Patent (sáng chế) châu Âu (EPO) và các cơ quan patent của các nước công nghiệp phát triển. Ngoài con số 25 triệu bản mô tả sáng chế, khoảng 1,5 triệu kiểu dáng công nghiệp và gần 3 triệu nhãn hiệu hàng hóa, Việt Nam còn có 2 triệu tư liệu sáng chế của Trung tâm Thông tin Khoa học - Công nghệ TP.HCM, 1 triệu tư liệu sáng chế của Trung tâm Thông tin Khoa học - Công nghệ TP.Đà Nẵng. Nhưng như trên đã nói, nhu cầu sử dụng thông tin sở hữu trí tuệ nhỏ bé hơn rất nhiều so với tiềm năng.
|
Một hãng khác sẽ không vô tình làm lại chiếc xe giá 200 tỷ đồng này một cách lãng phí nhờ thông tin sở hữu trí tuệ. |
Có thể tìm ra một số nguyên nhân của việc này. Hệ thống thông tin sở hữu trí tuệ không thuận tiện cho khai thác. Do hầu hết thông tin được lưu giữ dưới dạng giấy, chưa được đưa lên internet, nên không tiện cho việc tra cứu. Người cần khai thác thông tin phải đến các trung tâm, gây tốn thời gian, công sức, tiền bạc. Đó là một nguyên nhân dẫn tới việc thông tin sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm. Có chăng, người ta chỉ quan tâm đến thông tin kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa, hầu như không quan tâm đến thông tin sáng chế.
Thông tin sở hữu trí tuệ phần lớn được trình bày bằng ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, trong khi người tra cứu không phải ai cũng thông thạo ngoại ngữ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin sở hữu trí tuệ, nhất là thông tin sáng chế chưa được làm tốt nên hiểu biết của các nhà nghiên cứu - triển khai còn hạn chế.
Sản phẩm thông tin chưa phù hợp với các đối tượng dùng tin khác nhau.
Làm gì để biến tiềm năng thành lợi ích?
Theo ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục SHTT, để nâng cao năng lực khai thác tài nguyên thông tin, tạo lợi ích, phải tiến hành một số công việc như: Sử dụng tối đa công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ mạng để tiến tới xây dựng mạng thông tin sở hữu trí tuệ rộng khắp cả nước. Nâng cao trình độ chuyên môn cũng như năng lực nắm bắt nhu cầu và đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin sở hữu trí tuệ của các chuyên viên. Tập trung xây thư viện điện tử bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh để mọi người có thể truy cập thông tin một cách thuận tiện, chính xác nhất. (Cục SHTT dự kiến thiết lập các phương tiện, kể cả phần mềm của phương tiện để chuyển đổi nhanh chóng với giá thấp các thông tin bằng ngôn ngữ khác sang tiếng Việt). Tiếp tục thu thập tư liệu sở hữu trí tuệ trên cơ sở trao đổi với các nước và các tổ chức quốc tế, tìm các nguồn tư liệu liên quan đến các đối tượng sở hữu trí tuệ để có đủ thông tin mới nhất. Phải mở rộng diện người dùng thông tin, quan tâm đến tính thiết thực của thông tin, biến việc cung cấp thông tin thành dịch vụ và cung cấp thông tin trọn gói theo yêu cầu của người dùng.
Một phần quan trọng của thành công còn phụ thuộc vào các DN, nhà nghiên cứu. Phải ý thức được tầm quan trọng của thông tin sở hữu trí tuệ, họ mới có nhu cầu khai thác.
|