(VietNamNet) - Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư Khu vực Tiểu vùng sông Mekong vừa diễn ra với những cam kết lớn của cộng đồng DN các nước tiểu vùng. Báo chí đã có cuộc trao đổi với Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xung quanh những tiềm năng và cơ hội cho DN Việt Nam tại khu vực này.
|
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. |
- Thưa ông, Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư Khu vực Tiểu vùng sông Mekong đã đạt được những kết quả gì?
- Tại hội nghị này đã có sự đồng thuận rất cao của các nước, các tổ chức quốc tế về việc tiếp tục trao đổi, bàn bạc để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và cũng có cam kết rất cao của LHQ, ADB, các tổ chức quốc tế để thu hẹp khoảng cách phát triển, xóa đói, giảm nghèo trong khu vực.
Việt Nam đã đưa ra sáng kiến về đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng năng lực cho các DN đồng thời kêu gọi các nước tham gia xây dựng mạng thông tin điện tử phục vụ cộng đồng DN trong khu vực. Sáng kiến này đã được các tổ chức quốc tế và cộng đồng DN các nước đồng tình ủng hộ.
- Trước khi tham gia vào chương trình hợp tác thương mại, đầu tư của khu vực, DN muốn biết những cơ hội, những thuận lợi cụ thể mà họ có thể được hưởng. Ông sẽ nói với họ những gì?
- Một số lĩnh vực hoàn toàn có khả năng cạnh tranh, hoàn toàn hiện thực để mở rộng sang các nước bên cạnh như dệt may, da giày, vật liệu xây dựng, động cơ nhỏ. Trong khi những nước trong khu vực có trình độ kém hơn. Các DN Việt Nam còn phải tiến thêm một bước là mạnh dạn đầu tư sang các nước tiểu vùng. Khó khăn trước mắt nhưng có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
- Tuy nhiên, những khó khăn nào mà các DN sẽ phải đối mặt?
- Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, DN không chỉ chú ý đến các thị trường phát triển cao như Mỹ, EU... mà nên hướng đến những nước láng giềng có tiềm năng rất cao như: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia... Trước mắt việc xâm nhập thị trường này còn những bước khó khăn như về thể chế, về hài hòa thủ tục, về cơ sở hạ tầng, khả năng tài chính. Để chiếm lĩnh thị trường này lâu dài, các DN Việt Nam không thể chậm chân. Điều đó cần sự trợ giúp, hỗ trợ của Chính phủ đồng thời có sự yểm trợ về tài chính trong khi đầu tư vào các nước này. Và quan trọng là các DN cần phải có sự liên kết với nhau.
Phát triển thương mại, đầu tư tiểu vùng phụ thuộc lớn vào nỗ lực của cộng đồng DN chứ không chỉ là quyết tâm chính trị của các Chính phủ hay sự hợp tác tầm vĩ mô của Chính phủ. Một hạn chế của DN là thiếu trầm trọng thông tin thị trường, thông tin tiềm năng của các nước tiểu vùng. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm xúc tiến việc xây dựng mạng thương mại điện tử phục vụ DN tiểu vùng.
- Ông có thể đánh giá những đóng góp của khối DN tư nhân vào sự phát triển của khu vực GMS?
- Các nước trong khối GMS có nhiều nước đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cấu trúc DN Nhà nước và phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển nhanh tại các nước. Phát triển DN vừa và nhỏ là hướng rất quan trọng trong việc đẩy nhanh nhịp độ phát triển và trải đều hướng phát triển của nền kinh tế, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các khu vực trong nền kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lại Quang Thực cũng khẳng định tại Hội nghị: ''Chính phủ Việt Nam đã cam kết và hỗ trợ tích cực đối với các chương trình hợp tác kinh tế GMS''.
Trước hết, với dự án nâng cấp tuyến đường Hồ Chí Minh - Mộc Bài (thuộc dự án cải tiến trục đường Bangkok - Phnompenh - TP.HCM - Vũng Tàu). Đây là tuyến đường cao tốc trọng điểm đã từng được nâng cấp nằm trong hành lang kinh tế phía Nam, và đang tạo ra những điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các tỉnh đồng bằng sông Mekong của VN, Campuchia và Thái Lan.
Dự án nâng cấp đường Quốc lộ số 9 (nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây) đang được thực hiện một cách tích cực. Trong tương lai không xa, việc hoàn thịên con đường này sẽ tạo ra một tuyến đường cao tốc đạt tiêu chuẩn quốc tế nối Quốc lộ 1A với cảng biển Đà Nẵng. Hành lang vận chuyển Đông - Tây ở VN có thể tạo ra một chiếc cầu nối giữa miền Trung Việt Nam với miền Trung Lào, miền Đông Bắc Thái Lan, miền Nam Myanmar và với Ấn Độ Dương. Các nước trong hành lang này sẽ được thúc đẩy sự hợp tác để phát triển kinh tế, du lịch, thương mại và đầu tư, xóa đói giảm nghèo...
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng ngành du lịch trong khu vực GMS cũng đang mở ra một cơ hội phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái ở các tỉnh đồng bằng sông Mekong của VN với Campuchia, Thái Lan và Lào.
Ông Kim Hak-Su, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế - Xã hội Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Châu Á đang trở thành một khu vực phát triển kinh tế mạnh, có thể so sánh với cả Bắc Mỹ và EU với việc chiếm gần 30% GNP của thế giới và 25% kim ngạch xuất khẩu thế giới. Trong đó, khu vực GMS đang có những tiềm năng để trở thành khu vực năng động nhất trong sự phát triển của châu Á với vị trí địa lý quan trọng - nằm ở trung tâm châu Á, nối các khu vực Đông Bắc, Đông Nam và Nam Á.
Ông Rajat M.Nag, Tổng Thư ký Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyên các nước thành viên GMS phải có sự liên kết chặt chẽ vì GMS đang nằm trong dòng suy giảm đầu tư chung của khu vực châu Á sau cuộc khủng hoảng 1997 (giảm 2/3), thương mại nội khối cũng giảm tới 19%.
|