(VietNamNet) - ''Mọi DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa sẽ có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn vì các hành vi lạm dụng của DN lớn sẽ được giám sát chặt chẽ. Hành vi can thiệp vào quá trình cạnh tranh của cơ quan Nhà nước cũng sẽ bị giám sát chặt chẽ''.
|
Hiệp hội DN cũng được đưa vào đối tượng kiểm soát của Luật Cạnh tranh. |
Đó là tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh, trưởng ban soạn thảo Luật Cạnh tranh trong buổi trao đổi về Dự luật này với Câu lạc bộ DN Việt Nam sáng 10/3 tại Hà Nội. Ngày 18/3 tới, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển sẽ có buổi thuyết trình trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về Luật Cạnh tranh. Dự luật này dự kiến sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận trong tháng 5/2004.
Luật Cạnh tranh sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng?
Mặc dù Hiến pháp năm 1992 chính thức thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế và khẳng định quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trước pháp luật, nhưng khi thực hiện, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước đã không thực sự tuân thủ quy định này. Tình trạng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là giữa DN Nhà nước và DN tư nhân khá phổ biến.
Sẽ có Tổng cục cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại?
Cơ quan chủ trì việc soạn thảo Luật Cạnh tranh (Bộ Thương mại) cho rằng, về lâu dài, cùng với sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, để đảm bảo tính độc lập cao, nên thành lập cơ quan quản lý cạnh tranh ngang bộ ở nước ta. Tuy nhiên, trong thời gian đầu thực thi luật, theo kinh nghiệm của nhiều nước, nên tổ chức cơ quan Quản lý Cạnh tranh là một Tổng cục nằm trong Bộ Thương mại. Tổng cục này sẽ chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại thực thi Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam và Pháp lệnh về Chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam. |
Bên cạnh đó, do quyền lợi địa phương, cục bộ, một số cơ quan Nhà nước, bằng các mệnh lệnh hành chính của mình, gián tiếp can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các DN, tạo lợi thế cho một hay một số DN vẫn đang diễn ra. Tình trạng này làm xuất hiện những rào cản thương mại ngay trên chính thị trường nội địa theo cách ''chỉ được mua xi măng của tỉnh nhà trong xây dựng'' hay gần đây là việc Sở Giáo dục một tỉnh yêu cầu các trường phổ thông trên địa bàn chỉ được mua bút bi của một DN, làm mất cơ hội cạnh tranh bình đẳng của các DN khác, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Một hành vi khác khá phổ biến là tình trạng phối hợp hành động (một dạng thoả thuận chính thức) giữa các DN là đối thủ cạnh tranh trong Hiệp hội ngành nghề như: ràng buộc các DN thành viên trong việc định giá mua nông sản xuất khẩu (Hiệp hội cây điều Việt Nam), ràng buộc về phương thức tính giá (Hiệp hội taxi), thông đồng trong đấu thầu xây dựng để định ra người thắng thầu hoặc làm sai lệch trúng thầu... thậm chí còn ép buộc các DN không là thành viên phải tuân thủ những quy định hạn chế kinh doanh này.
Tình trạng lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền trên thị trường cũng đang đặt ra nhiều bức xúc. Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho biết, Bộ Thương mại đã nhận được một số đơn khiếu nại của các công ty Giấy Vĩnh Huê, Linh Xuân và Mai Lan kiện công ty New Toyo về việc bán phá giá giấy vệ sinh để chiếm đoạt thị trường.
Các hành vi lạm dụng ưu thế của các DN chi phối thị trường đang diễn ra mà chưa được quản lý bằng pháp luật. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trong tờ trình về Dự án Luật Cạnh tranh gửi lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập đến việc các DN độc quyền mua thì ấn định giá mua thấp (như thu mua nông sản của nông dân), độc quyền bán thì bán giá cao hay kìm giữ giá để thu lợi nhuận siêu ngạch hoặc định giá bán thấp hơn giá vốn để loại trừ đối thủ cạnh tranh. Tình trạng áp đặt các điều kiện ràng buộc bất hợp lý trong kinh doanh như ép mua, ép bán, bán kèm, mua kèm những sản phẩm, dịch vụ không cần thiết chủ yếu diễn ra giữa các nhà máy chế biến, công ty thu mua với nông dân đã xuất hiện thời gian dài nhưng chưa bị xử lý. Và gần đây là tình trạng sai phạm của các công ty bán hàng đa cấp trên thị trường như trốn thuế, quảng cáo gian dối, không có chế độ bảo hành sản phẩm... gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Vì vậy, việc ban hành Luật Cạnh tranh với các chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh bình đẳng được cả Chính phủ và cộng đồng DN đánh giá là vô cùng cần thiết, cấp bách.
Phạt vi phạm 10% doanh thu/năm
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh, theo đó, để đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm và đảm bảo các biện pháp phạt tiền không bị lạc hậu theo thời gian, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh dự định sẽ tính theo tỷ lệ trên doanh thu của DN. Cụ thể, có thể phạt tới 10% tổng doanh thu năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
Về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền, một DN có thị phần trên thị trường liên quan từ 30% trở lên sẽ bị coi là có vị trí thống lĩnh. Trong trường hợp nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường, Dự luật quy định các mức: 2 DN có thị phần từ 50% trở lên, 3 DN có thị phần từ 65% trở lên và 4 DN có thị phần 75% trở lên. Chỉ khi một (nhóm) DN có vị trí thống lĩnh, độc quyền thực hiện hành vi lạm dụng thì mới bị xử phạt.
Theo dự thảo, khi DN đạt thị phần 30% sẽ phải thông báo lại cho cơ quan quản lý cạnh tranh và mức 50% thị phần được xác định là có ''nguy cơ tiềm ẩn bất lợi cho môi trường cạnh tranh''. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: ''Chúng ta không thể cấm một DN tự đi lên để có được vị trí thống lĩnh, thậm chí là vị trí độc quyền, nhưng chúng ta không khuyến khích các DN chiếm lấy vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền bằng các biện pháp tập trung kinh tế giản đơn''.
Và thách thức đối với DN
Theo Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh, Luật Cạnh tranh ra đời sẽ đặt DN trước một thách thức khá lớn. Trước hết, mọi DN thuộc tất cả các thành phần kinh tế, kể cả các DN thuộc kinh tế quốc doanh, phải chấp nhận cạnh tranh một cách văn minh hơn, rõ ràng hơn, bài bản hơn mà không còn đất cho những chiến thuật cạnh tranh chộp giật. DN lớn sẽ phải cẩn thận hơn trước khi ra những quyết định quan trọng vì những quyết định này có nhiều ảnh hưởng đến thị trường và đã được giám sát chặt chẽ.
Thứ hai là DN phải chấp nhận những cơ chế mới do Luật Cạnh tranh đặt ra. Đó là phải thông báo khi tập trung kinh tế đạt đến một ngưỡng nhất định. Trong một số trường hợp, nếu tập trung kinh tế có khả năng gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường thì DN sẽ không được phép tập trung kinh tế. Và những chế tài rất nghiêm khắc DN sẽ phải đối mặt nếu có hành vi vi phạm luật với dự kiến mức phạt vi phạm không phải là số tiền tuyệt đối mà được tính theo phần trăm doanh thu của DN. Đây sẽ là những khó khăn lớn cho các DN trong quá trình kinh doanh.
|